Dân Việt

Mô hình đột phá về lộ trình học tập, nghề nghiệp từ bậc THPT ở Việt Nam

Tào Nga 01/11/2024 06:51 GMT+7
PGS. TS Lê Trung Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kết hợp giữa các trường THPT với các trường Đại học trong và ngoài nước với lộ trình phát triển nghề nghiệp của học sinh.

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, PGS. TS Lê Trung Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay: "Từ trước đến nay, chúng ta thường thấy các mô hình hợp tác giữa các trường đại học trong nước với các trường quốc tế với nhau. Tuy nhiên, hợp tác này sẽ hiệu quả hơn nữa nếu như chúng ta có định hướng rõ ràng về lộ trình học tập, lộ trình phát triển nghề nghiệp và tương lai của học sinh. Nghĩa là lựa chọn này cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ lúc học phổ thông. Vì vậy chúng tôi phát triển mô hình hợp tác với các trường nước ngoài và với các trường THPT trong nước. 

Theo đó, các trường THPT sẽ có nhiều hoạt động, cách thức thực hiện như mời chuyên gia nước ngoài giảng dạy cho học sinh hoặc mời học sinh tham gia chương trình ngoại khóa, giao lưu học sinh giữa các nước và tư vấn ngành nghề cũng như mở ra cơ hội học tại các nước danh tiếng trên thế giới. Hiệu trưởng các trường THPT rất ủng hộ mô hình này".

Đây cũng là nội dung trong lễ ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác chiến lược Trường Quản trị Khách sạn Quốc tế Thái Bình Dương (PIHMS) từ New Zealand với Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng và Tập đoàn Swiss-Belhotel International chiều 31/10.

Trường ĐH Kinh tế  - Ảnh 1.

Lễ ký kết 4 bên diễn ra tại Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội với sự chứng kiến của nhiều trường THPT. Ảnh: Tào Nga

Lễ ký kết là một sáng kiến mang tính đột phá nhằm tăng cường kết nối giữa giáo dục và doanh nghiệp khách sạn đến từ New Zealand với các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam. Sự kiện không chỉ đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quan hệ song phương mà còn mở ra cơ hội kết nối giữa các chuyên gia giáo dục, chuyên gia ngành khách sạn, sinh viên và các đối tác chiến lược. 

PGS Thành chia sẻ thêm: "Chúng ta đang thực hiện Quốc tế hóa chương trình đào tạo trong nước nghĩa là các chương trình được xếp hạng và đạt tiêu chuẩn quốc tế, mô hình du học tại chỗ do đối tác nước ngoài cấp bằng cho các em có nhu cầu học môi trường quốc tế nhưng với chi phi phù hợp và gắn kết thực tiễn. Như vậy, các em vẫn có trải nghiệm quốc tế nhưng không bị bỡ ngỡ khi quay về, trong khi đó chất lượng đào tạo sẽ được nâng cao hơn nhiều".

Lễ ký kết này có sự chứng kiến của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền New Zealand tại Việt nam và Phó đại sứ New Zealand tại Việt Nam. Nó mang ý nghĩa đặc biệt khi diễn ra trước thềm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và thương mại giữa New Zealand và Việt Nam vào năm 2025.