Theo đó, để tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hội Nông dân tỉnh Lào Cai tổ chức tọa đàm “Giải pháp nâng cao công tác quản lý, chăm sóc quýt huyện Mường Khương tỉnh Lào Cai” năm 2024.
Tham dự buổi toạ đàm có gần 50 đại biểu, là cán bộ, hội viên nông dân các vùng trồng quýt của huyện Mường Khương cùng lãnh đạo, hội viên nông dân một số địa phương có diện tích cây ăn quả có múi lớn của tỉnh như huyện Si Ma Cai, Bắc Hà, Bát Xát và thị xã Sa Pa.
Tại buổi toạ đàm, ông Tô Việt Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương (Lào Cai) thông tin: Mường Khương là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai, diện tích đất tự nhiên hơn 55.434 ha. Địa hình bị chia cắt bởi các dãy núi cao tạo nên các tiểu vùng sinh thái khác nhau phù hợp để phát triển các loại cây trồng đặc sản cho giá trị kinh tế cao.
Khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, huyện Mường Khương đã xác định, lựa chọn các cây trồng chủ lực, tiềm năng phù hợp với từng vùng sinh thái để hỗ trợ nhân dân phát triển, nâng cao thu nhập. Đến nay, đã hình thành nên các vùng sản xuất hàng hoá tâp trung quy mô lớn trong đó, vùng quýt 815 ha, trong số này có 656 ha đã cho thu hoạch, sản lượng trên 6.500 tấn/năm.
Quýt Mường Khương là cây trồng đặc sản của huyện được trồng tập trung tại các xã, thị trấn Mường Khương, Tung Chung Phố, Tả Ngài Chồ, Pha Long, Nậm Chảy, Nấm Lư, Lùng Khấu Nhin; trong đó, giống chín sớm 50ha, giống chín chính vụ 500ha, giống chín muộn 245ha.
Thời vụ thu hoạch kéo dài 8 tháng (từ tháng 8 đến tháng hết tháng 2 năm sau), thời gian thu hoạch tập trung từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm.
Theo lãnh đạo UBND huyện Mường Khương, quýt Mường Khương là cây trồng cho giá trị kinh tế cao, với giá bán như hiện nay 1ha quýt cho giá trị từ 200 – 300 triệu đồng, cây quýt đã giúp cho nhiều hộ gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Đặc biệt, có nhiều hộ gia đình cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm từ cây quýt.
Hàng năm, UBND huyện Mường Khương đều phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, đài truyền hình Việt Nam giới thiệu, quảng bá sản phẩm quýt đến người tiêu dùng trên cả nước vào thời điểm chuẩn bị thu hoạch quýt. Qua đó, thương hiệu "quýt Mường Khương" được nhiều người biết đến và tin dùng.
Ngoài ra, huyện Mường Khương còn phối hợp với Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh Lào Cai tổ chức các sự kiện Tuần lễ quýt Mường Khương tại Hà Nội; phiên chợ nông sản vùng cao tại trung tâm huyện nhằm quảng bá, giới thiệu, hỗ trợ người dân tìm kiếm khách hàng, đối tác, hợp tác liên kết tiêu thụ nông sản nói chung, quýt Mường Khương nói riêng.
Nhờ làm tốt công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm nên việc tiêu thụ quýt Mường Khương của người dân thuận lợi thông qua các đầu mối, thương lái tại các tỉnh trên phạm vi toàn quốc và các nhà vườn bán trực tiếp cho khách hàng thông qua Zalo, Facebook.
Chia sẻ thêm những khó khăn, ông Tô Việt Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho rằng quýt là cây trồng khó tính, đòi hỏi kỹ thuật và thâm canh cao nhưng phần lớn người dân trồng quýt hiện nay sản xuất quýt dựa vào kinh nghiệm, chưa nắm được kỹ thuật nên năng suất, chất lượng còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Do vậy, huyện Mường Khương đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai và các sở ban, ngành của tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn quan tâm công tác đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân trồng quýt trên địa bàn huyện. Các đơn vị kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật triển khai thực hiện các mô hình trình diễn để tập huấn, chuyển giao kỹ thuật bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại quýt cho nhân dân.
Quan tâm đến công tác quản lý sử dụng nhãn hiệu quýt Mường Khương để bảo vệ và nâng cao thương hiệu quýt Mường Khương; hỗ trợ huyện Mường Khương quảng bá, giới thiệu sản phẩm quýt Mường Khương đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số nội dung như đánh giá hiệu quả kinh tế của cây quýt; những khó khăn, vướng mắc của bà con trong quá trình chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Nhu cầu các hộ dân trong việc tiếp cận và sử dụng phân bón, vật tư chăm sóc vườn quýt để khắc phục tình trạng sâu bệnh, nâng cao năng suất.
