Theo thông tin từ chương trình, những năm gần đây, thị trường bất động sản Việt Nam đã trải qua nhiều biến động mạnh mẽ. Sự điều chỉnh của các chính sách vĩ mô, những biến động của nền kinh tế toàn cầu, cùng với sự hoàn thiện của khung pháp lý đã tạo nên một bức tranh thị trường đa sắc thái, với cả những thách thức và cơ hội đan xen.
Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Bất động sản, cho biết: "Chu kỳ mới này đòi hỏi sự thích ứng nhanh nhạy, tầm nhìn chiến lược và tư duy đổi mới.
Các nhà đầu tư cần chủ động nghiên cứu, phân tích thị trường, nắm bắt thông tin và nâng cao năng lực quản trị, vận hành để đưa ra quyết định đầu tư hiệu quả. Bên cạnh đó, yếu tố minh bạch, chuyên nghiệp, thượng tôn pháp luật và đề cao đạo đức kinh doanh cũng đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng một thị trường bất động sản lành mạnh và phát triển bền vững".
Theo ông Lập, trong chu kỳ mới này đòi hỏi người tham gia thị trường ở sự thích ứng nhanh nhạy, tầm nhìn chiến lược và tư duy đổi mới. Các nhà đầu tư cần phải chủ động nghiên cứu, phân tích thị trường, nắm bắt thông tin và không ngừng học tập nâng cao trình độ năng lực để đưa ra quyết định kinh doanh có hiệu quả. Bên cạnh đó, cần phải có sự chuyên nghiệp, thượng tôn pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh và hướng đến sự phát triển bền vững.
Diễn đàn Bất động sản Quốc gia 2024 với chủ đề "Vững tâm vào chu kỳ mới" tập trung và các vấn đề cốt lỗi: Chiến lược phát triển kinh tế xã hội quốc gia và các gợi ý chiến lược cho ngành bất động sản; Pháp lý bất động sản; Xu hướng phát triển ngành bất động sản Việt Nam trong thời kỳ mới.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định, đang có nhiều rủi ro, thách thức ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế Việt Nam trong năm 2024 - 2025.
Trong đó, xung đột địa chính trị phức tạp, bảo hộ thương mại, biến đổi khí hậu... Đồng thời, tăng trưởng kinh tế toàn chậm lại (nhất là các nước như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU…) sẽ khiến cho đà phục hồi của xuất khẩu, du lịch và đầu tư bị ảnh hưởng.
Đặc biệt, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn về pháp lý, chi phí đầu vào cao, đơn hàng phục hồi không đồng đều và thiếu bền vững, thiếu lao động… Nhất là rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn và thị trường bất động sản phục hồi chậm...
Mặc dù vậy, TS. Lực vẫn cho rằng, doanh nghiệp bất động sản trong thời gian tới vẫn có nhiều cơ hội. Có thể kể đến như các động lực tăng trưởng phục hồi khá, dù bất đồng đều (cầu tiêu dùng phục hồi, đầu tư tư nhân phục hồi, thu hút FDI tăng khá…).
"Để phát triển trong chu kỳ mới, các doanh nghiệp bất động sản cần tiếp tục cơ cấu lại hoạt động; kiểm soát rủi ro dòng tiền, nợ đáo hạn… Cùng với đó là chủ động tìm hiểu, tiếp cận các gói hỗ trợ, nhất là các gói hỗ trợ tài khoá, thuế phí, cơ cấu lại nợ… Đặc biệt chuẩn bị tốt cho các thực thi các luật mới (Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản…)", TS. Lực gợi ý.