Dân Việt

Các hồ sơ nhà đất tại TP.HCM bị ách tắc hiện nay rơi vào những trường hợp nào?

Gia Linh - Xuân Huy 07/11/2024 20:48 GMT+7
Sở Tài Nguyên và Môi Trường TP.HCM cho biết hiện nay thành phố đang ách tắc nhiều hồ sơ nhà đất từ các năm trước và các trường hợp đặc biệt khó thẩm định giá đất.

Liên quan đến tình hình hồ sơ nhà đất tại TP.HCM, tại buổi họp báo kinh tế xã hội chiều 7/11, ông Đào Quang Dương - Phó Trưởng phòng Kinh tế đất, Sở Tài Nguyên và Môi Trường TP.HCM cho biết thời gian qua, các hồ sơ nhà đất tại TP.HCM bị ách tắc hiện nay rơi vào các trường hợp các hồ sơ cũ quyết định giao đất theo Luật đất đai 1993 và 2003, tức là cách đây nhiều năm về trước. Trường hợp tiếp theo là các hồ sơ cho thuê đất hàng năm, đây là những trường hợp đặc thù chưa xác định giá đất đối với các bệnh viện, trường học, khu công viên, sở thú… 

"Các trường hợp này thu thập thông tin để xác định giá đất rất khó khăn, thậm chí không thể thực hiện được. Vì vậy, việc thuê đơn vị tư vấn gặp nhiều khó khăn. Có những trường hợp Sở Tài Nguyên và Môi Trường thuê đơn vị tư vấn đến 30 lần để xác định giá đất, có trường hợp thuê đơn vị tư vấn mất 2-3 năm chưa ra được thông tin để trình hội đồng", ông Dương chia sẻ.

Các hồ sơ nhà đất tại TP.HCM bị ách tắc rơi vào những trường hợp nào?- Ảnh 1.

TP.HCM tồn đọng nhiều hồ sơ nhà đất chờ được giải quyết. Ảnh: Gia Linh

Đại diện Sở Tài Nguyên và Môi Trường cho hay trước tình hình trên, đơn vị đã đề ra nhiều giải pháp để kiến nghị các cơ quan tháo gỡ. Đơn cử, năm 2022, Sở đã tham mưu thành phố văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ các trường hợp đó được áp dụng theo công thức lấy bảng giá đất nhân hệ số điều chỉnh giá đất. Kiến nghị này Chính phủ đã chuyển về cho Bộ Tài Nguyên và Môi Trường và đưa vào dự thảo Luật Đất đai 2024.

Sau khi Luật Đất đai 2024 được thông qua, Sở đã đề xuất tất cả các trường hợp giao thuê đất theo Luật Đất đai 1993, 2003 và các trường hợp cho thuê đất hàng năm đặc biệt theo Luật Đất đai 2013. Nội dung kiến nghị này đã được đưa vào Nghị định và đã được ban hành.

Qua đó, nhiều hồ sơ đã tìm được cách tháo gỡ. Thống kê của Tài Nguyên và Môi Trường có 75 trường hợp như vậy, đang làm thủ tục chuyển hồ sơ cho Cục thuế để thông báo thu tiền thuê đất hàng năm. Đối với trường hợp có quyết định giao đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo Luật Đất đai 1993 và 2023 thì quy định tại điều 63, tức là cho phép lấy bảng giá nhân hệ số. Tuy nhiên, tại thời điểm này chưa có hệ số, vì vậy, Sở Tài Nguyên và Môi trường đang phối hợp các sở ngành để tham mưu xác định hệ số này. Hiện tại, các đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ, kỳ vọng đến quý I/2025 sẽ có hệ số và Cục Thuế sẽ có căn cứ để thu tiền sử dụng đất.

Với các giải pháp trên, thành phố đã giải quyết được trên 150 hồ sơ thuộc các trường hợp này. Còn đối với các hồ sơ còn lại, căn cứ theo Nghị định 71 quy định rõ các phương pháp định giá đất cũng như cách thức thu thập thông tin, lượng hoá để xác định giá đất. Sở Tài Nguyên và Môi trường đang đẩy nhanh công tác để trình hội đồng thẩm định giá đất, dự kiến từ đây đến cuối năm sẽ có khoảng 2 hồ sơ xác định giá đất cụ thể.

Phó Trưởng phòng kinh tế đất, Sở Tài Nguyên và Môi Trường TP.HCM cũng khẳng định việc ách tắc trong xác định giá đất không làm ảnh hưởng đến các dự án đầu tư và phát triển hạ tầng trên địa bàn thành phố. Thực tế, thời gian qua, trên địa bàn thành phố triển khai rất nhiều dự án về hạ tầng như đường Vành đai 3, các sở ngành đã phối hợp để phê duyệt giá đất tiến hành công tác bồi thường rất nhanh.