Dân Việt

Những điểm đáng chú ý trong vụ án cháy quán karaoke An Phú 32 người chết

Chinh Hoàng 26/10/2024 13:39 GMT+7
Tại phiên xét xử vụ cháy quán karaoke An Phú, TP.Thuận An tỉnh Bình Dương, khi nói lời sau cùng chủ quán bị cáo Lê Anh Xuân cúi đầu xin lỗi người nhà nạn nhân và xin tòa giảm nhẹ hình phạt, ông Xuân bị VKS đề nghị mức án 5-6 năm tù. HĐXX cũng thông báo dự kiến tuyên án vào ngày 30/10.

Dân Việt điểm lại những điểm đáng chú ý trong phiên xét xử sơ thẩm vụ cháy quán karaoke An Phú khiến 32 người chết ở TP.Thuận An tỉnh Bình Dương hồi tháng 9/2022.

Chủ quán karaoke Lê Anh Xuân bị đề nghị mức án 5-6 năm tù

Tại phên xét xử ngày 25/10, bị cáo Lê Anh Xuân (SN 1980, chủ quán karaoke An Phú), bị cáo Vũ Trường Sơn (SN 1987) và bị cáo Phạm Quốc Hùng (SN 1980) bị đề nghị mức án 5-6 năm tù; bị cáo Nguyễn Thành Luân (SN 1987) bị đề nghị mức án từ 3-4 năm tù cùng về tội "Vi phạm các quy định về PCCC".

Những điểm nổi bật trong vụ án cháy quán karaoke An Phú 32 người chết- Ảnh 1.

Bị cáo Lê Anh Xuân (SN 1980, chủ quán karaoke An Phú, đứng giữa) bị VKS đề nghị mức án 5-6 năm tù. Ảnh: Chinh Hoàng

Bị cáo Nguyễn Văn Võ (SN 1985) bị đề nghị mức án từ 3-4 năm về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Riêng bị cáo Hồng bị đề nghị cao nhất với mức án từ 7-8 năm tù về tội "Vi phạm các quy định về PCCC".

Trước đó, nói lời sau cùng tại tòa, ông Lê Anh Xuân (chủ quán karaoke An Phú) đã quay người lại phía sau phòng xử án cúi đầu xin lỗi gia đình 32 nạn nhân.

Bị cáo Xuân xin phép được chia sẻ nỗi đau đối với thân nhân người bị hại, vì sự thiếu hiểu biết quy định về PCCC nên đã dẫn đến hậu quả đau lòng cho người khác.

Bị cáo Xuân cũng xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt để ông có cơ hội làm lại cuộc đời, phụng dưỡng người thân lớn tuổi.

Những điểm nổi bật trong vụ án cháy quán karaoke An Phú 32 người chết- Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên xét xử vụ cháy quán karaoke An Phú 32 người chết. Ảnh: Chinh Hoàng

Bị cáo Phạm Thị Hồng, công tác tại Đội tổng hợp của Phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (thuộc Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ) Công an tỉnh Bình Dương, vẫn giữ quan điểm mình bị kết án oan, đề nghị HĐXX tuyên án đúng người đúng tội, đúng pháp luật.

Bị cáo Hồng nhất quyết khẳng định mình không liên quan đến vụ án, mọi cáo buộc đối với bị cáo đều không có chứng cứ mà chỉ dựa vào lời khai của các bị cáo.

Tại phiên tòa này, luật sư bào chữa cho bị cáo Hồng và bị cáo Vũ Trường Sơn đã đưa ra nhiều lập luận, chứng cứ cho rằng việc buộc tội đối với hai bị cáo này là không có cơ sở, mang tính quy kết không có chứng cứ phù hợp theo quy định của pháp luật.

Kết thúc phần tranh luận tại tòa, Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa thay mặt HĐXX thông báo vụ án có nhiều tình tiết cần được xem xét, do đó HĐXX sẽ nghị án kéo dài. Các bị cáo còn lại cũng mong muốn HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt, áp dụng khoan hồng để tuyên mức án phù hợp với tội danh của mình.

Cựu nữ cảnh sát PCCC liên tục kêu oan không thừa nhận tội như cáo buộc

Cũng tại phiên tòa hôm 25/10, bị cáo Phạm Thị Hồng, công tác tại Đội tổng hợp của Phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (thuộc Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Bình Dương) bất ngờ bật khóc, liên tục nói mình bị oan ức trong vụ án này. Trong khi 5 bị cáo đề nghị tòa xem xét theo quy định của pháp luật.

Những điểm nổi bật trong vụ án cháy quán karaoke An Phú 32 người chết- Ảnh 4.

Ảnh: Chinh Hoàng

Theo bị cáo Hồng, nếu bảo hỗ trợ tiền cho gia đình các bị hại theo "tình người" thì sẵn sàng, do từ trước tới nay vẫn thường xuyên làm công tác từ thiện, thậm chí bỏ ra hơn 70 triệu đồng để mua thiết bị cho bác sĩ cứu chữa bệnh nhân.

