Chiều 8/11, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, đại biểu Phan Thị Thanh Phương (TP.HCM) đề cập tới việc quản lý quảng cáo trên mạng xã hội. Trong đó xuất hiện nhiều clip ngắn lồng ghép quảng cáo vào nội dung.
Theo nữ đại biểu, loại hình quảng cáo này có sức lan tỏa rất lớn, đòi hỏi cần phải có sự quản lý tổng thể và áp dụng công nghệ hiện đại để kiểm soát hiệu quả. Vì vậy, bà đề xuất cần điều chỉnh và bổ sung các nghị định dưới luật, tăng cường biện pháp xử lý làm gương nhằm nâng cao tính răn đe và hiệu quả thực thi.
Về trách nhiệm của người nổi tiếng khi quảng cáo sản phẩm, đại biểu Thanh Phương cho rằng, quy định này là cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, luật chưa làm rõ trách nhiệm của các chủ thể trong hoạt động quảng cáo. Thực tế, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phải chịu trách nhiệm chất lượng, sản phẩm quảng cáo. Còn người quảng cáo chuyển tải thông điệp của nhãn hàng, người tiêu dùng trên tài liệu, thông tin được cung cấp.
"Người nổi tiếng khó có khả năng kiểm chứng những thông tin được cung cấp đúng hay không. Do đó, nếu quy trách nhiệm liên đới của họ, đối chiếu với Luật Dân sự năm 2015 sẽ thấy hậu quả pháp lý khá nặng", bà Phương nói và đề nghị phải quy định cụ thể trách nhiệm của nhãn hàng, doanh nghiệp.
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho rằng, chúng ta phải chấp nhận quảng cáo có thổi phồng nhưng trong giới hạn, sản phẩm đó không ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng cũng như gây các thiệt hại khác cho cộng đồng, người sử dụng.
Trong các giải pháp để nhận biết quảng cáo không đúng sự thật, không đúng chất lượng, yếu tố trình độ phân biệt của xã hội rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay người dân vẫn tin vào quảng cáo, vì vậy chủ sản phẩm vẫn lợi dụng người nổi tiếng để quảng cáo.
Mặc dù vậy, theo bà Lan, quy định bắt người nổi tiếng phải dùng rồi mới được quảng cáo sản phẩm "e hơi khó".
Trên thế giới biết bao nhiêu người, nhất là hoa hậu, diễn viên, vận động viên... khi có thành tích cao, trở thành ngôi sao nổi tiếng, phần thưởng sẽ là giá trị quảng cáo tăng. Nếu thi đấu thua hoặc lỡ lời phát ngôn sai có thể bị hủy hợp đồng.
Vì vậy, người nổi tiếng quảng cáo là việc bình thường đang diễn ra cả thế giới, và không quốc gia nào bắt buộc được họ phải dùng thử. Nhiều mặt hàng, đơn cử mỹ phẩm, thực phẩm chức năng rất khó để làm. Chưa kể cần thời gian bao lâu để có thể xác nhận sản phẩm có tác dụng.
"Chẳng lẽ người nổi tiếng thừa nhận mắc bệnh, đặc biệt khi quảng cáo các loại thuốc tăng cường sinh lý nam giới. Điều này rất phiền, làm sao để trả lời có kết quả", bà Lan nói và đề nghị xem lại quy định này.
Nêu băn khoăn về quy định mới trong dự thảo Luật Quảng cáo, đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TP.HCM) cho rằng, một sản phẩm không vi diệu tới mức dùng xong có kết quả ngay. Ví dụ 1 mỹ phẩm sử dụng trong 1 tuần, 1 tháng không có kết quả ngay được.
"Để người đứng ra quảng cáo phải sử dụng sản phẩm, đó là mong muốn của chúng ta nhưng làm được cực khó", bà Kim Yến nêu quan điểm.
Đề nghị xem lại quy định này, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, hiện nay chúng ta có tình trạng "nắm người có tóc" như báo, đài chính thống siết quy định xét duyệt quảng cáo rất chặt nhưng những dạng quảng cáo trên mạng xã hội, Zalo... lại chưa quản lý được.
Từ thực tiễn hoạt động của Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, đại biểu chia sẻ sở lập riêng một bộ phận chỉ lọc quảng cáo, khi quảng cáo có chất lượng và nội dung đáng ngờ chuyển thanh tra để xử lý.
Dù vậy khi xử lý cũng có trường hợp các sản phẩm, ví dụ thực phẩm chức năng ghi rõ tên tuổi, xuất xứ, địa chỉ sản xuất nhưng khi được mời lên, chủ sản xuất không thừa nhận, đổ lỗi vòng quanh. Cơ quan chức năng khó khăn mới xử lý được.
"Tôi đề nghị có những cách, giải pháp xử lý, trong đó phải có cơ sở pháp lý đủ mạnh để chế tài được các chủ sản xuất hàng hóa kém chất lượng, sai sự thật... Nếu không sẽ như bắt ma trơi, quy định không rõ ràng khi lên làm việc họ cãi dữ lắm", bà Lan đề nghị.