Dân Việt

Người dân sống "khốn khổ" cạnh đường mòn Hồ Chí Minh vì tiếng còi hơi của xe tải trọng lớn

Nhật Minh 26/10/2024 15:00 GMT+7
Những hộ gia đình sinh sống cạnh tuyến đường mòn Hồ Chí Minh (huyện Chương Mỹ, Hà Nội - huyện Lạc Thủy, Hòa Bình) thường xuyên phải chịu cảnh khói bụi, đặc biệt hơn là họ bị "tra tấn" bởi những tiếng còi ô tô có tần số âm thanh lớn.

Giật mình thon thót

Đường mòn Hồ Chí Minh đoạn từ thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đi Ba Hàng Đồi (huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) là một tuyến đường huyết mạch. Dọc tuyến đường này có hàng chục mỏ khai thác đá, mỗi ngày có không biết bao nhiêu lượt xe tải chuyên vận chuyển đá từ các mỏ đi nơi khác giao hàng.

Hàng ngày, những hộ gia đình sinh sống cạnh tuyến đường thường xuyên phải đối mặt với cảnh khói bụi, đặc biệt hơn là họ bị "tra tấn" bởi những tiếng còi ô tô có tần số âm thanh lớn, hay còn được gọi là còi hơi.

Sống "khốn khổ" cạnh đường mòn Hồ Chí Minh vì tiếng còi hơi của xe tải trọng lớn - Ảnh 1.

Dọc tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, hàng ngày rất đông xe tải trọng lớn lưu thông.

Bà Đ.T.H ( xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) bức xúc: "Hơn nửa đời người tôi sống cạnh đường mòn Hồ Chí Minh, tận mắt chứng kiến cảnh đổi thay của tuyến đường. Mỗi ngày, lưu lượng phương tiện giao thông đi qua đây cứ tăng dần, nhất là xe tải trọng lớn. Tiếng gầm rú của động cơ, tiếng còi liên tục inh tai nhức óc từ xe tải nhưng cũng đành phải chấp nhận".

Theo bà Đ.T.H, nhiều gia đình có người già hay trẻ nhỏ buộc phải tìm chỗ khác yên tĩnh hơn. Nhiều gia đình phải gia cố lại nhà cửa theo kiểu chống ồn để hạn chế tiếng ồn, tiếng còi xe tải mỗi ngày.

"Nhiều lái xe vô ý thức, tiếng còi đã rất to, họ còn bấm còi liên tục. Có những lúc tôi nghe thấy tiếng còi phát ra từ một vài chiếc xe tải chở đá, họ bấm còi kéo dài theo kiểu bấm cho vui", bà Đ.T.H nói.

Xe tải trọng lớn vượt ẩu, liên tục bấm còi hơi.

Anh V.V.S (xã Lương Mỹ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, trước đây gia đình anh trai anh có một mảnh đất ngay mặt đường mòn Hồ Chí Minh. Sau khi anh trai lâm bệnh, cả gia đình đã bán nhà rồi đi tìm nơi ở mới với mong muốn có một môi trường mới yên tĩnh hơn, trong lành hơn.

Cũng theo anh V.V.S, nhiều gia đình có đất mặt đường ở khu vực anh đang sinh sống chỉ dùng làm nơi kinh doanh, hoặc cho người khác thuê để kinh doanh chứ không ở.

Theo ghi nhận của PV Dân Việt, trên tuyến đường này phương tiện giao thông qua lại tấp nập, từ xe khách đường dài cho đến xe tải trọng lớn, xe container...

Sống "khốn khổ" cạnh đường mòn Hồ Chí Minh vì tiếng còi hơi của xe tải trọng lớn - Ảnh 2.

Tiếng còi hơi làm ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

Nhiều lái xe tải trọng lớn đã tự ý thay đổi còi xe, lắp những chiếc còi hơi có tần số âm thanh lớn. Không chỉ dừng lại ở đó, thời gian gần đây tiếng còi ô tô còn được thay thế bằng những bản nhạc làm phân tâm người đi đường.

Bấm còi kiểu "vô văn hóa"

"Lái xe vô văn hóa" là cái tên mà nhiều người dân sinh sống cạnh tuyến đường mòn Hồ Chí Minh dành cho một số lái xe. Nhìn những chiếc xe tải trọng lớn, chạy tốc độ cao khiến nhiều người khiếp sợ.

"Họ bấm còi mà không có một chút văn hóa nào. Bản thân tôi khi lái xe cũng có bấm còi, nhưng đó là còi đi theo xe, tiếng còi kêu vừa đủ và đặc biệt chỉ bấm còi khi thật sự cần thiết. Còn dọc đường mòn Hồ Chí Minh ơ đây, cánh lái xe bấm vô tội vạ, nhiều khi đi qua chợ, qua khu dân cư họ còn bấm cả hồi còi dài khiến người dân hoảng sợ. Nhiều chị em đi xe máy nghe thấy tiếng còi thúc giục liền bị giật mình, phanh gấp rất nguy hiểm", chị T.B.P (thị trấn Xuân Mai,Chương Mỹ) lên tiếng.

Xe tải sử dụng còi hơi tạo nhạc (video Tiktok).

Sống ngay cạnh ngã ba tuyến đường tỉnh 429 – giao với đường mòn Hồ Chí Minh, ông T.Đ.S cho biết: "Hàng ngày tôi bán nước ở đây từ sáng đến tối. Tôi quá quen thuộc với cảnh xe cộ tấp nập, khói bụi, đất đá rơi ra đường nhưng không thể chấp nhận được tiếng còi hơi của xe tải trọng lớn. Tiếng còi như một ai đó hét vào tai, dồn dập đến rùng mình".

Theo ông T.Đ.S, xe cộ ở đây chạy tấp nập từ sáng đến tối, với những xe tải trọng lớn, họ chạy tốc độ cao hơn khi đêm xuống. Xe chở nặng lại chạy nhanh buộc tài xế thường xuyên phải bấm còi cảnh báo người đi đường. Ông S cho biết, nhiều đêm, ông cứ chợp mắt một lúc lại tỉnh giấc vì tiếng còi xe có tần số lớn vang lên từng hồi.

Tại Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cấm các hành vi như bấm còi, rú ga liên tục, bấm còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ sáng...

Ngoài ra cũng nghiêm cấm việc lắp đặt, sử dụng còi, đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới; sử dụng thiết bị âm thanh gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng.

Đối với những trường hợp vi phạm, việc xử lý được quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, cụ thể như sau:

Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô:

- Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng khi điều khiển xe bấm còi trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định. Ngoài phạt tiền, vi phạm quy định trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng.

- Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định. Vi phạm quy định trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng.

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe lắp đặt, sử dụng còi vượt quá âm lượng theo quy định.

Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người điều khiển xe thực hiện hành vi buộc phải lắp đầy đủ thiết bị hoặc thay thế thiết bị đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật hoặc khôi phục lại tính năng kỹ thuật của thiết bị theo quy định, đồng thời bị tịch thu còi vượt quá âm lượng.