Tuy nhiên, nếu phải bồi thường do phạm tội thì bị cáo Hồng không đồng ý. Lý do bị cáo Hồng cho rằng mình bị oan, không liên quan đến vụ án. Bị cáo Hồng nói tại tòa: "Bị cáo là cán bộ tổng hợp làm trong lĩnh vực cứu nạn cứu hộ, không liên quan đến việc làm hồ sơ cấp phép, thi công thiết kế, thẩm duyệt PCCC. Vì vậy, cáo buộc bị cáo phạm tội như cáo trạng là không đúng".

Ngoài ra, cũng theo bị cáo Hồng, thời gian qua bị cáo đã gửi nhiều đơn kêu oan đến các cơ quan chức năng. Đồng thời, bị cáo Hồng cũng làm đơn tố cáo các cơ quan tố tụng do đã khởi tố oan bị cáo.

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Bình Dương, năm 2017, Hồng là cán bộ công an công tác tại Đội tổng hợp của Phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (thuộc Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Bình Dương). Mặc dù không có tư cách pháp nhân, không được cấp giấy phép kinh doanh lĩnh vực PCCC nhưng Hồng đã nhận hợp đồng thi công hệ thống PCCC cho cơ sở karaoke An Phú để nhận tiền.

Tiếp đó, Hồng thuê một người khác thi công, nhờ bị cáo Nguyễn Thành Luân - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thái Bình Anh (đơn vị được cấp phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC) ký vào các biên bản để nghiệm thu, tác động với bị cáo Phạm Quốc Hùng để nghiệm thu cho cơ sở karaoke An Phú.

Người thân bị hại xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho chủ quán karaoke An Phú Lê Anh Xuân

Tại phiên tòa một số người thân của 32 bị hại trình bày, sau khi vụ cháy xảy ra, bị cáo Lê Anh Xuân (chủ quán) đã hỗ trợ gia đình 130 triệu đồng để lo mai táng.

Những điểm nổi bật trong vụ án cháy quán karaoke An Phú 32 người chết- Ảnh 6.

Người thân của 32 bị hại trong vụ án. Ảnh: Chinh Hoàng

Trong số những bị hại có con nhỏ 12 tuổi, hiện đang sống với ông bà ngoại không có thu nhập ổn định. Người thân của họ chỉ yêu cầu chủ quán có trách nhiệm cấp dưỡng cho cháu 3 triệu đồng/tháng đến lúc đủ 18 tuổi.

Ngoài ra, đại diện bị hại cũng mong tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho Lê Anh Xuân vì đây là sự cố ngoài ý muốn, bản thân bị cáo cũng thiệt hại lớn trong vụ cháy. Trình bày tại tòa sáng nay hầu hết đại diện các bị hại khác đều có ý kiến mong tòa giảm nhẹ hình phạt cho chủ quán karaoke An Phú.

Chủ quán Lê Anh Xuân khai không nắm rõ điều kiện kinh doanh quán karaoke

Tại tòa, Lê Anh Xuân khai: "Bị cáo không nắm rõ việc kinh doanh karaoke phải có điều kiện gì, vì trước đó ba bị cáo làm hết". Tuy nhiên, khi tòa chất vấn về trách nhiệm của mình, bị cáo thừa nhận bản thân có thiếu sót, không kiểm tra lại các vấn đề khi hoạt động.

Là người đầu tiên bị thẩm vấn, Lê Anh Xuân cho biết, hôm xảy ra hỏa hoạn, bị cáo đang ở nhà xem tivi thì vợ chạy về khóc, nói quán bị cháy. Khi đến hiện trường, ông này thấy nhân viên đang chữa cháy và đã trình báo cơ quan chức năng. Công tác cứu hộ diễn ra liên tục đến 5h sáng hôm sau thì lửa tiếp tục bùng lên. Sau một ngày chữa cháy, cảnh sát phát hiện 32 người chết và 3 người bị thương.

Theo bị cáo Xuân, cha bị cáo (đã chết) là người liên hệ với đơn vị thi công và người có chức trách làm hồ sơ giấy phép hoạt động. Bị cáo chỉ ký vào các giấy tờ hồ sơ do ông đưa lại, không liên quan hay quen biết Phạm Thị Hồng. "Bị cáo chỉ gặp chị Hồng một lần vào buổi trưa, khi cha gọi nói mang 50 triệu đồng lên trả tiền cho người này", Xuân khai.

Đến năm 2019, cha phải điều trị bệnh, ông nói bị cáo nghỉ việc công ty để quản lý quán nên nghe lời. Lúc Xuân tiếp quản công việc thì cơ sở này đã hoạt động. Bị cáo có làm việc với quản lý và yêu cầu người này liên hệ với các cơ quan chức năng xem việc PCCC còn thiếu sót gì thì bổ sung.

Trả lời HĐXX sau đó, cựu cảnh sát Vũ Trường Sơn nói không có ý kiến gì về bản cáo trạng. Năm 2017, khi được phân công nhiệm vụ và tiếp nhận hồ sơ thiết kế của cơ sở karaoke An Phú do bộ phận tiếp dân đưa qua, bị cáo nhận thấy hồ sơ có một số vấn đề chưa đảm bảo quy chuẩn và đã tham mưu lãnh đạo yêu cầu chủ cơ sở bổ sung. Sau khi nhận lại hồ sơ, thấy đã đủ các điều kiện theo quy chuẩn về PCCC nên Sơn trình lên cấp trên duyệt.

