Dự thảo nghị quyết của HĐND TP.Hà Nội đã đưa ra lộ trình cụ thể để thực hiện vùng phát thải thấp. Theo đó giai đoạn 2025-2030, thành phố sẽ lựa chọn một khu vực ở quận Hoàn Kiếm để thí điểm, sau đó đánh giá hiệu quả và nhân rộng ở các quận huyện. Quận Hoàn Kiếm dự kiến áp dụng vùng phát thải thấp ở khu vực Hồ Gươm, vùng phụ cận và phố cổ với tổng diện tích hơn 145 ha.
Đến năm 2031, thành phố khuyến khích tất cả quận, huyện xác lập vùng phát thải thấp. Đây là nội dung mới được Sở Tài nguyên và Môi trường bổ sung vào dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn Hà Nội.
Anh Nguyễn Văn Hòa, lái xe chạy taxi ở Hà Nội cho hay, hiện nay, không khí ở Hà Nội khá ngột ngạt, nhất là vào các giờ cao điểm, khi lượng phương tiện tăng cao. Việc này khiến nhiều người dân lo ngại các chất độc hại, ô nhiễm sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, cũng như sức khỏe của mọi người.
"Tôi cho rằng đề xuất hạn chế, tiến tới thay thế hoàn toàn phương tiện chạy xăng dầu gây ô nhiễm môi trường là quyết định cần thiết. Tôi rất ủng hộ Hà Nội sớm triển khai các giải pháp để cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay", anh Hòa nói.
Lái xe taxi có 10 năm kinh nghiệm như anh Hòa cho rằng, cơ quan chức năng thực hiện việc này cần có lộ trình, làm sao không để ảnh hưởng tới đời sống của các gia đình, nhất là đối với những gia đình coi xe máy là phương tiện mưu sinh hằng ngày.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đồng tình với đề xuất nêu trên. Ông nói rằng, khu vực quận Hoàn Kiếm có nhiều di tích lịch sử, trong đó có Hồ Gươm. Hằng năm, có rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến đây tham quan. Vì vậy, để thu hút được du khách cần có một bầu không khí trong lành, sự niềm nở đón khách của người dân Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay, bầu không khí ở Hà Nội hiện nay rất ngột ngạt, thậm chí theo số liệu quan trắc của cơ quan chức năng là ở mức "báo động". "Do vậy, tôi cho rằng đề xuất thí điểm hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm quanh khu vực Hồ Gươm, vùng phụ cận, phố cổ ở quận Hoàn Kiếm là hết sức đúng đắn và phù hợp trong bối cảnh hiện nay", ông Hòa nói.
Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho hay, để đề xuất đi vào cuộc sống, cơ quan chức năng cần phải quyết liệt trong việc thực hiện, đưa ra các giải pháp để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Mặt khác, việc tuyên truyền người dân sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường cũng hết sức cần thiết.
"Tôi nghĩ rằng, các phương án trên khi đi vào cuộc sẽ góp phần cải thiện môi trường ở Hà Nội, tạo sự thông thoáng cho khu vực nội đô, cải thiện hình ảnh Thủ đô trong mắt bạn bè quốc tế", ông Hòa nói.
Ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội nói rằng đây là một đề xuất hợp lý, nhất là trong bối cảnh các phương tiện tăng cao, chất lượng không khí ở Hà Nội không tốt.
Tuy nhiên, theo ông, để thực hiện được việc này, cơ quan chức năng cần phải phân loại được các loại phương tiện xe chạy dầu, xe chạy xăng, xe nào chạy bằng để điện….Và để từ đó, có các phương án phù hợp cho từng loại phương tiện.
"Cũng cần phải có khảo sát, nghiên cứu kỹ việc hạn chế các phương tiện gây ô nhiễm ở thời điểm năm sau sẽ tác động như thế nào tới người dân. Trước mắt, tôi cho rằng chúng ta cần phát triển mạnh mẽ hệ thống metro, xe điện để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đồng thời bảo vệ môi trường", ông Liên nói thêm.
Theo ông Liên, cơ quan chức năng cũng cần tính tới phương án đối với những gia đình sống trong khu vực quận Hoàn Kiếm, trường hợp, họ không chuyển sang dùng xe điện sẽ có giải pháp xử lý ra sao?
Rồi Hà Nội hiện nay cũng chưa có mạng lưới cơ sở kiểm tra khí thải đối với phương tiện giao thông đang lưu hành. Mạng lưới trạm quan trắc chất lượng môi trường không khí tại thành phố chưa đầy đủ. Thành phố chưa có số liệu kiểm kê phát thải cập nhật và thường kỳ, đặc biệt từ nguồn khí thải giao thông để làm cơ sở đánh giá thực thi chính sách.
"Tôi cho rằng cần phải có một giải pháp tổng thể, có khảo sát kỹ lưỡng từ nhu cầu của người dân, đến tác động khi cấm phương tiện. Cái quan trọng nữa, phải có nhiều giải pháp cho người dân lựa chọn khi chuyển đổi", ông Liên chia sẻ.
Trong khi đó, luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính phân tích, việc thí điểm hạn chế phương tiện gây ô nhiễm tại Quận Hoàn Kiếm là kế hoạch phù hợp để hướng tới xây dựng thành phố xanh, sạch đẹp, cần kiểm soát những phương tiện không đạt tiêu chuẩn, hết niên hạn sử dụng, gây ô nhiễm không khí, tiếng ồn...
Hiện nay phần lớn người dân Hà Nội đặc biệt là người dân có mức sống thấp đang phải phụ thuộc vào phương tiện xe máy là phương tiện mưu sinh, nên theo luật sư Khuyên khi nghiên cứu áp dụng quy định cấm xe máy trong khu vực nội thành cũng cần đánh giá tác động để có đề xuất phù hợp.
"Cá nhân tôi chỉ tán thành giải pháp cấm phương tiện xe máy khi đã có những khảo sát tỷ lệ dân cư, loại hình nghề nghiệp có sử dụng xe máy để lưu thông hằng ngày. Trường hợp người dân còn sử dụng phương tiện xe máy để làm phương tiện chính đi lại, kiếm sống trong khi hạ tầng giao thông công cộng chưa đáp ứng thì cần phải cân nhắc thêm", luật sư Khuyên chia sẻ.
Luật sư Khuyên cho biết thêm, chỉ nên rà soát các phương tiện gây phát thải khi gây ô nhiễm, hết niên hạn sử dụng để cấm, khi có đầy đủ cơ sở hạ tầng mạng lưới giao thông công cộng đô thị thì từng bước hạn chế phương tiện là xe máy, tránh áp dụng toàn bộ đại trà gây tác dụng ngược và khiến dư luận xã hội lo lắng.
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải, đến hết tháng 4/2024 thành phố có hơn 8 triệu phương tiện, trong đó trên 1,1 triệu ôtô và hơn 6,9 triệu xe máy với gần 73% xe đã sử dụng trên 10 năm.
Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá các phương tiện đã lưu hành nhiều năm mà không được kiểm soát về khí thải sẽ làm gia tăng mức phát thải thành phần gây ô nhiễm vào không khí. Đặc biệt, vào những khung giờ cao điểm hay các khu vực có mật độ phương tiện lưu thông cao và thường ùn tắc, khí thải từ phương tiện sẽ gây ngột ngạt, khó chịu cho những người tham gia giao thông và tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến phơi nhiễm với ô nhiễm.