Dân Việt

5 người ngộ độc, 1 người tử vong ở Kon Tum vì ăn thịt này

Văn Tùng 29/10/2024 13:20 GMT+7
Ngày 29/10, Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết ghi nhận 1 trường hợp tử vong và 5 trường hợp điều trị do ngộ độc nọc cóc.

Theo đó, ngày 1/10, anh A Hiêng (SN 2007, trú thôn Tê Pan, xã Văn Lem, huyện Đăk Tô) uống rượu và ăn thịt ếch, thịt cóc, trứng cóc tại nhà. Bà Y Sa (mẹ của bệnh nhân) thấy có trứng cóc nên lấy đổ đi nhưng A Hiêng vẫn lấy lại để ăn.

Sau khi ăn xong, A Hiêng xuất hiện triệu chứng đau đầu, buồn nôn, đau bụng, trạng thái tinh thần không ổn định. Thấy vậy, gia đình nhanh chóng đưa A Hiêng đi khám tại Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô.

Kết quả bệnh nhân được chẩn đoán nghi ngộ độc thịt cóc với các triệu chứng đau đầu, đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, vật vã, la hét. Bệnh nhân được chuyển tuyến đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum và tử vong vào ngày 3/10.

Nguyên nhân tử vong ban đầu được chẩn đoán suy đa tạng, rối loạn nhịp tim, suy tim, ngộ độc nọc cóc.

Kon Tum: Ăn thịt cóc khiến 5 người ngộ độc, 1 người tử vong - Ảnh 1.

Các bệnh nhân được điều trị tích cực tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh Kon Tum.

Tiếp đó, vào ngày 22/10, Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum tiếp nhận và điều trị ngoại trú 5 ca bệnh (trú thôn 4, xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy) chẩn đoán nghi ngộ độc thịt cóc.

Theo lời của bệnh nhân, ngày 21/10, A Nghĩa (SN 2005) đi bắt cóc, bắt cá về đưa vợ là Y Ri (SN 2006) làm thịt cóc có trứng trong bụng để xào nấu với rau rừng ăn bữa tối. Bữa ăn hôm đó có thêm con trai là A Ngọc, A Phước và A Vinh (hàng xóm). Sau khoảng 15 phút, cả 5 người lần lượt đều có dấu hiệu ngộ độc với triệu chứng đau bụng, nôn, mệt, khó thở.

Gia đình đưa 5 bệnh nhân vào Trung tâm Y tế huyện Kon Rẫy cấp cứu và sau đó chuyển tuyến Bệnh viện đa khoa tỉnh. Qua điều tra, trước đây A Nghĩa và Y Ri đã từng làm thịt cóc chỉ lấy phần thịt để ăn. Nhưng vì không rõ ăn trứng cóc gây ngộ độc nên để lại trứng cóc để ăn.

Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết, trong số 5 bệnh nhân có 2 trường hợp ngộ độc gây biến chứng chậm nhịp bên cạnh các triệu chứng ngộ độc cấp tính như đau bụng dữ dội, buồn nôn, nôn; được chuyển chăm sóc tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc. Các bệnh nhân còn lại được điều trị, theo dõi tại Khoa Nội tổng hợp; hiện cả 5 bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe ổn định và đã được xuất viện.

Bác sĩ Phan Thị Mỹ Thịnh - Phó trưởng Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh khuyến cáo thịt cóc, đặc biệt là trứng cóc chứa độc tố rất mạnh. Vì vậy, người dân không nên sử dụng thịt cóc làm thực phẩm để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra; trường hợp không may ăn nhầm hoặc phát hiện có dấu hiệu ngộ độc cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết đang xây dựng kế hoạch truyền thông phòng, chống ngộ độc thực phẩm, đặc biệt tại các thôn, làng có nguy cơ cao. Đồng thời, đề nghị trung tâm các huyện tăng cường tần suất truyền thông phòng, chống ngộ độc thực phẩm do độc tố cóc trong mùa mưa và chủ yếu đối tượng là thanh thiếu niên.