Dân Việt

Đánh thuế bất động sản thứ 2 "giống như dùng thuốc cho người bệnh, phải cẩn trọng liều lượng"

Phương Thảo 05/11/2024 07:46 GMT+7
Đề xuất của Bộ Xây dựng về đánh thuế bất động sản thứ 2 và nhà, đất bỏ hoang đang nhận nhiều tranh luận trái chiều, nhất là lo ngại làm tăng giá, giảm thanh khoản, tiềm ẩn nguy cơ thị trường bị "đóng băng".

Như Dân Việt thông tin, khi các Bộ Xây dựng đề xuất đánh thuế bất động sản thứ 2, nhà đất bỏ hoang và được Bộ Tài chính đồng tình đã gây ra nhiều tranh luận trái chiều. 

Nhiều người lo giá bất động sản sẽ vẫn tiếp tục tăng do "thuế chồng thuế". Nhưng một số chuyên gia lại cho rằng, giá bất động sản sẽ giảm về đúng giá trị thực của nó.

Tuy đề xuất nhận về nhiều ý kiến trái chiều nhưng điểm chung của các chuyên gia và người dân đều lo ngại thị trường sẽ "đóng băng" trở lại vì kênh bất động sản kém hấp dẫn.

Đánh thuế bất động sản thứ 2 "giống như dùng thuốc cho người bệnh, phải cẩn trọng liều lượng"- Ảnh 1.

Đánh thuế bất động sản thứ 2 vẫn đang là chủ đề đón nhận được nhiều sự quan tâm và tranh luận xung quanh vấn đề giá, thời điểm và quy cách. Ảnh: Thái Nguyễn

Đánh thuế bất động sản thứ 2: "Cấp thiết nhưng không được vội"

Theo báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội mới đây, thuế là giải pháp có tác dụng trung và dài hạn giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững. Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, ban hành mới luật về thuế, trong đó đánh thuế cao với người sử dụng nhiều nhà, đất, chậm sử dụng hoặc bỏ hoang đất đai.

Đánh thuế cần có lộ trình cụ thể được tính toán cẩn thận, tránh tuyệt đối kiểu giật cục, đột ngột chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác sẽ gây sốc cho nền kinh tế và cả khối đồng thuận xã hội.

Ông Võ nhấn mạnh

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định: Đánh thuế bất động sản về dài hạn là cần thiết nhưng khi đánh thuế cần xem xét một cách toàn diện, thận trọng, tránh đưa ra thuế xa rời thực tế làm người dân thất vọng, không đáp ứng được mong đợi.

Chính vì vậy, ông Võ cho rằng không nên vội vã và cần có lộ trình phù hợp khi tất cả những điều kiện liên quan đã sẵn sàng.

Đánh thuế bất động sản thứ 2 "giống như dùng thuốc cho người bệnh, phải cẩn trọng liều lượng"- Ảnh 2.

Đánh thuế bất động sản thứ 2, nhà bỏ hoang: Có thể gây tác dụng ngược. Ảnh: Thái Nguyễn

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế chia sẻ phải "bắt bệnh" đúng thì mới chữa được, cần nghiên cứu việc đánh thuế đúng thì mới trúng đối tượng. Ông Hiếu cho rằng, việc áp dụng thuế ngay lúc này chẳng khác gì “đánh chuột không đậy cửa hàng”, đánh thuế vội vàng có thể dẫn đến tình trạng người bị đánh thuế người không, người đánh thuế cao người đánh thuế thấp, và người sở hữu nhà thứ 2 nhỏ đánh thuế bằng người sở hữu nhà có diện tích lớn,...

"Việc cần làm là phải cấp bách xây dựng bộ dữ liệu bất động sản chuẩn để thực hiện đánh thuế sao cho giảm thiểu sai sót nhiều nhất. VNIed đang có thể hỗ trợ người quản lý một cách nhanh và chính xác nhất", ông Hiếu đề xuất.

