Vẫn là những chiêu thức cũ, nhưng bằng một cách tinh vi hơn, rất nhiều kẻ lừa đảo đã tiếp cận người nhà của chính các lao động đang làm việc ở nước ngoài, từ đó dụ chính người nhà của họ đi làm việc ở nước ngoài và trở thành "con mồi" cho các đối tượng lừa đảo.
Phóng viên Báo Dân Việt trò chuyện cùng các nạn nhân bị lừa tiền.
10 giờ sáng ngày 31/10, anh Nguyễn Văn N. (29 tuổi, quê ở Thanh Hóa) tìm tới Công ty cổ phần nhân lực Toàn Đài để tìm kiếm thông tin và thực hiện chuyển tiền nộp hồ sơ đi làm việc ở Đài Loan (Trung Quốc).
Vừa tới công ty, anh liền gọi cho người môi giới, nhưng đầu dây bên kia môi giới không nghe máy chỉ thấy nhắn tin lại đề nghị anh N chụp ảnh công ty và xác nhận. Ngay sau khi biết anh N đang ở công ty, bên đầu kia liền tắt cuộc gọi và chặn liên lạc...
Chia sẻ với PV Báo Dân Việt, anh N kể, cách đây 9 năm, anh đăng ký đi làm việc ở Malaysia. Sau 3 năm làm việc ở nước ngoài, anh về nước xin làm xưởng điện lạnh ở TP Hồ Chí Minh. Gần đây mẹ anh ốm nên anh quyết định về quê lập nghiệp.
"Công việc khó khăn nên tôi quyết định làm hồ sơ để đi làm việc tại Đài Loan. Ai ngờ việc chưa thấy đâu đã bị lừa đảo", anh N ngậm ngùi kể tiếp.
Theo anh N, cách đây 4 tháng, anh làm hồ sơ để chuẩn bị đi làm việc tại Đài Loan. Sau một thời gian tìm kiếm thông tin, anh N được người anh vợ đang làm việc Đài giới thiệu có người quen làm môi giới có đơn hàng rất tốt của công ty bên Đài đang cần tuyển lao động.
Tin anh, nên anh N đã liên hệ với facebook có tên là Trần Phước Ng. mà người anh giới thiệu. Sau đó 1-2 ngày, người này giới thiệu anh gọi cho một facebooker khác tên là Nguyễn Thị Minh H. . H. tự giới thiệu là nhân viên của Công ty Cổ phần nhân lực Toàn Đài (Hà Nội) và gửi cho anh N những thông tin có liên quan của công ty.
"Chị ta nói, công ty bên Đài đang cần tuyển 2 vị trí, công việc và chế độ rất tốt, họ bao ăn ở, lương cứng 22 triệu đồng/tháng, công việc nhiều tăng ca liên tục, tiền lương cũng phải tới 40 triệu đồng. Chưa kể người ta cần người gấp nên nếu nộp hồ sơ sớm, tôi có thể bay luôn. Chi phí đi lại khá rẻ chỉ khoảng 5.000 - (trong khi chi phí đi ở các công ty khác vào khoảng 6.000)", anh N kể.
Sau khi thuyết phục, H. báo anh chuyển 500 đô la Mỹ để cọc làm hồ sơ. Tuy nhiên, anh N chỉ chuyển 5 triệu đồng.
"Trước khi chuyển tiền cho môi giới, tôi còn gọi hỏi anh trai vợ về mối quan hệ với người kia, anh nói cũng chỉ mới quen biết, nhưng yên tâm cứ chuyển đi. Nếu chuyển không đi được thì có thể đến gặp môi giới đòi lại", anh N kể.
Hai ngày sau, người có tên H. tiếp tục nhắn tin gọi điện hối anh N chuyển tiếp 50 triệu đồng với lý do nộp để làm hồ sơ gấp vì trường hợp của anh bay nhanh. Nếu nộp tiền luôn thì 15/11, anh N được ra Hà Nội khám sức khỏe, ngày 20 bay. Đánh vào tâm lý muốn bay nhanh của lao động, lại nắm được quy trình thủ tục đi xuất khẩu lao động nên anh N khá tin tưởng.
Bị H. hối, anh N tiếp tục chuyển thêm 30 triệu đồng, tổng cộng anh đã chuyển H. 35 triệu đồng. Tiền đóng chưa được bao lâu, 2 ngày sau đối tượng H. lại tiếp tục gọi điện nhắn tin nói anh chuyển tiếp 30 triệu đồng để chống trốn.
"Lúc này, tôi thấy nghi nghi nên không chuyển luôn mà khất lần với lý do không có tiền tài khoản, đợi mai ra Hà Nội đi công việc rồi ra nộp trực tiếp tiền mặt... Tuy nhiên, người này không đồng ý, lấy đủ lý do để thuyết phục. Kết quả, ra tới công ty thì họ cho biết không có ai tên Huệ, tôi mới biết mình đã bị lừa", anh N kể.
Cũng theo anh N, anh khá thận trọng khi tìm kiếm các thông tin đi làm việc ở nước ngoài, tuy nhiên vì tin người thân đang làm việc tại Đài Loan nên mới bị lừa. Khi tiếp nhận thông tin, anh cũng đã lên mạng tìm hiểu về công ty, thấy các thông tin minh bạch, nên mới tin tưởng.