"Bị cáo chỉ thẩm duyệt hồ sơ trên giấy tờ và đã làm đúng theo trách nhiệm của mình, còn về thực tế thế nào thì bị cáo không phụ trách", cựu cảnh sát nói và cho biết đây là vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng nên nhận thấy mình có một phần trách nhiệm.

Bị cáo Nguyễn Văn Võ (cựu đại úy, cán bộ Đội Cảnh sát PCCC Công an TP.Thuận An) bị xét xử về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Liên quan vụ án, ông Nguyễn Duy Linh (nguyên trung tá, đội trưởng Cảnh sát PCCC Công an TP.Thuận An) cũng bị khởi tố về cùng tội danh nhưng đã chết nên được đình chỉ điều tra. Trong số các bị cáo, Hồng, Sơn và Luân được tại ngoại.

Theo nội dung vụ án, tối 6/9/2022, lửa bất ngờ bùng lên tại lầu 2 karaoke An Phú rồi nhanh chóng lan nhanh toàn bộ quán. Lúc này, có khoảng 60 người gồm khách và nhân viên ở trong. Khoảng một phút sau, ngọn lửa bùng lên dữ dội, một số khách và nhân viên chạy lên sân thượng, số còn lại chờ cứu nạn.

Sau gần một ngày chữa cháy, cảnh sát tìm thấy 32 thi thể. Những người còn lại may mắn chạy thoát hoặc được cứu, trong đó có 17 nạn nhân bị thương.

Kết quả giám định kết luận vụ cháy xảy ra do dây dẫn điện lắp đặt trên trần la phông tầng 2 bị chập, lửa cháy lan ra các vật liệu xung quanh. Hệ thống điện, PCCC của cơ sở không đảm bảo an toàn. Trong số 32 nạn nhân, có 31 người trong máu có nồng độ cồn, trong đó 18 nạn nhân có nồng độ cồn trong máu rất cao từ 86-299mg/100ml; một người dương tính với ma túy.

Cơ quan công tố xác định, bị cáo Hùng và một số cán bộ cảnh sát PCCC cháy đã có nhiều sai phạm trong việc thẩm duyệt hồ sơ thiết kế; kiểm tra, nghiệm thu hệ thống PCCC; không thực hiện công tác hướng dẫn, kiểm tra phát hiện các vi phạm trong PCCC của chủ quán karaoke.

Cụ thể, Lê Anh Xuân là người đứng đầu cơ sở kinh doanh karaoke An Phú, quá trình xây dựng và hoạt động không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về PCCC, cứu hộ cứu nạn. Ông này đã thuê nữ cảnh sát Phạm Thị Hồng thi công và hoàn thiện hệ thống PCCC của quán. Do Hồng không đủ điều kiện về chuyên môn và cơ sở pháp lý để thi công và hoàn thiện hồ sơ xin nghiệm thu hệ thống PCCC nên đã thuê ông Nguyễn Duy Linh làm.

Sau khi ông Linh thi công xong, bà Hồng lợi dụng mối quan hệ đồng nghiệp với Phạm Quốc Hùng tác động nghiệm thu hệ thống PCCC của karaoke An Phú. Tuy nhiên, Hùng không kiểm tra, nghiệm thu theo quy định mà lập khống biên bản nghiệm thu nhằm hợp thức hóa hồ sơ.

Hồng sau đó đưa biên bản kiểm tra, nghiệm thu cho Nguyễn Thành Luân (do Công ty TNHH MTV Thái Bình Anh có đủ chức năng thiết kế, thi công các hạng mục liên quan đến PCCC) nhờ ký khống vào biên bản. Luân vì "nể nang Hồng là cán bộ cảnh sát PCCC" nên đã ký vào biên bản, dưới mục đơn vị thi công.

Tiếp đó, Hùng tham mưu cho cấp trên ký nháy vào công văn xác nhận nghiệm thu hệ thống PCCC cho quán karaoke An Phú để đề xuất Phó Giám đốc cảnh sát PCCC Bình Dương tạo điều kiện cho cơ sở này đi vào hoạt động. Đến ngày 18/7/2017, Cảnh sát PCCC Bình Dương ban hành văn bản về việc xác nhận nghiệm thu. Ngày 31/7/2017, Công an thị xã (nay là thành phố) Thuận An đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự cho cơ sở An Phú. Quá trình điều tra, bị cáo Hồng không thừa nhận hành vi sai phạm.

Bị cáo Vũ Trường Sơn là người kiểm tra bản thuyết minh thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thiết kế về PCCC tại cơ sở An Phú và lập bảng đối chiếu quy chuẩn. Tuy nhiên, Sơn không phát hiện hồ sơ thiết kế của cơ sở có một số nội dung chưa đảm bảo, vẫn xây dựng báo cáo trình cấp trên.