Dòng họ Ngụy Khắc ở xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh là một trong những dòng họ khoa bảng nổi tiếng nhất Việt Nam. Trong lịch sử, dòng họ này đã có nhiều người đỗ đạt cao, trong đó có tiến sĩ Ngụy Khắc Đản, người Việt Nam đầu tiên đặt chân đến trời Tây.
Theo gia phả dòng họ, cụ Ngụy Khắc Hài chính là người đã mở ra truyền thống khoa bảng cho dòng họ Ngụy ở Hà Tĩnh. Sau khi đậu Tam trường năm Canh Tý đời Lê Cảnh Hưng (1780), lúc đầu, ông làm tri huyện Thiên Lộc (Can Lộc), sau về dạy học.
Ngụy Khắc Hài có 8 người con, trong đó có 3 con trai gồm Ngụy Khắc Thận, đậu cử nhân năm 1831, nhưng không ra làm quan, chỉ về mở trường dạy học.
Người con thứ hai Ngụy Khắc Tuần, đậu cử nhân năm 1821. Năm 28 tuổi, ông tiếp tục đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Bính Tuất niên hiệu Minh Mạng thứ sáu (1826). Sau khi đỗ đạt, ông Ngụy Khắc Tuần làm quan qua các chức Tuần phủ, Tổng đốc, thượng thư bộ Hộ. Đến năm Tân Sửu 1841, ông dâng sớ thành lập phủ Điện Biên (nay là tỉnh Điện Biên).
Ông để lại các đầu sách Như Tân Ký, Xuân Viên thi tập, Vũ công hành trạng ký lược và 20 bài thơ đang được lưu giữ tại thư viện Viện Hán Nôm, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Năm 1853, ông được vua Tự Đức cử đi sứ Trung Quốc. Ngụy Khắc Tuần có tiếng là người thanh liêm, mẫn cán, từng được vua yêu mến ban ngự chế. Về sau, ông tử trận khi đang giữ chức Hộ lý Tuần phủ quan phòng trấn Hưng Hóa (Quảng Trị), được truy tặng Hiệp biên đại học sĩ và được thờ trong đền Hiền Lương.
Sau này, Ngụy Khắc Đản (1817) con trai duy nhất của cụ Ngụy Khắc Thận đậu cử nhân khoa Tân Tân Sửu năm 1841. Năm 40 tuổi, ông đỗ Đình nguyên thám hoa khoa Bính Thìn năm 1856. Ông ra làm quan, thăng dần lên Án sát Quảng Nam.
Năm 1863, ông được vua Tự Đức cử đi Pháp làm bồi sứ trong phái đoàn ngoại giao Việt Nam cùng với chánh sứ Phan Thanh Giản và phó sứ Phạm Phú Thứ. Trong chuyến đi này, Ngụy Khắc Đản là 1 trong 3 vị tiến sĩ đầu tiên của nước ta đặt chân đến trời Tây, ông cũng là người đầu tiên được chụp ảnh chân dung của Việt Nam.
Trên đất Pháp, Ngụy Khắc Đản cùng với Phan Thanh Giản, Hồ Bảo Định và Nguyễn Trung Nguyên đã kể tội giặc. Sau chuyến đi trở về nước, ông được bổ nhiệm nhiều chức vụ khác nhau trong triều đình như Bó Chính Nghệ An, quyền Thượng thu bộ Binh, Công bộ Thượng thư sing Cơ mật viện, Tham biện.
Ngụy Khắc Đản qua đời năm 1873 thọ 56 tuổi. Vua Tự Đức thương tiếc, truy tặng hàm Thự hiệp biện đại học sĩ. Ông để lại nhiều công lao to lớn cho đất nước, và được coi là người con ưu tú của dòng họ Ngụy Khắc.
Kế tục dòng họ vang danh, con trưởng của Ngụy Khắc Đản là Ngụy Khắc Khoan cũng học giỏi, đậu cử nhân và được cử làm tri huyện. Đáng tiếc, ông mất lúc còn rất trẻ khi chỉ mới 23 tuổi để lại 1 con trai là Ngụy Khắc Giản. Ngụy Khắc Giản sau này đổi tên thành Ngụy Hiến Tích và cũng đậu cử nhân năm 1906. Ông làm Huấn đạo huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), sau được điều ra Thanh Hóa làm kinh lịch giúp tổng đốc Thanh Hóa. Sau khi mẹ ông mất vào năm 1931, ông xin nghỉ để về quê hương khói thờ phụng và được phong Hồng lô tự khanh, sau lại phong Quang lộc tự khanh tòng tam phẩm. Nhân dân địa phương gọi ông là cụ Hường.
Ông Ngụy Khắc Giản là người quan tâm và góp phần làm thay đổi bộ mặt ở địa phương Xuân Viên thành một xã Văn hóa và được vua phong bốn chữ vàng "Mỹ tục khả phong". Đây là danh hiệu cao quý ban cho những gia đình có nhiều đóng góp cho xã hội đương thời.