Thời cổ đại, nhiều người muốn trở thành Hoàng đế không chỉ bởi vì Hoàng đế có ba ngàn cung tần mỹ nữ chốn hậu cung, mà còn nắm trong tay mọi binh quyền điều hành thiên hạ. Nhưng làm Hoàng đế quả thực không dễ dàng nếu không có sự phò tá tận tụy của tướng công có thể chia sẻ lo lắng cho người, nếu không một mình gánh vác mọi việc đại sự của giang sơn chắc hẳn rất mệt mỏi.
Trương Thương rất quan tâm đến thiên hạ, đồng thời cũng đề cao nhiều chính sách có lợi cho dân chúng, ông chính là một vị tể tướng phò trợ đắc lực cho Hoàng đế thời đó.
Trương Thương (256TCN-152TCN) người Dương Vũ những năm cuối thời Xuân Thu và Chiến Quốc (nay là huyện Nguyên Dương, Hà Nam). Ông là Tể tướng thời Hán Văn Đế và là một trong những danh hiền tướng Tây Hán.
Theo các ghi chép trong lịch sử, Trương Thương cao hơn mét tám, tướng mạo đẹp đẽ có tài năng bẩm sinh, thông minh và ham học hỏi, am tường mọi thứ. Khi còn trẻ, Trương Thương học theo Tấn Tử, một bậc thầy Nho học thời Chiến Quốc và có thành tích học tập rất cao. Ông đặc biệt giỏi về nhịp, luật, thiên văn, lịch học.
Vì vậy, trên thực tế, ông không chỉ là một vị danh tướng cuối thời Tần và đầu thời Hán, mà còn là một nhà toán học có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực lịch và số học vào đầu thời Tây Hán. Ông đã có những đóng góp xuất sắc cho sự phát triển của khoa học tự nhiên Trung Quốc cổ đại.
Thời Tần, Trương Thương từng nhậm chức Ngự sử, chủ quản văn thư bốn phương tấu lên triều đình, sau vì đắc tội nên phải về quê lánh nạn. Khi Lưu Bang dẫn quân khởi nghĩa chống Tần qua Vũ Dương quê hương ông, làm người rất có ý thức chính nghĩa Trương Thương đã quyết định thần phục Lưu Bang và theo quân khởi nghĩa.
Khi Trương Thương cùng quân tấn công Nam Dương, ông đã vi phạm quân lệnh vì tự ý hành động nên bị Lưu Bang giao cho tướng thân cận là Vương Lăng phụ trách thẩm vấn và quyết định trảm ngang lưng. Vào ngày hành quyết, Trương Thương bị lột sạch y phục và quỳ dưới đất, chỉ cần nháy mắt là mất mạng dưới đao. Vương Lăng thấy Trương Thương thân hình cao lớn khôi ngô, làn da trắng nõn mịn màng, là mỹ nam tử thập phần khó có được, giết thật đáng tiếc, liền động lòng trắc ẩn.
Hơn nữa Vương Lăng biết Trương Thương là người rất tài giỏi, Hán Hiến Đế lại đang lúc cần người, nên đã cầu xin Lưu Bang cứu mạng để sau này lập công chuộc tội. Lưu Bang chấp thuận yêu cầu nên Trương Thương cuối cùng được ân xá, qua được đại nạn, rồi cùng theo quân tiến đến Hàm Dương.
Kể từ đó, Trương Thương hành động thận trọng, tuân thủ phép tắc và kỷ luật, trung thành với nhiệm vụ của mình. Vì lý do này, ông không ngừng được đề bạt và trọng dụng, liên tục được thăng chức. Cuối cùng làm quan đến chức Thừa tướng Tây Hán, nhậm chức hơn 10 năm. Ông có cống hiến rất lớn đối với việc kiện toàn chế độ lễ nghi của triều đình, là một danh tướng thời Tây Hán.
Mặc dù sau này ông được phong Hầu và làm Tể tướng, đối với ơn cứu mạng năm nao của Vương Lăng với mình, Trương Thương không bao giờ quên. Lúc Vương Lăng còn sống, ông phụng dưỡng như cha suốt mấy chục năm. Sau khi Vương Lăng qua đời, ông đối với phu nhân của Vương Lăng cũng vô cùng hiếu kính, nhất định hàng ngày xong việc triều chính liền đến thăm vấn, đợi bà dùng bữa xong mới trở về nhà.
