Thời nhà Trần, dưới trướng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn có một vị danh tướng vô cùng nổi tiếng. Đó chính là Yết Kiêu (1242 – 1301). Ông tên thật là Phạm Hữu Thế, một người từ nhỏ đã quen sông nước, có tài bơi lội như cá, có thể đi bộ dưới nước.
Yết Kiêu cường tráng, tài trí, lại rất đẹp trai. Sau khi lập nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, ông được phong tước vị cao. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn vô cùng trọng dụng Yết Kiêu, xem ông và Dã Tượng như cánh tay phải của mình.
Nổi trội như vậy nên Yết Kiêu được rất nhiều cô gái trâm anh thế phiệt chú ý. Trong đó có đến 3 người là công chúa, quận chúa. Ấy thế nhưng trái tim của vị danh tướng này chỉ dành cho một người con gái duy nhất là cô lái đò ông yêu năm xưa.
Chuyện kể rằng khi đất nước bị giặc xâm lược, một vị tướng già ở ẩn đã ra mặt giúp đỡ Yết Kiêu trong các trận thủy chiến. Vị tướng này có cô con gái tên Vân, vừa xinh đẹp vừa nết na. Cả hai đã yểm trợ cho Yết Kiêu rất nhiều. Qua thời gian tiếp xúc, Yết Kiêu và Vân đem lòng yêu thương nhau.
Đáng tiếc, trong một trận đánh lớn, Vân liều mình đỡ hộ Yết Kiêu 1 mũi tên và không qua khỏi. Kể từ đó danh tướng nhà Trần không mở lòng với bất cứ cô gái nào nữa, một mực nhớ thương cô lái đò năm xưa.
Sau này, quận chúa Đinh Lan vì cảm mến tài năng của Yết Kiêu mà xin được kết hôn với ông. Nhưng Đệ nhất Đô soái Thủy quân Đại Việt lại nhất quyết từ chối. Ông còn tuyên bố thà chết chứ không chịu đổi họ hay làm đám cưới. Thời đó nhà Trần quy định chỉ có những người cùng họ mới được kết hôn.
Đinh Lan bẽ mặt nên tâu xin chém đầu Yết Kiêu. Vua quan nhà Trần dĩ nhiên không đồng ý vì rất coi trọng danh tướng này.
An Tư công chúa cũng rất yêu Yết Kiêu, muốn nên duyên với ông. Nhưng vị công chúa này chỉ dám để tình yêu đó trong lòng. Cuối cùng cô bị gả sang nước Miên, là quân cờ trong một cuộc hôn nhân chính trị. Trước khi lên đường, An Tư chỉ xin được gặp Yết Kiêu một lần.
Sau khi An Tư đến làm dâu xứ người, cô thường xuyên truyền tin về cho Đại Việt và Yết Kiêu chính là người nhận tin tình báo đó. Một lần ông bị bắt nhưng nhờ công chúa An Tư nhanh trí giải vây mà chạy thoát được.
Thêm một người đẹp si mê Yết Kiêu nữa là công chúa Ngọc Hoa, con gái của vua Nguyên. Lần Yết Kiêu theo đoàn sang nước bạn đi sứ đã gặp Ngọc Hoa. Ấn tượng với vị tướng Đại Việt, Ngọc Hoa liền rung rinh. Vua Nguyên biết chuyện ngỏ ý tác thành cho cặp đôi, vừa toại nguyện con gái, vừa có được một viên tướng tài làm con rể.
Yết Kiêu không muốn nhưng lấy cớ về nước hỏi ý kiến vua Trần. Triều đình ta cũng muốn giữ danh tướng này nên không đồng ý cuộc hôn nhân. Không thấy Yết Kiêu quay lại, Ngọc Hoa đích thân sang Đại Việt tìm. Trên đường đi cô nhận tin từ nhà Trần báo rằng Yết Kiêu đã mất. Thật ra đây chỉ là lời nói dối để nàng công chúa dẹp bỏ hi vọng kết hôn. Thế nhưng Ngọc Hoa vì quá đau buồn mà làm lễ cúng cho Yết Kiêu rồi gieo mình xuống sông. Trước khi đi, nàng thốt lên: “Trên đời không nên chàng và thiếp, thiếp xin nguyện xuống để gần chàng mãi mãi”.