Dân Việt

Điểm nghẽn nào khiến TP.HCM chưa thu hút được đầu tư vào logistics?

Nguyễn Thụy 31/10/2024 10:34 GMT+7
TP.HCM tuy là đầu tàu tăng trưởng kinh tế phía Nam nhưng chưa có trung tâm logistics quy mô lớn nào được khởi công dù quy hoạch đã có 8 trung tâm như vậy. Do thủ tục đầu tư mất nhiều thời gian, giới đầu tư đã chọn các đô thị vệ tinh.

Với vai trò là một trung tâm kinh tế năng động, TP.HCM xác định logistics là một trong những ngành mũi nhọn có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, còn tồn tại điểm nghẽn về giao thông trong khi thủ tục đầu tư chưa thật sự thu hút vốn đổ vào lĩnh vực rất tiềm năng này, theo thông tin chia sẻ từ Hội nghị Logistics Việt Nam lần thứ 2- năm 2024 diễn ra tại TP.HCM hôm nay 31/10.

Đi tìm nguyên nhân TP.HCM chưa thu hút được đầu tư vào logistics - Ảnh 1.

Gian hàng của Cảng quốc tế Long An (thuộc Đồng Tâm Group) phục vụ kết nối kinh doanh tại Hội nghị Logistics Việt Nam 2024 ngày 31/10 ở TP.HCM. Ảnh: T. Tao

 TP.HCM chưa triển khai dự án logistics quy mô lớn 

Tại hội nghị với chủ đề "Chuyển đổi để bứt phá" do báo Đầu tư tổ chức dưới sự chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), các đại biểu đã chia sẻ nhiều thông tin và cùng thảo luận để giúp ngành logistics đất nước có thể cạnh tranh tốt hơn trong giai đoạn mới hiện nay, giai đoạn mà trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đóng vai trò rất quan trọng trong ngành.

Phát biểu tại sự kiện, ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh cơ sở hạ tầng và kết nối giao thông vùng sẽ giúp lĩnh vực logistics phát triển tương ứng với tiềm năng.

Lazada Group trong hệ sinh thái của người khổng lồ Alibaba từ Trung Quốc đã đầu tư xây dựng 1 trung tâm logistics hiện đại tại Khu công nghiệp Sóng Thần 1 - tỉnh Bình Dương.

Lazada Logistics Park khai trương hoạt động tháng 3/2023 với tổng diện tích gần 2 ha. Trung tâm có khả năng xử lý tới 1 triệu bưu kiện mỗi ngày và mức độ tự động hóa lên đến 99% nhờ hệ thống công nghệ hiện đại gồm trí tuệ nhân tạo AI và Machine Learning (học máy). Trung tâm đã hỗ trợ Lazada đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng tăng cao tại Việt Nam.

Bình Dương đã xác định logistics là một trong những ngành phải phát triển nhanh hiện nay. Đồng Nai cũng vậy, và cả 2 tỉnh giáp TP.HCM đang đẩy nhanh các dự án kết nối giao thông liên vùng.

Nhưng nếu đơn giản dựa vào những tiềm năng và lợi thế sẵn có thì không thể thành công, mà phải hành động. Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập báo Đầu tư, cho biết dù điểm số có cải thiện trên bảng xếp hạng, nhưng vị trí thứ 43 trên toàn cầu về Chỉ số hiệu suất logistics (Logistics Performance Index) hàm ý nhắc nhở rằng, ngành logistics Việt Nam chỉ tiến lên thôi là chưa đủ, mà còn cần phải bứt phá để vượt lên trong một thế giới cũng đang chuyển mình nhanh chóng.

"Để bứt phá, dứt khoát cần có những chuyển đổi mạnh mẽ", ông Minh nhấn mạnh.

TP.HCM đã quy hoạch đến 8 trung tâm logistics quy mô lớn (tổng diện tích hơn 750 ha) nhưng đến thời điểm này chưa có trung tâm được khởi công xây dựng. Từ nay đến năm 2025, TP.HCM ưu tiên mời gọi vốn đầu tư cho 3 dự án trung tâm logistics, tất cả đều ở TP.Thủ Đức. Đó là Trung tâm Logistics Khu công nghệ cao, trung tâm Linh Trung và trung tâm Long Bình.

