Chiều 8/11, Công an TP Đà Nẵng thông tin kết quả điều tra ban đầu về Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư GFDI (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng).
Theo Công an TP Đà Nẵng, Công ty GFDI thành lập ngày 17/5/2018, vốn điều lệ 80 tỷ đồng, địa chỉ trụ sở chính tại số 92, đường 29/3 (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ).
Công ty do ông Nguyễn Quang Hoàng là Giám đốc, người đại diện pháp luật đồng thời là Chủ tịch Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty.
Từ khi thành lập đến nay, ông Nguyễn Quang Hoàng xây dựng mô hình kinh doanh của công ty theo hướng vay tiền của người dân bằng hình thức ký kết hợp đồng vay tài sản.
Từ tháng 11/2023, việc đầu tư kinh doanh thua lỗ, mất khả năng tài chính nên để duy trì hoạt động công ty, Nguyễn Quang Hoàng đã tổ chức, chỉ đạo cho nhân viên lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng dưới hình thức ký hợp đồng vay tiền, sử dụng tiền vay của người sau trả cho người trước.
Đến đầu tháng 11/2024, Công ty GFDI mất khả năng chi trả cho 7.541 khách hàng với tổng số tiền dư nợ gốc hơn 3.700 tỷ đồng.
Ngày 8/11, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Đà Nẵng đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an thành phố khám xét khẩn cấp tại trụ sở chính của Công ty GFDI và nhà riêng của Nguyễn Quang Hoàng cùng các đối tượng có liên quan.
Qua khám xét đã thu giữ được nhiều tài liệu, dữ liệu điện tử và tài sản có liên quan đến hành vi phạm pháp của các đối tượng, phục vụ công tác điều tra.
Công an Đà Nẵng cho biết thời gian tới, Phòng cảnh sát kinh tế sẽ tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý nghiêm hành vi vi phạm của ông Nguyễn Quang Hoàng cùng các tổ chức, cá nhân liên quan và tích cực xác minh, thu hồi tài sản phục vụ giải quyết hậu quả, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân liên quan vụ việc.
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, thời gian qua xuất hiện nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc huy động vốn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây bức xúc trong dư luận xã hội, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của nhiều tổ chức cá nhân, nhiều trường hợp đã bị khởi tố, xử lý hình sự nhưng tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp.
Theo quy định của pháp luật, chỉ có các tổ chức tín dụng mới được quyền thực hiện các hoạt động tín dụng, trong đó có hoạt động cho vay, đi vay và các hoạt động tài chính theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng.
Đối với hoạt động kinh doanh theo mô hình đa cấp, đây là hoạt động kinh doanh có điều kiện, có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Còn đối với các doanh nghiệp không đăng ký hoạt động kinh doanh theo mô hình đa cấp, không đăng ký hoạt động tín dụng theo Luật các tổ chức tín dụng sẽ không được phép huy động vốn, trả lãi suất tiền gửi như huy động vốn của ngân hàng và các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, thời gian qua có một số doanh nghiệp "phông bạt", đánh bóng thương hiệu để thực hiện hoạt động huy động vốn theo mô hình đa cấp, lấy tiền của người sau trả cho người trước, thực tế không có hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động kinh doanh chỉ là hình thức để rửa tiền, che giấu hình thức huy động vốn trái phép.
Trong vụ việc liên quan đến Công ty GFDI, theo ông Cường, trường hợp kết quả xác minh cho thấy chủ doanh nghiệp đã đưa ra thông tin gian dối để người dân chuyển tiền rồi chiếm đoạt với số tiền từ 2 triệu đồng trở lên thì có thể bị khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can người quản lý doanh nghiệp về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự.
Điều 174 Bộ luật hình sự quy định, người nào lừa đảo, chiếm đoạt tiền từ 500 triệu đồng trở lên có thể sẽ đối mặt với hình phạt là phạt tiền từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Trong vụ việc này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ phương thức thủ đoạn huy động vốn, việc sử dụng vốn và ý thức chiếm đoạt tài sản của các đối tượng có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đã có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam với các đối tượng có liên quan để xử lý về tội danh nêu trên.