Dân Việt

Thiếu tá 9x được bộ đội đưa tiền, tặng hoa rừng khi diễn kịch của Nghệ sĩ Nhân dân Lê Hùng

Thủy Vũ 30/10/2024 07:24 GMT+7
Diễn viên Nguyễn Thị Kim Dung, Thiếu tá hoạt động tại Nhà hát có nhiều Nghệ sĩ Nhân dân là gương mặt được biết đến qua các bộ phim giờ vàng như: "Gái già xì-tin", "Chạm tay vào nỗi nhớ", "Lời ru mùa đông", "Cao hơn bầu trời", "Phố trong làng", "Những nẻo đường gần xa"....

Thiếu tá hoạt động tại Nhà hát có các Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Trị, NSND Minh Hằng, NSND Thu Quế, NSND Ngọc Thư...

Sinh năm 1990, tuổi đời, tuổi nghề còn khá trẻ nhưng nhìn "bảng vàng" thành tích của Thiếu tá Nguyễn Thị Kim Dung, Phó đoàn trưởng Đoàn Diễn 1, Nhà hát Kịch nói Quân đội, nhiều người không khỏi trầm trồ, thán phục. 

Thiếu tá 9x được bộ đội đưa tiền, tặng hoa rừng khi diễn kịch của Nghệ sĩ Nhân dân Lê Hùng- Ảnh 1.

Nguyễn Thị Kim Dung mang hàm Thiếu tá. Ảnh: FBNV

Nguyễn Thị Kim Dung quê ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Trước đây, gia đình cô không có ai theo nghệ thuật. Tuy nhiên, không giống mọi người trong nhà, Kim Dung lại có niềm đam mê lĩnh vực này, rồi quyết tâm thực hiện ước mơ của mình. Năm 2008, Kim Dung thi vào khoa Diễn xuất, trường Cao đẳng Truyền hình Hà Nội. Kết thúc khóa học 2008 - 2011, cô gái trẻ tìm đến Nhà hát kịch nói Quân đội để thử sức và thỏa mãn niềm đam mê sân khấu. Tháng 3/2011, cô được tập sự tại Nhà hát.

Chặng đường hơn 10 năm cống hiến cho nghệ thuật, nghệ sĩ Kim Dung đã trải qua hàng trăm vai diễn khác nhau. Trong đó, cô cũng gặp không ít khó khăn khi làm việc ở một môi trường chuyên nghiệp. Mặc dù vậy, nữ nghệ sĩ không lùi bước mà luôn nỗ lực để khẳng định mình bằng niềm đam mê, tâm huyết với nghề.

Thiếu tá 9x được bộ đội đưa tiền, tặng hoa rừng khi diễn kịch của Nghệ sĩ Nhân dân Lê Hùng- Ảnh 2.

Kim Dung trong phim Những nẻo đường gần xa. Ảnh: VTV

Nghệ sĩ Kim Dung chia sẻ, do học Cao đẳng Truyền hình, chuyên ngành diễn xuất nên thời gian mới về Nhà hát Kịch nói Quân đội cô cảm thấy hết sức khó khăn khi hòa nhập với môi trường nơi đây. Là người cầu thị, khiêm tốn, ham học hỏi, cô ý thức rằng mình cần phải thường xuyên trau dồi kiến thức, tích cực học hỏi, đúc rút kinh nghiệm qua từng vai diễn, vở diễn. Với lĩnh vực nghệ thuật chuyên nghiệp, phải lao động thật sự nghiêm túc mới mong có được ít nhiều thành công.

Sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của Kim Dung được đền đáp xứng đáng khi cô trúng tuyển chuyên ngành sân khấu, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội năm 2014. Sau khi ra trường, Kim Dung càng thêm tự tin, chững chạc trên bước đường nghệ thuật của mình.

Thiếu tá 9x được bộ đội đưa tiền, tặng hoa rừng khi diễn kịch của Nghệ sĩ Nhân dân Lê Hùng- Ảnh 3.

Thiếu tá Kim Dung công tác tại Nhà hát Kịch nói Quân đội. Ảnh: FBNV

Từ khi đầu quân cho Nhà hát Kịch nói Quân đội, Kim Dung được tiếp xúc, làm việc với nhiều nghệ sĩ sân khấu nổi tiếng như: NSND Quốc Trị, NSND Minh Hằng, NSND Thu Quế, NSND Ngọc Thư, NSƯT Minh Tuấn, NSƯT Tiến Quang (Quang Tèo)... 