Tại kỳ họp HĐND TP.HCM cuối năm 2022, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết sẽ khởi công xây dựng Trung tâm Logistics Khu công nghệ cao trong năm 2023. Thế nhưng hiện giờ vẫn đang trong giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư.

Công nghệ tiên tiến phục vụ ngành logistics

Tại hội nghị hôm nay, ông Yap Kwong Weng, CEO của T&Y SuperPort Vĩnh Phúc (viết tắt T&Y, là liên doanh giữa tập đoàn YCH từ Singapore và Tập đoàn T&T ở Hà Nội) cho biết thêm về các công nghệ tiên tiến tại dự án "ICD Vĩnh Phúc - Việt Nam SuperPort" với vốn đầu tư hơn 200 triệu USD ở Vĩnh Phúc gần với Hà Nội.

Đi tìm nguyên nhân TP.HCM chưa thu hút được đầu tư vào logistics - Ảnh 3.

Ông Yap Kwong Weng (bên phải) thảo luận ý kiến với đại biểu tại Hội nghị Logistics Việt Nam 2024. Ảnh: Tường Thụy

Dự án "siêu cảng" này sẽ tích hợp các giải pháp trí tuệ nhân tạo đã được triển khai thành công tại dự án "Thành phố Chuỗi cung ứng" (Supply Chain City - SCC) ở Singapore mà YCH đã phát triển thành công.

Điển hình là hệ thống lưu trữ và lấy hàng tự động (ASRS), xe dẫn đường tự động điều hướng (AGV), hệ thống quản lý tồn kho bằng drone (thiết bị bay điều khiển bằng sóng radio), robot di động tự động.

Theo tính toán của liên doanh T&Y, việc áp dụng công nghệ ASRS có thể tối ưu hóa không gian lưu trữ hàng hóa lên đến 7 lần và giảm thiểu 95% thời gian vận chuyển hàng hóa trong kho.

Ngoài ra, dùng drone và hệ thống camera cố định để kiểm soát hàng hóa sẽ giúp rút ngắn thời gian rất nhiều vì sẽ chỉ mất 12 phút để hoàn thành việc kiểm đếm; trong khi trước đó sẽ cần đến 2 người và phải mất tới 1 ngày để kiểm đếm hàng hóa của 1 phần kho có diện tích lớn.

Công ty thực hiện dự án được mang tên T&Y SuperPort Vĩnh Phúc, viết tắt T&Y, là liên doanh giữa YCH và T&T. Theo ông Yap Kwong Weng, CEO của liên doanh, dự án sẽ tích hợp các giải pháp trí tuệ nhân tạo (AI) đã được triển khai thành công tại dự án "Thành phố Chuỗi cung ứng" (Supply Chain City - SCC) ở Singapore mà YCH đã phát triển thành công.

Dự án Việt Nam SuperPort được kỳ vọng sẽ là góp phần giúp ngành logistics Việt Nam cải thiện khả năng cạnh tranh. Việt Nam SuperPort chính là "siêu cảng" (dịch từ chữ super port) đầu tiên trong mạng lưới logistics thông minh ASEAN (ASLN) – là sáng kiến kinh tế của khối ASEAN nhằm kết nối logistics khu vực Đông Nam Á với mục tiêu hỗ trợ kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN năm 2025.

Theo đề án đã được phê duyệt, TP.HCM sẽ xây dựng 8 trung tâm logistics với tổng diện tích hơn 750 ha bao gồm Cát Lái – Phú Hữu - Thành phố Thủ Đức (diện tích 292 ha), Long Bình - Thành phố Thủ Đức (diện tích 54 ha), Linh Trung - Thành phố Thủ Đức (diện tích 74 ha), Củ Chi - huyện Củ Chi (diện tích 15 ha), Tân Kiên - huyện Bình Chánh (diện tích 60 ha), Hiệp Phước - huyện Nhà Bè (diện tích 100 ha), xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn (diện tích 150 ha).