Các chính sách đã được tiếp cận, thụ hưởng trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; việc quản lý, sử dụng thương hiệu sản phẩm, bao bì đóng gói và tiêu thụ sản phẩm quýt Mường Khương; giải pháp phát triển vùng quýt bền vững...
Cũng tại toạ đàm, các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây ăn quả có múi (Viện Khoa học Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc) đã trực tiếp trả lời các vấn đề liên quan đến kĩ thuật trồng, chăm sóc, sử dụng phân bón, biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại sao cho cây quýt hiệu quả, bền vững. Sự vào cuộc của Hội Nông dân các cấp và các đơn vị chuyên ngành trong công tác quản lý, liên kết tiêu thụ sản phẩm quýt Mường Khương trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận buổi toạ đàm, bà Trần Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lào Cai nhấn mạnh, để phát triển vùng quýt Mường Khương hiệu quả, bền vững cần chú trọng triển khai các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn để hộ dân cập nhật thông tin kịp thời, nâng cao kiến thức về kỹ thuật sản xuất, quảng bá tiêu thụ, liên kết sản xuất. Tăng cường hoạt động phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương để huy động nguồn lực, nhân lực thực hiện.
Tăng cường đầu tư khoa học công nghệ, cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quýt phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu để áp dụng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đây là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng vùng quýt. Rất cần có đề tài nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quýt Mường Khương độ ngọt, mẫu mã quả.
Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nhãn hiệu sản phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng niềm tin của người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả sản xuất đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ khoa học và Công nghệ công nhận nhãn hiệu Quýt Mường Khương, được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP và Giấy chứng nhận sản phẩm đạt hạng 3 sao năm 2017.
Phối hợp giữa cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương với các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hộ trồng quýt để thực hiện các mô hình sản xuất áp dụng đầy đủ quy trình chăm sóc nhất là về đốn tỉa, bón phân, phòng trừ dịch bệnh từ đó tuyên truyền, học tập nhân rộng thiết thực, hiệu quả.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý sản xuất, quảng bá tiêu thụ sản phẩm; phát huy thế mạnh của các trang mạng xã hội, các nền tảng số.
Các hộ trồng quýt cần xác định rõ cây trồng chủ lực của gia đình trong phát triển kinh tế, phải có sự quan tâm trong tìm hiểu, học tập về kỹ thuật; có sự đầu tư chăm sóc để cây sinh sinh trưởng, phát triển bền vững (nếu đầu tư phân bón không đầy đủ cây nhanh già cỗi, chất lượng quả kém; không đốn tỉa tốt, phòng trừ sâu bệnh mẫu mã quả kém, chất lượng quả giảm.
Việc liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm là yếu tố quan trọng để tạo sự đồng đều về chất lượng sản phẩm, sự ổn định trong tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm. Liên kết giữa hộ nông dân thông qua chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp; liên kết giữa nông dân với HTX, doanh nghiệp, cá nhân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lào Cai đề nghị qua các ý kiến phát biểu của hộ trồng quýt, ý kiến giải đáp, trao đổi của các cơ quan, địa phương, đề nghị Thường trực Huyện ủy, UBND huyện Mường Khương quan tâm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để các giải pháp, biện pháp được triển khai quyết liệt, hiệu quả.
Hội Nông dân các cấp của huyện Mường Khương cần tích cực tăng cường công tác tuyên truyền, vận động; phối hợp trong tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật; thành lập các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp trong các xã trồng quýt; kết nối trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, các hộ trồng quýt có sự quan tâm, chủ động đầu tư chăm sóc vườn quýt đảm bảo kỹ thuật đã được trao đổi hôm nay. Với sự năng động trong tiếp cận, học tập, đầu tư sản xuất qua kênh "giao lưu nhân dân biên giới" của nông dân.
Thông qua buổi toạ đàm nhằm tạo điều kiện cho người dân trồng quýt được trực tiếp trao đổi, thảo luận cùng với các cơ quan Nhà nước, các nhà khoa học đầu ngành, chính quyền địa phương về cơ chế chính sách, giống, kỹ thuật sản xuất có kiểm soát, bảo vệ môi trường, việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm hiện nay; giúp nông dân thay đổi từ tập quán trồng quýt truyền thống chuyển sang sản xuất hàng hóa tập trung, theo quy trình VietGAP, hữu cơ...
Từ đó, nâng cao sự hiểu biết, kinh nghiệm trong việc kết nối, liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh; đồng thời tìm ra các giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường đối với sản phẩm.
Trước đó, các đại biểu tham gia toạ đàm đã đi thăm một số hộ có diện tích trồng quýt lớn ở xã Nậm Chảy và thị trấn Mường Khương.