Trên thực tế, tổ tiên của Trương Thương và cha ông đều thấp bé và thấp hơn năm thước, nếu tính theo thang "người đàn ông bảy thước" cổ đại thì tổ tiên của họ đều là người quá ư khác biệt. Để thay đổi yếu tố di truyền của gia đình, Trương Thương đặc biệt chú trọng đến chế độ dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe. Ông không uống rượu, không ăn cay, thích âm luật, am hiểu nhạc lý, lạc quan tiêu sái, vô ưu vô lự.
Cuối cùng, những nỗ lực của ông đã trở thành hiện thực, không chỉ thay đổi thước vóc của bản thân mà còn mang lại ích lợi cho hai thế hệ con cháu: Con trai của ông cao tám thước, cháu nội cao sáu thước.
Khi Lưu Bang xưng đế, Tiêu Hà nhậm chức Tướng quốc, nhân vì Trương Thương từng giữ chức Ngự sử triều Tần, biết rõ thư tịch sách vở trong thiên hạ, lại giỏi toán thuật, Tiêu Hà bèn nhậm dụng ông là Kế tướng (địa vị chỉ sau Tể tướng), để ông ở trong Tướng phủ chủ quản tướng kế của quận quốc, được xem là đại thần lí tài của triều đình.
Về sau, lại điều ông đến nhậm chức Tướng quốc cho Hoài Nam Vương Lưu Trường, rồi lại triệu hồi về triều đình nhậm chức Ngự sử đại phu, làm Phó tướng. Năm 176 trước công nguyên, Thừa tướng Quán Anh bệnh và qua đời, Trương Thương được thăng làm Thừa tướng.
Đương thời, triều Hán kiến lập đã hơn 20 năm, thiên hạ mới ổn định. Nhưng, từ sau khi Tiêu Hà mất, trừ Trần Bình ra, Thừa tướng đều là võ tướng, không hiểu lễ nghi, cho nên, nhiều chế độ của triều đình cần tu đính.
Trương Thương lúc nhậm chức Kế tướng, đã tu đính luật lịch, lấy tháng 10 làm đầu, suy định triều Hán lấy thuỷ đức mà được thiên hạ, nên quy hoạch không ít chế độ. Sau khi Trương Thương bái làm Tướng, bèn đem những chế độ đó thực hành.
Ông bác lãm quần thư, rất có học vấn, sử xưng là: "Vô sở bất quan, vô sở bất thông, vưu kì tinh vu luật lịch."
Tạm diễn nghĩa: Không gì là không quan sát, không gì là không thông suốt, đặc biệt là giỏi về luật lịch.
Năm 165 trước công nguyên, Công Tôn Thần cùng các Nho sinh ra sức chủ xướng lấy thổ đức mà được thiên hạ, theo đó tu sửa luật lịch, phục sắc… Văn Đế rất tin dùng, bèn thất sủng Trương Thương. Ba năm sau, lại nhân một quan viên mà Trương Thương tiến cử tham ô, Văn Đế huấn trách Trương Thương, Trương Thương cáo bệnh từ chức Tướng, trở về quê hương an hưởng tuổi già.
Một người thành tựu như Trương Thương cũng có những đặc biệt trong cuộc sống riêng tư. Ông đã cưới rất nhiều thê thiếp, trong phủ có lên tới hơn 100 người, nhiều hơn cả Hoàng đế lúc bấy giờ, ông thọ tới 104 tuổi.
Chúng ta biết rằng tuổi thọ của người cổ đại nói chung là rất ngắn nhưng ông lại sống đến 104 tuổi mới qua đời. Trương Thương chính là vị tể tướng sống lâu nhất trong lịch sử Trung Quốc, đồng thời là tể tướng có nhiều vợ và thê thiếp nhất.
Người đời sau nhớ đến Trương Thương như là đại biểu điển hình của phúc thọ song toàn thời cổ đại.