Dân Việt

Cựu giám đốc Sở ở Bắc Ninh nói không muốn bệnh viện tỉnh “chỉ có cái vỏ” như Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2

Gia Bình - Khương Lực 30/10/2024 06:35 GMT+7
Bị cáo Nguyễn Hạnh Chung khai khi làm Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh có vi phạm đấu thầu vì nóng vội, muốn 6 bệnh viện của Bắc Ninh đi vào hoạt động chứ không “xây xong chỉ có cái vỏ” như Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2.

Trong vụ án vi phạm đấu thầu tại 6 bệnh viện huyện ở Bắc Ninh liên quan Công ty AIC và Công ty Sông Hồng, bị cáo Nguyễn Hạnh Chung, cựu Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh, sau là Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh, bị cáo buộc "Nhận hối lộ" 600 triệu đồng.

Cụ thể, ông Chung nhận từ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Công ty AIC 3 lần, tổng số 100 triệu đồng và được Trần Văn Tuynh, cựu Giám đốc Ban quản lý dự án y tế tỉnh Bắc Ninh (Ban Quản lý) chuyển 500 triệu đồng từ nguồn của Công ty Sông Hồng.

Lý do, ông Chung tạo điều kiện cho 2 doanh nghiệp trên, mỗi bên trúng 3 gói thầu cung cấp thiết bị y tế tại 3 bệnh viện tuyến huyện trong tỉnh. Hành vi này gây thiệt hại hơn 48 tỷ đồng.

Cựu lãnh đạo Bắc Ninh nói không muốn bệnh viện  “chỉ có cái vỏ” như Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2- Ảnh 1.

Phiên tòa xét xử cựu Bí thư, cựu Chủ tịch Bắc Ninh và các đồng phạm dự kiến kéo dài 3 ngày.

Tại tòa, ông Chung thừa nhận việc cầm tiền của doanh nghiệp. Vị này khai, vào các dịp lễ, tết Công ty AIC có "cám ơn" nhưng khi đó, bị cáo đã là Phó chủ tịch HĐND, không còn là Giám đốc Sở Y tế.

"Bị cáo không nhớ những lần đưa tiền nhưng nhân viên AIC là Nguyễn Viết Toản khai thế, bị cáo chấp nhận lời khai của ông Toản", Nguyễn Hạnh Chung trình bày.

Cựu lãnh đạo Bắc Ninh nói không muốn bệnh viện  “chỉ có cái vỏ” như Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2- Ảnh 2.

Bị cáo Nguyễn Hạnh Chung tại thời điểm giữ chức Phó chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh.

Về việc nhận tiền của Công ty Sông Hồng thông qua cấp dưới Trần Văn Tuynh, bị cáo Chung khai xảy ra vào cuối tháng 3/2015. Ông Chung nhận quyết định chuyển công tác, từ Giám đốc Sở Y tế về Huyện ủy Yên Phong ngày 26/3 và trong 1 tuần phải bàn giao rồi đi chỉ đạo Đại hội Đảng cơ sở nên "rất bận". Do vậy, khi Trần Văn Tuynh lên tặng quà, ông không rõ là quà gì.

Bị cáo Tuynh cũng khai khi biết ông Chung sắp chuyển công tác, liền gọi điện cho Chủ tịch Công ty Sông Hồng, nói anh Nguyễn Hạnh Chung sắp chuyển công tác nhưng cần cảm ơn vì đã giúp đỡ trong việc đấu thầu. Vị Chủ tịch Công ty Sông Hồng trả lời: "Anh ứng giúp em 500 triệu đồng, cảm ơn cho em. Khi trúng thầu xong, anh em mình sẽ tính toán với nhau". Do vậy, bị cáo Tuynh lấy 500 triệu đồng đi tặng bị cáo Chung.

Trở lại với lời khai của Nguyễn Hạnh Chung, vị này khai tạo điều kiện cho Công ty Sông Hồng và AIC trúng thầu vì 2 doanh nghiệp này giúp xin vốn Trung ương cho 6 dự án mua sắm thiết bị tại 6 bệnh viện huyện của Bắc Ninh.

Trước đó, sau khi xây dựng cơ bản xong, Bắc Ninh "rất thiếu vốn" nên cả 6 bệnh viện chưa có thiết bị, chưa thể hoạt động. Ông Chung thừa nhận có sai phạm nhưng do muốn hoàn thành, đưa bệnh viện vào hoạt động chứ không như các bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2 hiện nay, xây xong "chỉ có cái vỏ".

Chủ tọa hỏi, bị cáo là Thầy thuốc Nhân dân, một danh hiệu cao quý, cả tỉnh chỉ vài người có nhưng lại để người khác dẫn dắt để đến bây giờ phải hầu tòa, vậy nghĩ thế nào?

Bị cáo Nguyễn Hạnh Chung đáp luôn tâm huyết, hết lòng trong công việc nhưng lại để xảy ra sai phạm nên rất ân hận. Việc làm của ông xuất phát từ ý tốt nhưng sai do thiếu kinh nghiệm quản lý, kiến thức chuyên môn chưa đầy đủ cộng thêm nóng vội, muốn hoàn thành các bệnh viện huyện.

Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 đều được khởi công xây dựng từ năm 2014 tại Phủ Lý (Hà Nam) nhưng đến nay mới gần hoàn thành phần xây dựng cơ bản. Khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 được đưa vào sử dụng từ tháng 3/2019 đến tháng 3/2020, sau đó thông báo tạm thời dừng hoạt động. Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 chưa từng tiếp nhận bệnh nhân. Hiện cả 2 bệnh viện này đều bị bỏ hoang.