Tốt nghiệp trường đại học (ĐH) không danh tiếng nên suốt một năm gửi đơn ứng tuyển (CV) ở nhiều công ty, Trần Phương Loan (quê Bắc Giang) vẫn không xin được việc làm. Cô phải làm công việc tạm thời là nhân viên thu ngân quán cà phê.
Làm cả ngày với mức lương chưa được 6 triệu đồng/tháng, Phương Loan cho biết cô vẫn phải xin tiền trợ cấp từ bố mẹ. "Em phải xin bố mẹ "tài trợ" tiền thuê nhà, tiền điện nước là 3 triệu đồng/tháng.
Với số lương ít ỏi của em, em phải tằn tiện mới đủ chi tiêu cho việc ăn uống, sinh hoạt cá nhân. Hiện tại, em vẫn chờ cơ hội để xin được công việc tốt hơn như công việc văn phòng…
Thấy cuộc sống Hà Nội ngày càng đắt đỏ, tiền thuê nhà tăng chóng mặt, giá cả thực phẩm như thịt, cá, rau cũng tăng hơn trước, em thực sự rất lo. Đã nhiều lúc em tính, hay mình về quê làm công nhân ở khu công nghiệp thì cuộc sống của em sẽ thoải mái hơn.
Em sẽ không mất tiền thuê nhà, tiền ăn uống, em sẽ tiết kiệm được lương của mình. Thế nhưng, em lại tiếc tấm bằng ĐH và vẫn le lói hy vọng biết đâu cơ hội tốt sẽ đến với mình", Phương Loan trải lòng.
Ra trường mới được 2 tháng nên Hoàng Minh Ngọc (Nam Định) xác định thời gian này đi làm công việc tạm thời và đi "rải" CV. Ngọc làm nhân viên bán quần áo với mức lương 7 triệu đồng/tháng.
Mẹ ở nhà buôn bán nhỏ, bố làm thợ sửa xe, phải nuôi 2 em ăn học nên Ngọc phải tự lo cuộc sống của mình. Cô muốn làm thêm một công việc nữa nhưng thời gian làm ở cửa hàng quần áo kéo dài đến tối nên cô không thể làm gì.
Ngọc cho biết, cô phải tiết kiệm bằng cách thuê nhà trọ rẻ tiền, ăn uống đạm bạc và không mua sắm cho cá nhân, không đi cà phê, ăn uống với bạn bè.
"Em chỉ mong tìm được công việc phù hợp và có mức thu nhập cao hơn hiện tại. Em sẽ bắt đầu từ những công ty nhỏ để học hỏi kinh nghiệm. Khi có kinh nghiệm, có thêm nhiều kỹ năng, em hy vọng mình sẽ có một công việc để có thể nuôi sống bản thân, để có thể lo cho em gái sẽ lên Hà Nội học ĐH trong 2 năm tới", Ngọc chia sẻ.
Giống như Phương Loan, Minh Ngọc, tìm được việc làm là mối quan tâm rất lớn của những tân cử nhân mới ra trường. Để lo cho cuộc sống nơi thành thị đắt đỏ khi chưa tìm được công việc phù hợp, nhiều bạn trẻ phải làm các công việc "chân tay" hoặc những công việc tạm thời như chạy Grab, bán hàng siêu thị, nhân viên quán cà phê…
Tốt nghiệp khoa tiếng Nhật, ĐH Ngoại Ngữ ĐH QG Hà Nội cách đây 1 năm, Lương Thu Thủy cho biết, các bạn lớp cô không gặp khó khăn khi đi xin việc. "Ngành ngôn ngữ hiện có cơ hội việc làm nhiều và đa dạng.
Số bạn làm đúng chuyên ngành (ngành biên phiên dịch) chỉ khoảng 30%. Còn lại, các bạn sẽ làm những công việc, ngành nghề có liên quan đến ngôn ngữ mình học như giáo viên dạy ngoại ngữ, IT comtor tiếng Nhật (phiên dịch viên tiếng Nhật chuyên về lĩnh vực công nghệ thông tin), Tester tiếng Nhật (là những người kiểm tra chất lượng phần mềm, phát hiện ra các lỗi, sai sót hay bất cứ vấn đề nào có thể ảnh hưởng đến chất lượng phần mềm)…
Mức lương trên chục triệu đồng/tháng với sinh viên mới ra trường, em thấy cuộc sống của mình khá ổn. Em tin, trong vài năm tới, khi có cơ hội tốt hơn, thu nhập của em cũng sẽ cao hơn", Thu Thủy cho biết.
Theo kinh nghiệm của Thu Thủy, để không bị áp lực tìm việc làm sau khi ra trường, ngay từ khi còn là học sinh đã cần định hướng nghề nghiệp tốt. Cần tìm hiểu những công việc phù hợp với khả năng, tính cách của bản thân.
Đặc biệt, trước khi đăng ký tuyển sinh cần tìm hiểu thị trường công việc trong tương lai chứ không nên đặt nguyện vọng vào trường ĐH theo phong trào, theo bạn bè…
Từng bị nhiều công ty từ chối vì thiếu kinh nghiệm thực tế nhưng Nguyễn Nhật Anh (cựu sinh viên ĐH Thương Mại) không bỏ cuộc. Cậu quyết định tham gia các khóa học ngắn hạn để nâng cao kỹ năng mềm và tìm kiếm cơ hội thực tập tại các doanh nghiệp nhỏ.
Cậu cũng tích cực tham gia các buổi hội thảo, gặp gỡ và kết nối với những người trong ngành để mở rộng mạng lưới quan hệ. Sau thời gian nỗ lực, cậu đã nhận được lời mời vào làm việc đúng với chuyên ngành mình học. Nhật Anh cho biết sẽ làm việc thật chăm chỉ, học hỏi đồng nghiệp, tích lũy kinh nghiệm để khẳng định được năng lực của mình.