Sáng nay (31/10), Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Trung tâm Truyền thông Tài nguyên - Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội nghị "Truyền thông phổ biến chính sách giảm thiểu nhựa cho ngành hàng thực phẩm tươi sống, đông lạnh".
Hội nghị được tổ chức nhằm tăng cường nhận thức của người dân và doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc giảm thiểu rác thải nhựa, đặc biệt trong ngành hàng thực phẩm tươi sống, đông lạnh; đồng thời phổ biến các chính sách, giải pháp giảm thiểu nhựa nhằm hướng tới một môi trường sống bền vững.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Ngọc Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: "Truyền thông đóng vai trò không nhỏ trong việc lan tỏa thông tin và nâng cao nhận thức của cộng đồng. Với Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc cùng các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tích cực tham gia vào công tác tuyên truyền, thông tin về các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá".
Tại hội nghị này, các đại biểu đã được lắng nghe những ý kiến chuyên sâu từ các chuyên gia, nhà quản lý và những người trực tiếp tham gia vào công tác bảo vệ môi trường.
Ông Cao Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên - Môi trường cho biết, trên thế giới hiện có 29 triệu tấn rác thải nhựa thải ra biển mỗi năm, tương đương với 50 kg rác mỗi mét dọc bờ biển trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, mức tiêu thụ nhựa là 41 kg/người/năm, đứng thứ 3 ở ASEAN; tỷ lệ nhựa chiếm đến 13% tổng lượng rác thải sinh hoạt. Nếu năm 2010, có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa không được quản lý, thì đến năm 2025, con số này có thể tăng lên thành là 4,2 triệu tấn.
"Rác thải nhựa ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. Các hạt vi nhựa hấp thụ lượng lớn chất độc nông nghiệp và công nghiệp. Nhựa chứa Bisphenol A, Phụ gia chống cháy, chất hóa dẻo. Đây là các chất độc có thể xâm nhập vào cơ thể con người theo các hạt vi nhựa, nguy cơ gây ung thư, hen suyễn, vô sinh, rối loạn tâm thần…", ông Tuấn nhấn mạnh.
Cùng chung mối lo về vi nhựa, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đang công tác tại báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt chia sẻ: "Người Việt Nam mình đang gặp một thảm họa không kém gì những câu chuyện tàn sát động vật hoang dã, hay hủy hoại môi trường thiên nhiên, ô nhiễm khí thải, tiếng ồn, phá rừng. Thảm họa này chính là rác thải nhựa.".
Để đấu tranh với vấn nạn về rác thải nhựa, nhiều địa phương đã kiên quyết không thanh toán kinh phí sử dụng sản phẩm nhựa. Ví dụ như tại TP.Hồ Chí Minh, từ 1/8/2019, cơ quan công quyền phải cắt giảm sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo… Từ năm 2020, Sở Tài chính không cấp kinh phí cho các cơ quan Nhà nước mua các sản phẩm nhựa dùng 1 lần.
Theo Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Việt Nam đã đặt mục tiêu giảm 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương vào năm 2025 và 75% vào năm 2030.
Nghị định số 08/2022/NĐ-CP cũng đã quy định lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa. Theo đó, từ ngày 1/1/2026, Việt Nam sẽ không sản xuất và nhập khẩu túi nilon khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50cm x 50cm. Sau ngày 31/12/2030, Chính phủ yêu cầu dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.