K hông tốt nghiệp vì nợ chứng chỉ ngoại ngữ
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam (chứng chỉ VSTEP) được áp dụng để xét đầu ra cho sinh viên trình độ đại học ban hành theo quyết định số 1982/QĐ-TTg năm 2016.
Theo đó, sinh viên trình độ đại học cần đạt năng lực tiếng Anh từ bậc 3/6, tương đương với trình độ B1 theo khung tham chiếu châu Âu. Chứng chỉ B1 là tiêu chuẩn tối thiểu mà phần lớn các cơ sở giáo dục đại học áp dụng để đánh giá điều kiện ngoại ngữ đầu ra.
Bên cạnh đó, không ít trường đại học có những điều chỉnh khác nhau về chuẩn đầu ra ngoại ngữ; bao gồm việc áp dụng quy đổi các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEIC, TOEFL cùng chứng chỉ các ngôn ngữ khác. Thông thường, sinh viên phải đạt ngưỡng điểm IELTS từ 4.5 hay TOEIC từ 450 trở lên. Sinh viên có thể lựa chọn một trong số chứng chỉ này hoặc thi nội bộ tại trường để đủ điều kiện xét tốt nghiệp.
Điều đáng lưu ý, mặc dù đây là quy định cứng của các nhà trường, nhưng hàng năm, số sinh viên không ra trường đúng hạn do nợ chứng chỉ ngoại ngữ là điều không hiếm, thậm chí khá phổ biến.
Nguyễn Hoàng Anh, cựu sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải cho hay, anh ra trường muộn 3 năm vì không học, không thi chứng chỉ ngoại ngữ đúng thời hạn. “Em đã định cày chứng chỉ vào đầu năm thứ 5 đại học nhưng sau đó bận và lười nên kế hoạch đó không thực hiện được. Cuối cùng, em không ra được trường bằng thời gian của các bạn”, Hoàng Anh nói.
Đào Nguyễn Khánh Linh (sinh viên năm 4, chuyên ngành Quản lý Tài chính công, Học viện Tài chính) nêu thực tế: hiện nay vẫn có một phần không nhỏ sinh viên sợ và kém ngoại ngữ, trong đó có Linh.
“Em không có khiếu học ngoại ngữ. Bài thi tốt nghiệp THPT, may mắn em được 7 điểm tiếng Anh. Vào đại học, ngoại ngữ vẫn là môn mà em sợ nhất. Khi các bạn học và thi chứng chỉ thì em mải đi làm thêm kiếm tiền để vừa có thu nhập, vừa có trải nghiệm thực tế. Năm nay đã là năm cuối, lịch học khá dày đặc kiến thức chuyên ngành cùng thời gian thực tập bận rộn nên em càng ít thời gian ôn luyện ngoại ngữ hơn. Em rất lo vì có nguy cơ không ra trường được đúng hạn”, Khánh Linh nói.
Nếu Hoàng Anh, Khánh Linh bắt đầu học tiếng Anh muộn, không có thời gian ôn tập thì nhiều sinh viên dù bắt đầu học tiếng Anh ngay từ đầu khóa học vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn và không đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra ngoại ngữ theo quy định của nhà trường.
Đang rơi vào trường hợp đó, Nguyễn Trần Thảo Phương (sinh viên năm 4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) trải lòng: “Em bắt đầu học ngoại ngữ, định hướng thi chứng chỉ từ đầu năm thứ 3 nhưng qua 2 lần thi, kết quả của em vẫn chưa như mong đợi. Hiện, em vẫn tiếp tục ôn luyện với hy vọng, đợt thi tới có thể đạt được thành tích tốt hơn”.
Cần có lộ trình và phương pháp học phù hợp, hiệu quả
Nhìn lại quá trình học ngoại ngữ của mình, nhiều sinh viên đã nhận thức khá đầy đủ về nguyên nhân dẫn đến việc ì ạch với chứng chỉ ngoại ngữ. Có thể kể ra đây 3 nguyên nhân cơ bản gồm: phương pháp học chưa phù hợp; bắt đầu học ngoại ngữ quá muộn và chưa có đủ quyết tâm, lộ trình để thực hiện mục tiêu.
Là sinh viên đạt chứng chỉ IELTS 7.5 từ năm thứ 3, Phạm Khánh Ngọc (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết: “Em xác định mong muốn của mình trước khi bắt đầu học. Em thấy nhiều sinh viên chưa biết bản thân đang nằm ở mức nào hay nên tập trung vào kỹ năng gì ở giai đoạn nay dẫn đến mất nhiều thời gian và công sức hơn.
Với kinh nghiệm trong từng lần thi của mình, Khánh Ngọc cho hay: “Em kết hợp giữa chuẩn bị kiến thức kỹ lưỡng và luyện tập chiến lược thi hiệu quả. Cần nắm vững cấu trúc đề thi và làm quen với từng dạng câu hỏi phổ biến, luyện tập đều đặn các kỹ năng.
ThS Nguyễn Thị Hồng Nhung, giảng viên ngôn ngữ Anh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: một số sinh viên gặp khó khăn trong việc học phát âm hoặc kỹ năng nghe nên thi chứng chỉ ngoại ngữ không đạt yêu cầu đầu ra, dẫn đến việc phải thi lại nhiều lần, kéo dài thời gian tốt nghiệp.
Theo ThS Hồng Nhung, muốn có chuẩn đầu ta tiếng Anh tốt, sinh viên cần có lộ trình ôn luyện tiếng Anh cụ thể, chi tiết, phù hợp, biết đánh giá chính xác trình độ ngoại ngữ hiện tại của bản thân.
“Có rất nhiều khó khăn trong việc học ngoại ngữ, nhưng trước khi bắt đầu học, các em nên có mục tiêu cụ thể; có định hướng học tập phù hợp với bản thân thông qua hình thức học thêm hoặc tự học. Điều quan trọng hơn là thái độ học đúng đắn, xác định đúng tầm quan trọng của ngoại ngữ với công việc và cuộc sống sau này; đồng thời nên nghiêm túc học ngoại ngữ hàng ngày, học ngay từ cấp mầm non, phổ thông vì học và thi tiếng Anh cần cả quá trình dài rèn luyện, tích lũy…”, ThS Hồng Nhung cho biết.