Dân Việt

Giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật cho học sinh: Mưa dầm thấm lâu

Theo Vân Anh 03/11/2024 08:03 GMT+7
Giáo dục pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống, từ đó hạn chế hành vi vi phạm pháp luật.
img

Học sinh Trường Tiểu học Thăng Long tìm hiểu về Luật Trẻ em.

Nhiều hoạt động ý nghĩa

Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Ngày Pháp luật Việt Nam) 9/11, Trường Tiểu học Thăng Long (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tổ chức sinh hoạt dưới cờ tuyên truyền pháp luật đến toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường triển khai nhiều hoạt động nhằm giúp cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh có ý thức tự giác chấp hành pháp luật.

Cô Nguyễn Thị Bình Minh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thăng Long cho biết, qua giáo dục chính khóa và các hoạt động ngoại khóa, nhà trường đã tuyên truyền đến toàn thể cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh về vị trí, vai trò chủ quyền của biển đảo, các vấn đề liên quan đến hòa bình, ổn định, an ninh và tập trung vào các luật: An toàn giao thông, chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, người khuyết tật; trách nhiệm, nghĩa vụ của người dân kể cả học sinh trong thực hiện pháp luật Nhà nước.

Những năm qua, nhà trường tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, lồng ghép nội dung giáo dục pháp luật vào chương trình giảng dạy, phối hợp với cha mẹ học sinh thường xuyên giáo dục, nhắc nhở con em tự giác thực hiện tốt các quy định của pháp luật. Đồng thời tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam nhằm giáo dục học sinh, đề cao giá trị của pháp luật,

Xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học có vai trò quan trọng, hằng năm, Sở GD&ĐT Hòa Bình đã chỉ đạo các trường học phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Nhà nước trong các đơn vị, nhà trường.

Chia sẻ thông tin, cô Nguyễn Thu Hiền - Hiệu trưởng Trường THPT Tân Lạc (Tân Lạc, Hòa Bình) đồng thời cho hay, các trường chủ động phối hợp với ban, ngành, đoàn thể, trực tiếp là ngành Tư pháp và Công an tổ chức các buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật với nhiều nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương. Thông qua tuyên truyền đã giúp học sinh nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật, rèn luyện đạo đức, trau dồi kỹ năng sống.

Em Quách Văn Đức - học sinh Trường THPT Tân Lạc chia sẻ: Em rất ấn tượng với các buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật theo hình thức sân khấu hóa. Hình thức này vừa gần gũi, sinh động vừa dễ hiểu nên giúp chúng em hiểu rõ hơn các quy định pháp luật và tự giác thực hiện trong cuộc sống hằng ngày.

img

Học sinh Trường THCS Thanh Xuân tuyên truyền sách Luật Giáo dục 2019.

Đa dạng hình thức tuyên truyền

Tại buổi sinh hoạt dưới cờ tháng 11, học sinh Trường THCS Thanh Xuân (Thanh Xuân, Hà Nội) biểu diễn những tiết mục văn nghệ sôi nổi chào mừng Ngày Pháp luật Việt Nam và hào hứng giới thiệu những cuốn sách về Luật Giáo dục, Luật Thủ đô... Với thế mạnh ngoại ngữ, học sinh còn được tìm hiểu các thuật ngữ về pháp luật qua phần trình diễn song ngữ Anh - Việt.

Chia sẻ của cô Nguyễn Thanh Huyền - Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Xuân: Những năm qua, cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường luôn chủ động nghiên cứu, tìm hiểu, học tập và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật; tăng cường truyền thụ những kiến thức cơ bản về pháp luật, xây dựng văn hoá pháp luật, tạo nền tảng cho học sinh khi ra trường trở thành những công dân tốt.

Theo bà Lê Thị Thu Hằng - Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân (Hà Nội), các kiến thức pháp luật thường khô khan, nhiều thuật ngữ chuyên ngành nên cần đổi mới phương pháp tuyên truyền để những kiến thức này trở nên gần gũi, giúp học sinh dễ tiếp thu.

Nhà trường cần tổ chức hiệu quả phương pháp, hình thức dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy kiến thức pháp luật tại nhà trường. Giáo viên chú ý lồng ghép giáo dục pháp luật cho học sinh thông qua bài giảng một cách hợp lý, phối hợp giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức, lối sống.

Cần gắn việc giảng dạy và học tập pháp luật với rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh nhằm củng cố kiến thức pháp luật đã học trong chương trình, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong tìm hiểu kiến thức pháp luật và vận dụng pháp luật trong xử lý tình huống thực tế.

Đồng thời tiếp tục bổ sung các phương tiện, thiết bị, tài liệu, học liệu hỗ trợ công tác phổ biến giáo dục pháp luật; phát động phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm, làm đồ dùng dạy học; sưu tầm hình ảnh, tư liệu phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong chương trình chính khóa và ngoại khóa tại nhà trường. Phổ biến kinh nghiệm ở những nơi làm tốt, nghiên cứu những mô hình hay, cách làm hiệu quả để áp dụng, nhân rộng.

Từ thực tiễn địa phương, ông Nguyễn Quang Minh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình nhận thấy, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong trường học đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung; giữ ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường quản lý Nhà nước bằng pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới, Hòa Bình tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giáo dục, phổ biến pháp luật trong trường học trên cơ sở vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là ngành Giáo dục, Tư pháp. Trong đó, trọng tâm là đa dạng hình thức tuyên truyền, cập nhật các nội dung tuyên truyền mới, sát với thực tiễn chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên.

Chia sẻ với học sinh và thầy cô giáo nhân Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng việc dạy, học và thực thi pháp luật trong và ngoài nhà trường.

Theo Bộ trưởng, học tập và làm theo pháp luật “không phải là việc một ngày”, mà cần được thực hiện thường xuyên, liên tục. Việc học tập, tuân thủ và làm theo pháp luật “không phải việc của một người” mà cần chung tay cùng nhau thực hiện pháp luật. Học sinh “không đợi lớn” mới tìm hiểu và thực hiện pháp luật. Bên cạnh hoạt động học tập chính khóa thì ở nhà hay bên ngoài nhà trường, chỗ nào cũng cần tuân thủ và ý thức pháp luật.