Khu rừng giữ nước sinh hoạt cho dân
Rừng Tò Đú (Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) được người dân nơi đây ví như một bể nước không đáy. Theo người dân địa phương, dù trải qua nhiều tháng khô hạn, các hồ treo trơ đáy, cả cao nguyên thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, nhưng nguồn nước từ khu rừng này chưa bao giờ ngưng chảy.
Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán, người dân địa phương gọi là rừng Tò Đú là vì từ xa xưa có một bản người dân sinh sống ở đây có tên là bản Tò Đú. Đến năm 2015 được xác lập là rừng đặc dụng Chí Sán, trước là rừng phòng hộ Chí Sán. Ngoài ra ở Mèo Vạc không còn khu rừng nào khác. Rừng Tò Đú có diện tích 5.700 ha, là rừng nguyên sinh đa loài cây, nhiều gỗ thông thường, cũng nơi sinh trưởng và phát triển đặc trưng của gỗ nghiến, loại gỗ quý nhóm IIA thường thấy mọc trên những núi đá vôi khắc nghiệt.
Chính vì thế, chính quyền địa phương và người dân sinh sống gần rừng đã quyết tâm giữ rừng, nhiều hương ước, quy chế, cam kết được đề ra, áp dụng thực hiện. Đặc biệt là công tác tuyên truyền của ngành kiểm lâm được tổ chức thường xuyên, hiệu quả.
Ông Nguyễn Viết Xuân - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mèo Vạc cho biết rừng Tò Đú, tên gọi của người dân địa phương về Khu Bảo tồn thiên nhiên Chí Sán là khu rừng sinh thủy của huyện Mèo Vạc.
Người đứng đầu ngành kiểm lâm huyện Mèo Vạc cho biết, ở Cao nguyên đá Đồng Văn vào mùa khô đâu đâu cũng là cảnh thiếu nước sinh hoạt, người dân phải đi rất xa mới lấy được nước. Riêng ở thị trấn Mèo Vạc và các xã lân cận như Tát Ngà, Pả Vi, Tả Lủng… vẫn đủ nước sinh hoạt. Đấy là nhờ rừng Tò Đú.
Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mèo Vạc, trên đỉnh Tò Đú có đầm lầy mọc nhiều cây trúc, người dân lên tới nơi không dám bước vào đó. Nước từ khu vực này chảy ra các nguồn bể chứa, bể lọc được xây dựng để hứng nước, sau đó người dân dùng ống dẫn nước về thẳng nhà để dùng.
Không như ở các tỉnh khu vực đồng bằng phải dùng máy bơm để bơm nước, nước từ trên rừng Tò Đú chảy thẳng đến các hộ gia đình bằng đường ống nhựa. Theo người dân địa phương, mùa khô lượng nước ít đi nhưng không bao giờ khô cạn, vẫn có mạch nước ngầm khai thác được.
Khu rừng phát triển ở độ cao khoảng 1.600m. "Nếu mất rừng Tò Đú coi như là không có huyện Mèo Vạc, hệ thống sông suối không có, từ sông Nho Quế độ chênh rất lớn, không có dự án nước sinh hoạt nào bơm lên được, mà nếu làm được dân cũng không có tiền mà mua nước để dùng vì đầu tư rất lớn" – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mèo Vạc nói về tầm quan trọng của khu rừng.
Đứng ở trung tâm huyện lỵ Mèo Vạc, ngước nhìn rừng Tò Đú với thảm rừng mênh mông, mọc theo triền đá thoai thoải theo núi đá. Trên đỉnh mây trắng bao phủ, ít ai biết được khu rừng ấy, ngọn núi đó lại là "hồ chứa nước" tạo nguồn sống cho hàng vạn người dân vùng Cao nguyên đá.
Dựa vào dân để bảo vệ rừng
Không chỉ là "hồ chứa" nước của một phần huyện Mèo Vạc, rừng Tò Đú còn là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật.
Với diện tích rừng lớn, ở nơi hiểm trở, khó khăn về mọi mặt, vậy nhưng, hiện nay Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán chưa được thành lập Ban quản lý rừng, mọi hoạt động, bảo vệ, phát triển rừng đang dựa vào cán bộ kiểm lâm địa bàn và tổ chuyên trách bảo vệ rừng gồm 14 người chia thành 4 tổ, Lũng Chinh, Phố Mỳ, Sán Tớ, Tát Ngà, có nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ, ngăn chặn phát hiện các hành vi vi phạm (Tổ bảo vệ rừng Phố Mỳ - xã Tả Lủng; Tổ bảo vệ rừng Tò Đú - thị trấn Mèo Vạc; Tổ bảo vệ rừng Sán Tớ - thị trấn Mèo Vạc; Tổ bảo vệ rừng Nà Dầu của xã Tát Ngà).
