Bằng tình yêu nghề, sự nhẫn nại và lòng kiên trì, cô không chỉ giúp các em vượt qua khó khăn mà còn xây dựng cho các em nền tảng
Nguyễn Thị Thanh Trúc, giáo viên tại Phòng Dạy thực hành của Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật Khánh Hòa, vừa tròn 10 năm đồng hành cùng trẻ em khuyết tật trí tuệ. Với tình yêu thương và tâm huyết dành cho nghề, cô Trúc đã không ngừng nỗ lực giúp đỡ nhiều trẻ khuyết tật tiếp cận giáo dục và phát triển bản thân. Cô chia sẻ rằng, dù đã trải qua một thập kỷ nhưng ký ức về những ngày đầu chập chững đến trung tâm vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí. Đó là những tiếng cười trong trẻo hòa lẫn với âm thanh của những tiếng hét lớn và những cử chỉ không lời từ các em khiếm thính. Đối diện với một môi trường đặc biệt và đầy thử thách, cô Trúc không tránh khỏi cảm giác bỡ ngỡ và lo lắng.
Cảm xúc vui buồn, hạnh phúc và cả bất lực đã đan xen suốt quãng thời gian công tác của cô. Nhìn lại từng lứa học sinh đã qua, cô không thể quên những học trò đầu tiên, đặc biệt là H., một cậu bé mắc hội chứng Treacher Collins, với khuôn mặt khác biệt và thể chất yếu đuối. Dù phải trải qua nhiều ca phẫu thuật, H. vẫn luôn tỏ ra là một đứa trẻ ngoan và giàu nghị lực, ham học hỏi. Chính H. là người đã giúp cô Trúc có thêm niềm tin vào hành trình nhiều gian truân nhưng cũng đầy ý nghĩa mà cô đang đi. "So với nhiều cuộc đời, bản thân tôi còn quá may mắn", cô Trúc thổ lộ.
Làm giáo viên cho trẻ khuyết tật trí tuệ không đơn thuần chỉ là truyền đạt kiến thức. Đó là hành trình nhẫn nại và đòi hỏi sự kiên trì vô hạn. Các em “khó nhớ, mau quên", nên một bài học nhỏ có khi mất vài giờ, thậm chí vài tháng để tiếp thu. Đôi khi, những hành vi bất thường như gây hấn hay tự tổn thương của học trò làm cô Trúc cảm thấy bất lực, nhưng với sự hỗ trợ của các đồng nghiệp và động lực từ tình yêu thương, cô vẫn giữ vững niềm tin vào con đường mình đang đi. Cô tâm sự rằng đồng hành với những đứa trẻ ấy giúp cô nhận ra giá trị của sự nhẫn nại và lòng kiên trì. “Hãy giúp trẻ để trẻ tự giúp mình”, là kim chỉ nam mà cô luôn tâm niệm, khát khao hỗ trợ các em học sinh khuyết tật trí tuệ từng bước tự lập và có một cuộc sống ý nghĩa.
Với cô Trúc, mỗi học trò trưởng thành và tự lập là một niềm hạnh phúc lớn.
Cô Trúc kể về những khó khăn mà trung tâm đang đối mặt, như thiếu cơ sở vật chất, sân chơi chật hẹp và thiếu an toàn cho trẻ. Cô luôn ước ao một môi trường học tập rộng rãi, đầy đủ tiện nghi, nơi các em có thể thỏa sức vui chơi và phát triển kỹ năng sống. Để trở thành người có ích cho xã hội, các học sinh của cô cần một không gian phù hợp, không chỉ để học tập mà còn để được hòa nhập, rèn luyện kỹ năng và tiếp cận một cuộc sống bình thường như bao người khác.
Trong những năm qua, dù điều kiện còn hạn chế, một số học sinh của cô Trúc đã có những tiến bộ vượt bậc và tìm được việc làm sau khi ra trường, như làm phục vụ, giữ xe, hay buôn bán nhỏ. Với cô Trúc, mỗi học trò trưởng thành và tự lập là một niềm hạnh phúc lớn, là kết quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ mà cô và các đồng nghiệp đã bỏ ra. Nhìn thấy học trò khôn lớn từng ngày, thấy các em dần được xã hội chấp nhận và có cuộc sống tự lập là niềm vui không thể diễn tả thành lời đối với cô. "Hành trình giáo dục đặc biệt này có lúc thật gập ghềnh nhưng tôi tin rằng, với sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội và sự kiên trì của các giáo viên, chúng ta sẽ gặt hái những thành công nhất định", cô Trúc khẳng định.
Như bao thầy cô giáo trong sự nghiệp giáo dục đặc biệt, cô Trúc không xem mình là người làm việc lớn. "Tôi chỉ là một trong những hạt nước nhỏ trong biển mênh mông của giáo dục nước nhà", cô chia sẻ. Tuy nhiên, cô tin rằng nếu có triệu triệu hạt nước cùng hòa quyện, sẽ tạo nên những đợt sóng mạnh mẽ, lan tỏa tình thương đến những cuộc đời kém may mắn. Những người thầy, người cô trong lĩnh vực này đã và đang cống hiến hết mình, giữ lửa cho nghề, với hy vọng các học sinh khuyết tật có thể hòa nhập và sống trọn vẹn trong cộng đồng.
Trong 10 năm đứng lớp, cô Trúc đã không ngừng tìm tòi và đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp cho trẻ khuyết tật trí tuệ. Dẫu công việc của cô không mang lại vinh quang hay sự nổi tiếng, nhưng bằng tất cả tình yêu thương và tâm huyết, cô vẫn luôn kiên trì với nghề, một nghề mà cô xem như sự cống hiến không ngừng nghỉ. Trên hành trình này, cô Trúc không đơn độc, bởi bên cạnh cô còn có nhiều thầy cô giáo khác, những người đang ngày đêm thầm lặng, tận tụy vì những vầng trăng chưa tròn vẹn. Như một ngọn đèn không bao giờ tắt, họ âm thầm thắp sáng con đường giúp những đứa trẻ khuyết tật được hòa nhập vào xã hội một cách trọn vẹn và tích cực hơn.
Cô Trúc chính là hình ảnh tiêu biểu cho sự tận tâm và lòng nhân ái, là niềm tự hào của ngành giáo dục đặc biệt Việt Nam. Những thầy cô như cô không chỉ là người dạy chữ, mà còn là người chắp cánh ước mơ, gieo hy vọng và niềm tin vào cuộc sống cho những mảnh đời kém may mắn. Trên hành trình nhiều thử thách ấy, cô đã dành trọn tình yêu và nghị lực để đem đến cho các em học sinh một cuộc sống tốt đẹp hơn.