Chợ vắng bóng tiểu thương
Chúng tôi đến công trình chợ mới huyện Sa Thầy vào đầu tháng 11/2024. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Dân Việt, khu chợ hiện trở thành địa điểm cho một "Công ty biễu diễn nghệ thuật và các trò chơi dân gian" thuê làm nơi biểu diễn.
Khu chợ không có một bóng tiểu thương buôn bán và có dấu hiệu xuống cấp. Nhiều trụ cột khu chợ đã bị bong tróc lớp tường. Các ổ điện không còn bám vào tường, treo lơ lửng tại các cột gây phản cảm. Cùng với đó, công trình nhà vệ sinh bẩn thỉu, không có nước dẫn vào bồn rửa tay, nước chảy lênh láng ra ngoài…
Công trình chợ mới có tổng mức đầu tư hơn 4,8 tỷ đồng, trong đó kinh phí xây dựng hơn 3,4 tỷ đồng nhưng hoạt động không hiệu quả như người dân mong muốn.
Ông Phạm Hồng Quý – Phó Giám đốc Trung tâm Môi trường và Dịch vụ đô thị huyện Sa Thầy, cho biết đơn vị được giao quản lý chợ mới, hằng tuần đơn vị cắt cử nhân viên đến mở cửa, dọn dẹp chợ, bơm nước.
Trước đây khu chợ hoạt động rất sôi nổi, hiệu quả. Sau dịch Covid-19, chợ dần vắng bóng tiểu thương. Huyện đã đưa ra phương án lấy khu chợ mới làm chợ phiên vào chủ nhật hằng tuần và vận động cán bộ, người dân trên địa bàn huyện mang các nông sản là "cây nhà lá vườn" đến mua bán. Thời gian đầu, phương án này hoạt động hiệu quả nhưng sau này thì dần vắng bóng tiểu thương.
"Vì Trung tâm được giao quản lý chợ nhưng không có nguồn thu từ khu chợ mới nên không có kinh phí để sửa chữa, khắc phục các sự cố, hạng mục xuống cấp. Đơn vị chỉ khắc phục về việc cấp nước phục vụ cho chợ hoạt động", ông Quý nói.
Đầu tư hơn 12 tỷ làm bến xe nhưng chưa thu được đồng nào
Năm sát công trình chợ mới là công trình bến xe huyện Sa Thầy cũng không mang lại hiệu quả như người dân kỳ vọng. Hiện công trình này đang trở thành bãi tập kết xe, vật liệu của một công ty trên địa bàn.
Ông Hồ Văn Đức (52 tuổi, Gia Lai) – Chủ đầu tư công trình bến xe huyện Sa Thầy, cho hay, công trình bến xe huyện Sa Thầy được ông đầu tư hơn 12 tỷ đồng nhưng nhiều năm qua vẫn chưa thu lại được đồng nào. Trước khi đầu tư, tôi cũng mong muốn bến xe sẽ hoạt động hiệu quả. Thế nhưng, khi bến xe đi vào hoạt động thì lại không có doanh nghiệp kinh doanh vận tải đến đăng ký hoạt động, người dân cũng không đến đây để đón xe.
"Ngày nay, công nghệ hiện đại nên người dân chỉ dùng điện thoại gọi điện, gửi thông tin vị trí cho các nhà xe là được đón tận nhà. Hơn nữa, khoảng cách từ Sa Thầy và thành phố khá gần, khoảng 30km, nên nhiều người chọn phương án chạy xuống bến xe tỉnh để đón xe. Tôi mong muốn, trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần có phương án để dự án hoạt động mang lại hiệu quả", ông Đức nói.
Là người dân sinh sống trên địa bàn huyện Sa Thầy, anh Nguyễn Bảo Phi Hùng (xã Ya Xiêr) chia sẻ: "Mỗi lần tôi đi xe khách vào những thành phố khác, các nhà xe đều có xe trung chuyển đến đón, không cần ra bến xe huyện. Tôi thấy công trình bến xe huyện được xây dựng rất lớn nhưng không mang lại hiệu quả".
Ông Hoàng Văn Hào – Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Sa Thầy, cho biết sau khi bến xe đi vào hoạt động, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đăng ký hoạt động.
Tuy nhiên, sau khi tính toán lại, để vận hành bến xe, cần có nhân lực để bán vé, bảo vệ… khả năng cao sẽ không có lợi nhuận nên hiện tại doanh nghiệp vẫn chưa thể hoạt động. Do vậy hiện tại bến xe hoạt động không hiệu quả như mong đợi.