Dân Việt

Chân dung 7 nữ tướng Quân đội nhân dân Việt Nam

Hà Anh (Tổng hợp) 29/10/2024 14:08 GMT+7
Quân đội nhân dân Việt Nam đến thời điểm hiện tại có 7 nữ quân nhân được phong hàm cấp tướng, trong đó có 1 Trung tướng và 6 Thiếu tướng.

Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Định

Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Định sinh năm 1920, mất năm 1992, quê xã Lương Hoà, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

Bà là nữ Thiếu tướng duy nhất trong thời chiến - Phó Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Định cũng là nữ Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đầu tiên của nước ta.

Chân dung 7 nữ tướng Quân đội nhân dân Việt Nam- Ảnh 1.

Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Định. Ảnh: Baodongnai

Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, năm 16 tuổi bà đã tham gia vào cuộc vận động đòi dân sinh, dân chủ tại quê nhà. Đến năm 1938, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của nữ tướng quân đội lên 60

Chiều 28/10, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang đã trình Quốc hội dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung quy định tuổi phục vụ của sĩ quan tại ngũ và sĩ quan dự bị tại Điều 13 và Điều 38.

Theo đó, với cấp úy, hạn tuổi cao nhất của sĩ quan tại ngũ (tuổi nghỉ hưu) tăng từ 46 tuổi lên 50 tuổi; thiếu tá từ 48 tuổi lên 52 tuổi; trung tá từ 51 tuổi lên 54 tuổi; thượng tá từ 54 lên 56 tuổi; đại tá từ 57 tuổi (đối với nam) và 55 tuổi (đối với nữ) lên 58 tuổi (không phân biệt nam, nữ).

Với cấp tướng vẫn giữ nguyên 60 tuổi đối với nam, đối với nữ tăng từ 55 tuổi lên 60 tuổi.

Năm 1965, bà được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (Ủy viên Bộ Chính trị, Chính ủy Bộ Chỉ huy miền Nam) trao quyết định của Bộ Chính trị, bà đảm nhiệm cương vị Phó Tổng Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam.

Tháng 4/1974, bà được phong quân hàm Thiếu tướng và trở thành nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tháng 6/1987, bà được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Thiếu tướng Nguyễn Thị Định từ trần ngày 26/8/1992. Tri ân những công lao, đóng góp lớn lao của Thiếu tướng Nguyễn Thị Định, ngày 30/8/1995, Thiếu tướng Nguyễn Thị Định được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Hồng Giang

Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Hồng Giang là nữ tướng thứ hai được phong hàm ở Việt Nam. Thiếu tướng Nguyễn Hồng Giang là một trong những nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Năm 1966, bà khi đó chỉ là một chiến sĩ của đơn vị thông tin đã thi đỗ Học viện Quân y, chuyên ngành mắt. Năm 1972 bà tốt nghiệp và về công tác ở Bệnh viện Quân đội 108 (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108).

Chân dung 7 nữ tướng Quân đội nhân dân Việt Nam- Ảnh 2.

Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Hồng Giang. Ảnh: Bệnh viện 108

Năm 2003, bà từ Chủ nhiệm khoa đã trở thành Chính ủy Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Đến năm 2007, bà được thăng quân hàm Thiếu tướng. Đến năm 2009, Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Hồng Giang nghỉ hưu theo chế độ.

Trung tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Lê Thu Hà

Trung tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Lê Thu Hà nguyên là Chính uỷ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Bà sinh năm 1957, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Mẹ bà là bác sĩ quân y ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (đã nghỉ hưu), cha là Trung tướng Lê Hai - nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, chồng bà cũng là một vị tướng - Thiếu tướng Vũ Huy Nùng - nguyên là Phó Giám đốc Học viện Quân y.

Học xong cấp 3, bà thi vào Học viện Quân y, chuyên ngành bác sĩ nội trú và là học viên xuất sắc được ở lại trường. Sau 10 năm công tác tại Học viện, bà được cử đi nghiên cứu sinh tại Bungari sau khi đạt điểm thủ khoa.

Chân dung 7 nữ tướng Quân đội nhân dân Việt Nam- Ảnh 3.

Trung tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Lê Thu Hà. Ảnh: Báo Quân đội nhân dân

Năm 1996, bà bảo vệ thành công luận án tiến sĩ y khoa, về nước công tác tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Năm 2004, bà cùng với các đồng nghiệp nghiên cứu đề tài về lọc màng bụng ở bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối. Công trình hoàn thành, có thể lọc máu cho bệnh nhân tại nhà và được ứng dụng đại trà để lọc máu cho bệnh nhân suy thận tại bệnh viện.

Năm 2007, bà được phong Phó Giáo sư; năm 2009, bà được phong quân hàm Thiếu tướng. Tháng 8/2014, bà được phong quân hàm Trung tướng, trở thành nữ Trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Cuối tháng 12/2017, Trung tướng Lê Thu Hà nghỉ hưu theo chế độ.

Thiếu tướng Hồ Thuỷ - nguyên Giám đốc Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng

Thiếu tướng Hồ Thủy sinh năm 1957. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội 1, tháng 9/1978 bà nhập ngũ, là giáo viên Trường Dự bị bay/Quân chủng Không quân. Tháng 3/1982, Bộ Quốc phòng thành lập lại Cục Chính sách, tháng 10/1982 bà về công tác tại Cục Chính sách.