Theo Kim Dung, các nghệ sĩ tiền bối không chỉ là nguồn động lực để cô cố gắng mỗi ngày mà còn là những tên tuổi tạo nên thương hiệu, là niềm tự hào của Nhà hát Kịch nói Quân đội. Việc được tiếp xúc, học tập hằng ngày với họ giúp cô thêm trau chuốt, cẩn trọng hơn trong từng công việc, vai diễn.

Nghệ sĩ Kim Dung từng đoạt Huy chương Bạc Liên hoan sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012; Huy chương Vàng Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015; Huy chương Vàng Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2017; Huy chương Bạc Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V, năm 2022. 

Thiếu tá 9x được bộ đội đưa tiền, tặng hoa rừng khi diễn kịch của Nghệ sĩ Nhân dân Lê Hùng- Ảnh 4.

Kim Dung thuộc thế hệ 9x. Ảnh: FBNV

Nghệ sĩ Kim Dung thường được khán giả nhớ tới bởi tạo hình khắc khổ, có nội tâm sâu sắc như Lành của Phố trong làng và một số nhân vật trong các vở kịch của Nhà hát Kịch nói Quân đội. Những vai diễn đó khá giống con người thật của cô ngoài đời.

Là một nghệ sĩ khoác áo lính, Kim Dung luôn có ý thức giữ gìn hình ảnh cho bản thân cũng như nhà hát. Trước mỗi vai diễn, cô đều nghiên cứu kỹ xem nhân vật đó có phù hợp với một quân nhân hay không rồi mới nhận lời. Nếu các đoàn phim yêu cầu đóng các vai diễn có phần táo bạo, lệch chuẩn thì nữ thiếu tá đều tham khảo ý kiến của lãnh đạo đơn vị.

Thiếu tá 9x được bộ đội đưa tiền, tặng hoa rừng khi diễn kịch của Nghệ sĩ Nhân dân Lê Hùng- Ảnh 5.

Kim Dung đã làm nghề được hơn 10 năm. Ảnh: FBNV

Kỷ niệm đáng nhớ khi diễn kịch của Nghệ sĩ Nhân dân Lê Hùng

Là nữ diễn viên có ngoại hình sáng, ưa nhìn và dễ vào nhiều loại vai nhưng Kim Dung khẳng định không bao giờ chỉ chọn các vai diễn mà bản thân có lợi thế. Nữ Thiếu tá cho biết, bản thân không kén chọn mà luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành dù là vai lớn hay nhỏ.

Cô hướng tới hình ảnh một người mang lại nguồn năng lượng tích cực nên vai diễn dù khắc khổ hay cá tính cũng phải ẩn chứa những giá trị văn hóa, bài học sâu sắc. Nữ diễn viên tự nhận mình không ngại khó khăn, luôn tìm cách vượt qua thử thách để chinh phục các vai diễn kể cả "khác màu".

Dù đã đạt được một số thành công nhất định nhưng Kim Dung không ngừng trau dồi kiến thức để phát triển nghề nghiệp. Cô học thêm từ bạn bè, thầy cô, những người luôn thấu hiểu và chia sẻ đam mê nghệ thuật.

Thiếu tá 9x được bộ đội đưa tiền, tặng hoa rừng khi diễn kịch của Nghệ sĩ Nhân dân Lê Hùng- Ảnh 6.
Thiếu tá 9x được bộ đội đưa tiền, tặng hoa rừng khi diễn kịch của Nghệ sĩ Nhân dân Lê Hùng- Ảnh 7.
Thiếu tá 9x được bộ đội đưa tiền, tặng hoa rừng khi diễn kịch của Nghệ sĩ Nhân dân Lê Hùng- Ảnh 8.

Kim Dung luôn hướng đến tinh thàn tích cực trong mỗi vai diễn. Ảnh: FBNV

Trong quá trình làm nghề, Nguyễn Thị Kim Dung có rất nhiều kỷ niệm. Cô kể, kỷ niệm sâu sắc khiến bản thân nhớ mãi là chuyến công tác với vai diễn đầu tiên và những cảm xúc lần đầu của một cô sinh viên vừa tốt nghiệp.

Khi đêm diễn kết thúc, có rất nhiều anh lính trẻ trên tay cầm những bông hoa rừng tặng cho Thoa (vai diễn của cô trong Chuyện làng Đồi, tác giả Hà Đình Cẩn, đạo diễn - Nghệ sĩ Nhân dân Lê Hùng). Trên tay mỗi người là những tờ tiền một nghìn, hai nghìn và một cây bút. Mọi người đứng đợi để xin chữ ký, có anh không chuẩn bị kịp còn để Kim Dung ký vào vai áo.