Dân Việt

Nghệ sĩ Nhân dân có học hàm Giáo sư, từng được bầu làm Đại biểu Quốc hội

Yến Thanh 31/10/2024 16:34 GMT+7
Nghệ sĩ Nhân dân, nhạc sĩ Trọng Bằng có hàng loạt đóng góp quan trọng đối với nền âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX.

Nghệ sĩ Nhân dân Trọng bằng từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc Nhạc viện Hà Nội

Nghệ sĩ Nhân dân, nhạc sĩ Trọng Bằng sinh năm 1931 tại Cao Bằng, quê tại Gia Lâm, Hà Nội. Ông bắt đầu hoạt động âm nhạc từ khi còn là học sinh các trường trung học thời kháng chiến ở Liên khu IV cũ. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Văn khoa - khóa I, ông được cử đi làm công tác văn nghệ ở mặt trận Trung Lào, sau đó làm Đội trưởng Đội Ca nhạc Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam). 

Năm 1956, NSND Trọng Bằng được cử đi du học tại Liên Xô cũ, chuyên ngành chỉ huy dàn nhạc. Năm 1963, ông trở thành người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp Nhạc viện Tchaikovsky với tấm bằng loại xuất sắc.

Nghệ sĩ Nhân dân là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp nhạc viện nổi tiếng quốc tế, từng được bầu làm ĐBQH - Ảnh 1.

NSND Trọng Bằng (ở giữa) cùng nhạc trưởng Quang Hải, Trần Quý thời sinh viên tại Liên Xô cũ. (Ảnh: Hội Nhạc sĩ Việt Nam)

Khi trở về, nhạc sĩ Trọng Bằng trở thành giảng viên của Học viện Âm nhạc Việt Nam. Trong các năm 1972-1978, ông chính thức trở thành nhạc trưởng của Nhà hát Giao hưởng - Hợp xướng - Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Cũng tại đây, ông trở thành Phó Giám đốc kiêm chỉ đạo nghệ thuật vào năm 1975.

Trong các năm 1978 -1984, nhạc sĩ Trọng Bằng là Phó Giám đốc Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia), đồng thời là Giám đốc của một dàn nhạc giao hưởng do chính ông thành lập với sự ủy nhiệm của Bộ Văn hóa. Từ năm 1984 đến năm 1996, ông đảm nhiệm vị trí giám đốc của Nhạc viện Hà Nội. Năm 1995, nhạc sĩ trở thành Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ V và VI. Ông cũng là đại biểu Quốc hội khóa 10.

Nghệ sĩ Nhân dân là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp nhạc viện nổi tiếng quốc tế, từng được bầu làm ĐBQH - Ảnh 2.

Cố Nghệ sĩ Nhân dân Trọng Bằng qua đời ở tuổi 91. (Ảnh: TL)

Năm 2017, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật cho các tác phẩm: Giao hưởng thơ Người về đem tới niềm vui, Hợp xướng và giao hưởng Trường ca Tây Bắc - Điện Biên Phủ, khởi nhạc phong tác Chào thiên niên kỷ mới, nhạc phim Cù Chính Lan - người chiến sĩ trẻ và các ca khúc: Bão nổi lên rồi, Nhịp máy khoan, Chúng ta là chiến sĩ công an, Vang mãi bản tình ca.

Nhạc sĩ Trọng Bằng còn để lại nhiều sáng tác nổi tiếng, ghi dấu những năm tháng hào hùng của đất nước như: Tình quê hương, Nhịp máy khoan, Những dũng sĩ Núi Thành, Bão nổi lên rồi, Quê hương vang lên tiếng hát tự hào, Vang mãi bản tình ca...

Vừa sáng tác thanh nhạc, khí nhạc, vừa là một nhà sư phạm giàu kinh nghiệm, người chỉ huy dàn nhạc xuất sắc, nhạc sĩ Trọng Bằng được coi là một trong những người đi đầu, đóng góp vào việc nâng cao và phát triển nền âm nhạc chuyên nghiệp tại Việt Nam.

Theo nhạc sĩ Thuỵ Kha, NSND Trọng Bằng là nhạc trưởng chỉ huy giao hưởng đáng nể trọng với trí nhớ tuyệt vời, ông thuộc khoảng 600 bản giao hưởng thế giới: "Suốt từ 1972-1984, Trọng Bằng đã đỡ trên đôi vai sứ mệnh duy trì Dàn nhạc Giao hưởng với tư cách là người chỉ huy cao nhất. Trong thập kỷ hồi sinh này của âm nhạc giao hưởng, Trọng Bằng dù đã cao tuổi, vẫn là một cây đũa chỉ huy nhạy cảm và "rất có hồn". Không bao giờ quên một thu vàng se lạnh của Hà Nội, Trọng Bằng đầy thăng hoa, khi chỉ huy giao hưởng...".

NSND Trọng Bằng có một con trai, một con gái. Con trai ông là nghệ sĩ violin Trọng Bình, cũng từng du học tại Nga. 

Tháng 11/2022, NSND, nhạc sĩ Trọng Bằng qua đời tại Hà Nội, hưởng thọ 91 tuổi.