Tháng 6/2008, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng được thành lập, bà được bổ nhiệm là Giám đốc. Cuối năm 2012, Thiếu tướng Hồ Thủy đã chủ trì, chủ động đề xuất, phối hợp với Cục Quân y báo cáo Thường vụ Quân ủy Trung ương thực hiện "Đề án Thí điểm khám, chữa bệnh cho quân nhân tại ngũ theo hình thức bảo hiểm y tế".

Chân dung 7 nữ tướng Quân đội nhân dân Việt Nam- Ảnh 4.

Thiếu tướng Hồ Thuỷ - nguyên Giám đốc Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng. Ảnh: Phụ nữ Quân đội

Quá trình thí điểm này là cơ sở thực tiễn vô cùng quan trọng để cơ quan Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng cùng Cục Quân y báo cáo Bộ Quốc phòng trình Chính phủ ban hành nghị định về Bảo hiểm y tế cho quân nhân tại ngũ.

Bằng nghị định này, quân nhân thay vì chỉ được khám, chữa bệnh trong hệ thống quân y, nay sẽ được khám chữa bệnh tại trên 1.745 bệnh viện trên toàn quốc (thời điểm năm 2015), quân nhân không phải đóng bảo hiểm y tế mà hoàn toàn do ngân sách đóng, mọi chi phí khám chữa bệnh theo chỉ định chuyên môn do Quỹ Bảo hiểm y tế quân nhân chi trả. Cuối năm 2018, Thiếu tướng Hồ Thuỷ nghỉ hưu theo chế độ.

Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà – nguyên Chính uỷ Viện Y học cổ truyền Quân đội

Thiếu tướng Nguyễn Thị Thanh Hà sinh năm 1957, quê ở xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Năm 1979, bố Thiếu tướng Nguyễn Thị Thanh Hà hy sinh tại chiến trường Campuchia, lúc đó bà đã đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội chuyên khoa Tâm lý giáo dục, được Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyển dụng, tuy nhiên sau đó bà quyết định trở thành chiến sĩ.

Nơi đầu tiên bà bước vào môi trường quân ngũ là Học viện Quân y, trở thành giảng viên Bộ môn Khoa học xã hội và Nhân văn của Học viện Quân y.

Chân dung 7 nữ tướng Quân đội nhân dân Việt Nam- Ảnh 5.

Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà (thứ 3 từ phải sang) – nguyên Chính uỷ Viện Y học cổ truyền Quân đội. Ảnh: Viện Y học cổ truyền Quân đội.

Thiếu tướng Nguyễn Thị Thanh Hà từng có thời gian đảm nhiệm cương vị Trưởng ban Phụ nữ Quân đội (từ tháng 6/2007 đến 6/2013). Bà là Chính ủy Viện Y học cổ truyền Quân đội từ năm 2013 đến năm 2017). Đến năm 2017, Thiếu tướng Nguyễn Thị Thanh Hà nghỉ hưu theo chế độ.

Thiếu tướng Bùi Thị Lan Phương – Uỷ viên chuyên trách Uỷ ban Kiểm tra Quân uỷ Trung ương

Thiếu tướng Bùi Thị Lan Phương sinh năm 1967, là Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương. Bà từng kinh qua các chức vụ Phó Chính ủy Binh chủng Thông tin Liên lạc (2018-2020); Trưởng ban ban Phụ nữ Quân đội (2013-2018).

Thiếu tướng Bùi Thị Lan Phương sinh ra trong gia đình có cha là bộ đội, từ nhỏ, bà lớn lên trong khu tập thể Quân đội và đã ước trở thành một nữ quân nhân. Sau này khi đã mang trên mình quân phục màu xanh áo lính, Thiếu tướng Bùi Thị Lan Phương đã có nhiều đóng góp quan trọng.

Chân dung 7 nữ tướng Quân đội nhân dân Việt Nam- Ảnh 6.

Thiếu tướng Bùi Thị Lan Phương – Uỷ viên chuyên trách Uỷ ban Kiểm tra Quân uỷ Trung ương. Trong ảnh là thời điểm bà Bùi Thị Lan Phương mang quân hàm đại tá. Ảnh: QĐND

Với những thành tích xuất sắc, Thiếu tướng Bùi Thị Lan Phương vinh dự được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Quân công hạng Ba; Huy chương Vàng tại Liên hoan Nghệ thuật quần chúng toàn quân; Huy chương Quân kỳ quyết thắng; Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; cùng Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng nhiều khen thưởng khác...

Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Hoàng Ngọc

Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Hoàng Ngọc sinh năm 1967, đang là Phó Giám đốc Nội khoa Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Năm 1989, bà tốt nghiệp bác sĩ tại Học viện Quân y. Trong hai năm 2000, 2001 bà đã qua khóa đào tạo về chuyên ngành Nội Thần kinh tại Cộng hòa Pháp và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ y học năm 2003 tại Học viện Quân y. Năm 2014, bà được phong Phó Giáo sư năm 2014.

Chân dung 7 nữ tướng Quân đội nhân dân Việt Nam- Ảnh 7.

Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Hoàng Ngọc. Ảnh: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Hoàng Ngọc đã từng kinh qua chức vụ Giám đốc Trung tâm Đột quỵ Não - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Tháng 11/2022, bà được thăng quân hàm Thiếu tướng. Hiện tại, bà đang là Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, kiêm Chủ nhiệm Bộ môn Nội Thần kinh - Viện Nghiên cứu Khoa học Y Dược lâm sàng 108, là Ủy viên thường trực Hội đồng Khoa học Bệnh viện, đồng thời là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Đột quỵ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Chống đau Hà Nội.