Để anh N tin tưởng, những kẻ lừa đảo còn làm giả giấy tờ, form đơn hàng, giấy báo trúng tuyển; hợp đồng; hóa đơn... như của công ty luôn và gửi cho anh.
"Tôi thấy các thủ tục cũng như cách tư vấn khá chuyên nghiệp và đúng về quy trình nên tin tưởng. Mãi cho tới khi thấy kẻ môi giới cứ liên tục thúc giục nộp tiền thì tôi mới nghi ngờ mình bị lừa và đến công ty kiểm tra", anh N chia sẻ.
Không riêng gì anh N, hàng chục lao động khác gọi tới số điện thoại của Công ty Toàn đài phản ánh đã nộp tiền cho môi giới nhưng mãi không thấy lịch bay hoặc là bị chặn cuộc gọi.
Chị Nguyễn Thị H. (34 tuổi ở Hà Tĩnh) là nạn nhân bị lừa số tiền lớn nhất. Chị đã nộp tới 85 triệu đồng cho kẻ lừa đảo nhưng mãi không thấy được bay chị mới đi tìm hiểu, điều tra mãi mới tìm ra được địa chỉ chính xác của công ty Toàn Đài.
"Tôi thật sự sốc khi biết đã bị lừa dù đã rất cẩn thận. Trước đó, tôi đã tìm kiếm thông tin về công ty trên mạng thì thấy các thông tin hoàn toàn trùng khớp với thông tin mà kẻ môi giới cung cấp cho tôi", chị H nói.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị phải vay mượn của anh em họ hàng và cả của ngân hàng để nộp tiền đi làm việc tại Đài Loan với hy vọng được đi làm việc ở nước ngoài thì gia đình sẽ bớt khó khăn. Ai ngờ tiền không thấy đâu, giờ thì bị lừa.
Trao đổi với phóng viên Báo Dân Việt, ông Nguyễn Văn Thành - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần nhân lực Toàn Đài cho biết: "Khi có cuộc gọi đến công ty hỏi có nhân viên tên này tên kia không, tôi có hỏi là có phải anh/chị bị lừa không thì họ nói là đúng".
Chỉ trong khoảng 10 ngày, công ty đã phát hiện khoảng 10 trường hợp gọi điện qua công ty phản ánh là bị lừa, khoảng 20 trường hợp khác thì gọi hỏi công ty có nhân viên tên này tên kia không. Có trường hợp chuyển 5 triệu - 10 triệu đồng, nhưng cũng có những trường hợp đã chuyển lên tới 75 -80 triệu đồng.
"Thống kê ban đầu, trong khoảng chục ngày gần đây, có hơn 10 trường hợp thông tin là có người nhân danh nhân viên công ty lừa đảo, chuyển tiền đi làm việc tại Đài Loan. Số trường hợp phản ánh là nạn nhân liên tục tăng", ông Thành nói.
Khi công ty làm việc với các nạn nhân thì thấy đa phần nạn nhân đều được người nhà đang làm việc bên phía Đài Loan giới thiệu cho người môi giới. Tất cả đều chỉ liên lạc qua facebook và zalo chứ không có số điện thoại của kẻ môi giới, cũng không biết người này là ai, sống ở đâu.
"Đặc biệt những kẻ lừa đảo này rất bài bản, họ nắm chắc quy trình đi làm việc ở nước ngoài và cũng rất hiểu tâm lý của lao động nên dù có nghi ngờ, lao động vẫn bị thuyết phục, đóng tiền... ", ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành, việc Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu các công ty niêm yết tất cả thông tin như: Giấy phép; địa chỉ, trụ sở; hóa đơn chứng từ; danh sách cán bộ... để lao động dễ tiếp cận nhưng thực ra đây cũng là "con dao hai lưỡi" khiến cho những kẻ lừa đảo nắm thông tin làm giả giấy tờ, con dấu để lừa đảo.
Ngay sau khi nắm thông tin, công ty đã có văn bản gửi Cục Quản lý lao động ngoài nước báo cáo tình hình xin ý kiến chỉ đạo và trình báo với cơ quan công an để được hỗ trợ xử lý. Đồng thời, công ty cũng có thông báo chính thức trên Website và trang facebook của công ty để cảnh báo tới người lao động. Tuy nhiên, những thông tin công ty đăng tải trên facebook của công ty liên tục bị những kẻ lừa đảo tấn công, báo cáo vi phạm, khiến các bài viết bị ẩn, lao động không tiếp cận được, thậm chí trang có nguy cơ bị mất.
Trước thực trạng này, ông Thành cảnh báo người lao động trước khi có ý định đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có thị trường Đài Loan, cần nghiên cứu, xác minh rõ thông tin. Có thể đến trực tiếp công ty làm việc để được tư vấn cụ thể. Không làm việc, chuyển tiền giao dịch qua mạng khi chưa nắm chắc thông tin.
Không chỉ Công ty Cổ phần nhân lực Toàn Đài, hiện nay nhiều công ty đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài khác như Công ty Sona... cũng đã phát đi thông tin cảnh báo lao động về việc có người giả mạo thông tin công ty để lừa đảo lao động.
Trước thực trạng này PV Báo Dân Việt đã liên hệ với Cục Quản lý lao động Ngoài nước (Bộ LĐTBXH) để tìm hiểu thông tin.
Báo Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.