Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Thái Nguyên thuộc Hội Nông dân tỉnh quản lý nhằm hỗ trợ nguồn vốn vay cho nông dân trên địa bàn tỉnh xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn, được tổ chức hoạt động theo mô hình đặc thù, không kinh doanh tiền tệ, không vì mục tiêu lợi nhuận, cho vay theo phương thức có hoàn trả, thu phí để tự chủ dùng chi phí các hoạt động, tăng trưởng nguồn và dự phòng rủi ro hằng năm theo quy định.
Quỹ hỗ trợ nông dân – nguồn vốn vay ưu đãi hiệu quả, thủ tục nhanh gọn
Với mức cho vay phù hợp với mặt bằng sản xuất, kinh doanh và khả năng chi trả của hội viên, nông dân, thời gian cho vay phù hợp, đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn vốn của hội viên nông dân nhờ việc đơn giản hóa thủ tục vay vốn với các điều kiện, tiêu chí phù hợp với đối tượng vay.
Trong những năm qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Thái Nguyên đã phát huy nhiều hiệu quả rõ rệt. Với ưu điểm về bộ máy tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm chi phí; Cách thức tổ chức hoạt động cho vay đơn giản, hiệu quả; nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đã giúp cho hàng nghìn lượt hộ nông dân vay phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ đã trở lên khá, giàu; giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động ở nông thôn.
Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh đã giúp hội viên nông dân có thêm vốn để mở rộng quy mô sản xuất; chuyển đổi nhận thức của nông dân từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang phương thức sản xuất thâm canh, liên kết xây dựng mô hình kinh tế hợp tác quy mô lớn, bước đầu hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất tập trung. Thông qua các dự án vay vốn đã xây dựng được trên 250 mô hình kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất, kinh doanh theo hướng sản xuất hàng hóa; thu nhập bình quân của hộ vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tăng thêm 10% - 20% so với khi chưa tham gia dự án vay vốn.
Kiện toàn tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ nông dân
Để hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân được chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về số lượng, chất lượng tín dụng, mới đây UBND tỉnh Thái Nguyên đã lập dự thảo Đề án kiện toàn tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh với những nội dung cụ thể.
Theo đó, Quỹ hỗ trợ nông dân hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính, không vì mục tiêu lợi nhuận, công khai, minh bạch, bảo toàn và phát triển vốn; Chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi nguồn vốn chủ sở hữu của Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh; Thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật.
Mục tiêu hoạt động của quỹ là hỗ trợ hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nông dân; Tạo nguồn lực, điều kiện, công cụ để đoàn kết, tập hợp nông dân vào tổ chức Hội Nông dân, góp phần xây dựng công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Thái Nguyên.
Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh Thái Nguyên có chức năng tiếp nhận và quản lý nguồn vốn điều lệ được cấp từ ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật; Vận động các nguồn ủng hộ, tài trợ, viện trợ không hoàn lại cho hoạt động của Quỹ; Cho vay vốn đối với hội viên nông dân để xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh; Nhận ủy thác cho vay của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật…
Hiện nay toàn tỉnh có 177 cơ sở Hội cấp xã với tổng số 162.101 hội viên sinh hoạt tại 2.111 chi hội; có trên 55.246 hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Quỹ Hỗ trợ nông dân đang thực hiện cho vay tại 80 dự án, cho 904 hộ vay vốn phát triển sản xuất. Nguồn vốn trên chỉ đáp ứng được một phần nhỏ số hội viên nông dân được vay vốn, trong đó có khoảng 5% số hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, 10% mô hình kinh tế tập thể do Hội Nông dân trực tiếp hướng dẫn được hỗ trợ nguồn vốn Quỹ, 45% Hội nông dân cơ sở được thụ hưởng nguồn vốn Quỹ.
Lợi ích từ việc kiện toàn tổ chức bộ máy, hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân
Việc kiện toàn tổ chức bộ máy, hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Thái Nguyên sẽ tạo điều kiện cho hội viên nông dân được vay vốn thuận lợi, với lãi suất ưu đãi, nguồn tài chính dễ tiếp cận, thời hạn cho vay phù hợp, thủ tục vay vốn nhanh gọn, không phải thế chấp tài sản, được Hội Nông dân cơ sở bảo lãnh.
Từ đó, các hộ nông dân sẽ phát huy hiệu quả nguồn vốn, đầu tư sản xuất kinh doanh, mở rộng ngành nghề, tham gia các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn, khai thác tiềm năng thế mạnh ở từng địa phương, tạo ra nông sản hàng hóa, dịch vụ chất lượng, hiệu quả cao. Đồng thời, giải quyết được vấn đề việc làm của nông dân ở những vùng nông thôn.
Việc kiện toàn sẽ giúp duy trì và phát triển một kênh hỗ trợ tín dụng ưu đãi hết sức quan trọng về nguồn vốn đối với hội viên, nông dân góp phần hiện thực hoá chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế hộ, kinh tế nông nghiệp. Từ đó, góp phần thực hiện thành công các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Có thể khẳng định, việc kiện toàn tổ chức và hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Thái Nguyên là giải pháp cơ bản, quan trọng và đúng đắn góp phần phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nông dân văn minh hiện đại.