Ông Hiếu chia sẻ thêm, không phải ai sở hữu nhiều nhà đất cũng là để đầu cơ. Với đặc thù của xã hội Việt Nam, rất nhiều gia đình mua thêm nhà làm của để dành cho con cháu hoặc để khai thác kinh doanh. Chính vì vậy, nếu đánh thuế bất động sản thứ 2, nhà đất bỏ hoang sẽ tạo áp lực lên đa số người dân có nhu cầu ở thực.

Đánh thuế bất động sản thứ 2 "giống như dùng thuốc cho người bệnh, phải cẩn trọng liều lượng"- Ảnh 3.

Chuyên gia cho rằng cần cấp bách xây dựng hệ thống bộ dữ liệu liên quan đến bất động sản để tránh việc đánh thuế gây mất công bằng. Ảnh: Gia Linh

Nếu đánh thuế một cách "đại trà" thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đại đa số người dân có nhu cầu mua để ở thực, bởi chính họ là người sẽ chịu các khoản thuế phí cuối cùng. Mặt khác, những gia đình làm việc chăm chỉ, tích góp nhiều năm muốn mua thêm căn nhà thứ 2, thứ 3 cho con cái, tuy nhiên khi chưa sử dụng đến họ cho người khác thuê. Như vậy, đó vẫn là những mục đích hoàn toàn hợp lý, giúp ích cho xã hội.

Ông Hiếu cho rằng: "Sử dụng thuế bất động sản cũng giống như việc dùng thuốc, sẽ có những tác dụng phụ không mong muốn nếu như không dùng đúng cách và đúng liều lượng".

Nếu như áp thuế "không đúng không trúng" sẽ dẫn đến hệ lụy làm cản trở sự phát triển bình thường của thị trường.

Ông Hiếu chia sẻ

Đánh thuế bất động sản thứ 2 "giống như dùng thuốc cho người bệnh, phải cẩn trọng liều lượng"- Ảnh 4.

Cần đánh thuế đúng và trúng thì mới giảm thiểu rủi ro gây lên trên thị trường bất động sản. Ảnh: Hạnh Phúc

Đánh thuế bất động sản thứ 2: Sẽ gây "đóng băng" thị trường?

Theo PGS, TS. Đinh Trọng Thịnh, cần tính toán mức thuế sao cho phù hợp để vừa hạn chế tình trạng đầu cơ, vừa để bất động sản không bị bỏ hoang mà đưa vào khai thác với giá bán không quá cao, tránh bóp nghẹt thị trường. Bởi thị trường bất động sản cũng là một thị trường hàng hóa, nếu can thiệp quá sâu bằng các biện pháp hành chính sẽ gây "tác dụng phụ", ảnh hưởng đến các ngành nghề kinh tế khác.

"Nếu bây giờ cho thực thi ngay việc đánh thuế với người sở hữu bất động sản thứ 2 trở lên có thể dẫn đến tình trạng thi nhau bán tháo, gây rủi ro lớn đến hệ thống ngân hàng, mất thanh khoản, đóng băng thị trường, giảm nguồn thu ngân sách, khủng hoảng nền kinh tế”, ông Thịnh nói.

Ngoài ra, ông còn cho rằng, khi đánh thuế luỹ tiến, người dân sẽ chẳng còn mấy mặn mà với kênh bất động sản. Đây là lý cho khiến nhiều chuyên gia cũng lo ngại rằng việc áp thuế không đúng và trúng có thể gây ra phản ứng ngược, khiến thị trường bất động sản rơi vào tình trạng “đóng băng”.

Trước thực trạng giá bất động sản, nhà ở liên tục tăng mạnh từ đầu năm đến nay, Bộ Xây dựng đã đề xuất một số giải pháp nhằm giảm giá nhà ở, bất động sản và ổn định thị trường. Đáng chú ý, trong đó, Bộ Xây dựng đã đề cấp đến vấn đề đánh thuế đối với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất để hạn chế hoạt động đầu cơ, việc mua đi bán lại nhà đất trong thời gian ngắn để kiếm lời.

Theo Bộ Xây dựng, nhân tố góp phần đẩy giá nhà tăng cao thời gian qua có sự "góp mặt" của một số chủ đầu tư, nhóm nhà đầu tư, đầu cơ và môi giới bất động sản.