Cục Cảnh sát hình sự (C02) vừa thông tin về kết quả đấu tranh triệt phá băng nhóm tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia hoạt động mua bán, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng do Phạm Đức Bình (tức Bình "kiểm", SN 1970, quê Móng Cái, Quảng Ninh) cầm đầu.
C02 xác định, sau khi ra tù, Phạm Đức Bình tiếp tục có biểu hiện rủ rê, lôi kéo, tụ tập "đàn em" móc nối với các bạn tù và đối tượng hình sự để hình thành băng nhóm.
Bình đã bàn bạc với đồng bọn lên kế hoạch góp tiền để mua vũ khí quân dụng và tổ chức sự kiện mời một số người mẫu, ca sĩ nổi tiếng tham gia sau đó sẽ bắt cóc, sử dụng vũ khí đe dọa, cưỡng ép quan hệ tình dục và quay clip.
Bình dự định chuyển các clip này cho đồng bọn tại Mỹ để phát tán trên các trang website khiêu dâm nhằm kiếm tiền.
Để thực hiện kế hoạch, các đối tượng đã tiến hành gặp gỡ kêu gọi góp tiền đầu tư, phân công nhiệm vụ cho các đối tượng, dự kiến thời gian, địa điểm thực hiện.
Bên cạnh đó, thông qua quan hệ xã hội, Bình "kiểm" đã liên hệ Nguyễn Tuấn An (trú tỉnh Hưng Yên, có nhiều tiền án) tìm mua cho Bình súng AK và đạn để chuyển về Việt Nam.
Đến nay, C02 đã khởi tố vụ án về các hành vi chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc và đánh bạc, không tố giác tội phạm; tàng trữ trái phép chất ma túy và khởi tố 16 bị can.
Trong đó, Phạm Đức Bình bị khởi tố về tội tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng và mua bán trái phép vũ khí quân dụng.
Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết, đây là vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, cơ quan điều tra đã khởi tố nhiều tội danh và bắt giữ nhiều đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục mở rộng điều tra vụ án này để bắt giữ các đối tượng khác có liên quan, xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời làm rõ hành vi của các bị can, hậu quả nguy hiểm do hành vi phạm tội gây ra.
Theo quy định của pháp luật, vũ khí quân dụng được quản lý theo Luật quản lý vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Ở Việt Nam hiện nay, chỉ có lực lượng vũ trang, lực lượng thực hiện nhiệm vụ đặc biệt mới được trang bị vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Đối với người dân bình thường, hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí là hành vi nguy hiểm cho xã hội, người thực hiện hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 304 Bộ luật hình sự. Hình phạt thấp nhất của tội danh này là 1 năm tù, cao nhất là 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Theo ông Cường, việc C02 bắt giữ nhiều đối tượng có vũ khí, có nhiều tiền án tiền sự, thu giữ vũ khí, ma túy là chiến công rất lớn, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho lực lượng phá án và nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Sau khi bắt giữ các đối tượng, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với các đối tượng về các tội danh khác nhau, phụ thuộc vào hành vi cụ thể và vai trò của từng đối tượng.
Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ lượng ma túy và các đối tượng này tàng trữ để có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự. Tội tàng trữ trái phép chất ma túy có khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù hoặc tù chung thân.