Rừng Tò Đú những năm trước mỗi năm được hưởng khoảng 2 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, tuy nhiên những năm gần đây sản lượng điện của các Nhà máy thủy điện giảm, nên số tiền dịch vụ được hưởng cũng giảm theo, năm 2024 chỉ được khoảng 1,6 tỷ đồng.
Từ nguồn tiền đó, bà con sinh sống ở thị trấn Mèo Vạc, xã Tả Lủng, Tát Ngà, Nậm Ban, Lũng Chinh nhận giao khoán bảo vệ rừng để hưởng dịch vụ môi trường rừng, những nơi không có người dân sinh sống duy trì 14 hợp đồng đều là người dân tộc ở địa phương. Phòng NNPTNT quản lý, dùng ngân sách huyện và dịch vụ môi trường rừng chi trả.
Rừng Tò Đú được bảo vệ nghiêm ngặt. Bản thân dân nhận thức rõ bảo vệ nguồn nước, hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng, trước đây còn tiền khoán bảo vệ rừng và được hỗ trợ cả gạo hỗ trợ theo diện tích được giao giữ rừng.
Nhiều thôn bảo vệ rừng bằng hương ước, trong đó có nhiều "điều khoản khác lạ", ví dụ chặt một cây to bằng cái chén, cao bao nhiêu mét là phạt tiền, phạt gà, rượu đóng góp vào quỹ thôn.
Trước đây, thôn còn đề ra việc cắt cỏ cho gia súc mà cắt vào rừng chung cũng bị phạt theo hương ước. Hương ước của thôn đưa ra, được UBND xã thông qua. Giữa người dân đối với cơ quan Kiểm lâm ký cam kết bảo vệ, công tác phòng cháy chữa cháy rừng.
Anh Giàng Mí Sính, sinh năm 1992, ở thôn Tò Đú, thị trấn Mèo Vạc cho biết: "Rừng được bà con cùng bảo vệ, công việc họp thống nhất tất cả không được lên rừng chặt gỗ, lấy cỏ bình thường thì được, vi phạm sẽ phối hợp với tổ bảo vệ và kiểm lâm xử phạt theo hương ước và luật lâm nghiệp".
Tại thôn Tò Đú, tiền hưởng từ dịch vụ môi trường rừng người dân không chia cho các hộ gia đình mà đóng góp để xây dựng đường bê tông, đèn cao áp năng lượng mặt trời, thôn thiếu gì dùng tiền đó để mua sắm.
Với thâm niên hơn 30 năm sinh sống ở dưới chân rừng Tò Đú, Sính thấy từ khi có tiền bảo vệ rừng bà con bảo vệ rất tốt, Sính cũng là thành viên thường xuyên vào rừng. "Em đi suốt, cây to rất nhiều, có những cây hai ba người ôm. Chúng em chia thành 4 tổ trong thôn thay phiên nhau tuần tra, sau thời gian ai cũng tham gia bảo vệ, không ai vào rừng chặt phá nữa", Sính nói.
Ông Vàng Mí Tủa - Đội trưởng Đội bảo vệ rừng khu Tò Đú vừa trở về từ rừng sau một ngày tuần tra, nói với PV: "Anh em chúng tôi gắn bó với khu rừng này từ năm 2021 đến nay. Cũng vì lẽ đó mà chúng tôi luôn xem rừng là nhà, quyết tâm giữ rừng, gìn giữ màu xanh ở mảnh đất biên cương này".
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phòng cháy chữa cháy rừng cũng được đội bảo vệ rừng chú trọng những năm qua chưa để xảy ra bất kỳ vụ cháy rừng nào. Cùng với chính sách bảo vệ rừng được thực hiện nghiêm túc, các hộ dân đã xem rừng như một phần tài sản của mình, tự nguyện có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc khối tài sản vô giá này.
Huyện Mèo Vạc tổng diện tích có 57.000ha rừng tự nhiên, điện tích quy hoạch cho lâm nghiệp là trên 32.000ha, đất rừng trên 22.000ha, công tác phát triển rừng, trồng rừng mới rất khó khăn, nhiệm vụ của Hạt Kiểm lâm Mèo Vạc chủ yếu là công tác bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh để làm tăng độ che phủ.