Từ 25/10, quận 1, TP.HCM tiếp tục thu phí sử dụng tạm thời một phần vỉa hè đủ điều kiện làm điểm kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa đối với 41 tuyến đường trên địa bàn.
Ghi nhận của PV Dân Việt, tại 41 tuyến đường, đa số hộ kinh doanh chấp hành tốt, vỉa hè thông thoáng. Nhiều người dân phấn khởi vì mỹ quan đô thị tại quận trung tâm TP.HCM đã trở nên gọn gàng, ngăn nắp, có lối đi riêng dành cho người đi bộ.
Như vậy, đến nay, quận 1 có 52 tuyến đường triển khai thu phí vỉa hè.
"Tôi đồng tình với việc triển khai thu phí vỉa hè, nhất là khu vực trung tâm, nó giúp giữ gìn trật tự lòng lề đường, các hộ buôn bán, kinh doanh cũng nề nếp hơn, Nhà nước thì có thêm ngân sách", bà Trần Mai (trú quận) 1 nói.
Cạnh đó, nhiều người dân kiến nghị, sau khi triển khai thu phí vỉa hè, lực lượng chức năng nên đi kiểm tra thường xuyên, tránh trường hợp sử dụng vỉa hè tự phát, gây mất an toàn giao thông.
Trước đó, ngày 9/5, UBND quận 1 bắt đầu áp dụng thí điểm việc thu phí vỉa hè đối với 11 tuyến đường đủ điều kiện.
Sau hơn 5 tháng triển khai, theo đánh giá của UBND quận 1, trật tự đô thị và mỹ quan khu vực trung tâm dần ổn định, nề nếp hơn, lối đi dành cho người đi bộ được đảm bảo, không xảy ra xung đột giao thông hay ảnh hưởng đến an toàn của người đi bộ và phương tiện.
Bên cạnh đó, việc đăng ký sử dụng vỉa hè được quận triển khai qua phần mềm "Tra cứu và đăng ký sử dụng tạm thời hè phố quận 1" giúp người dân tra cứu nhanh chóng, thuận tiện, việc nộp phí minh bạch.
Việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường vỉa hè đã được HĐND TPHCM khóa X thông qua tại kỳ họp thứ 11 vào tháng 9/2023. Từ 1/1/2024, TP.HCM áp dụng quy định mới về quản lý lòng đường, hè phố với mức thu 20.000 - 350.000 đồng/m2/tháng.
Vỉa hè cho thuê phải rộng từ 3m trở lên, phần diện tích kinh doanh sẽ bố trí ở phía nhà dân và chừa lại ít nhất 1,5m cho người đi bộ.
Trước đó, tại buổi họp báo kinh tế - xã hội, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM thông tin, TP.HCM thu được gần 5 tỷ đồng từ vỉa hè, trong đó Sở GTVT thu khoảng 1,554 tỷ đồng đối với các hoạt động văn hóa, bố trí công trình tiện ích phục vụ giao thông công cộng là trạm xe đạp khoảng 1,554 tỷ đồng;
Các quận 1, quận 3, quận 10, quận 12 thu khoảng 3,245 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa, trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng công trình, văn hóa trên hè phố khoảng 3,245 tỷ đồng.
Lãnh đạo Sở GTVT nhìn nhận, việc thu phí vỉa hè đã tạo được sự đồng thuận từ người dân, tâm lý ổn định khi sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố đúng theo quy định; góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường.
Từ đó, từng bước tác động, điều chỉnh nhận thức, hình thành thói quen, hành vi tích cực của nhiều tổ chức, cá nhân liên quan đến việc sử dụng lòng đường, hè phố.
Phường Tân Định có 4 tuyến gồm: đường Hoàng Sa, Nguyễn Hữu Cầu, Trần Quang Khải, Võ Thị Sáu.
Phường Đa Kao có 9 tuyến gồm: Điện Biên Phủ, Đinh Tiên Hoàng, Hoàng Sa, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Văn Giai, Nguyễn Văn Thủ, Trần Cao Vân.
Phường Phạm Ngũ Lão có 7 tuyến là Bùi Thị Xuân, Cống Quỳnh, Đề Thám, Nguyễn Cư Trinh, Phạm Ngũ Lão, Tôn Thất Tùng, Trần Hưng Đạo.
Phường Cầu Ông Lãnh có 7 tuyến gồm Cô Bắc, Cô Giang, Đề Thám, Nguyễn Thái Học, Võ Văn Kiệt, Trần Hưng Đạo, Yersin.
Phường Cô Giang 1 tuyến là Võ Văn Kiệt, phường Cầu Kho có 2 tuyến gồm Võ Văn Kiệt, Trần Hưng Đạo.
Phường Nguyễn Cư Trinh có 5 tuyến gồm Cống Quỳnh, Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Thị Minh Khai, Phạm Viết Chánh, Trần Hưng Đạo.
Phường Bến Thành có 3 tuyến gồm Lê Thánh Tôn, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh.
Phường Bến Nghé có 22 tuyến gồm: Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Hai Bà Trưng, Hải Triều, Hàm Nghi, Hàn Thuyên, Hồ Huấn Nghiệp, Hồ Tùng Mậu, Huỳnh Thúc Kháng, Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Nguyễn Huệ, Nguyễn Văn Chiêm, Pasteur, Phan Văn Đạt, Thi Sách, Tôn Đức Thắng, Tôn Thất Đạm, Tôn Thất Thiệp.