Với cảnh sắc núi non hùng vĩ, sông nước hữu tình, làng cá Thẩm Phé (Mường Kim, Than Uyên) đã và đang là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa. Cách trung tâm xã Mường Kim, huyện Than Uyên khoảng 25km về phía Tây, làng cá Thẩm Phé "tọa lạc" ở vị trí đắc địa trên lòng hồ thủy điện Bản Chát mênh mông nước.
Đến với làng cá Thẩm Phé, du khách không chỉ được tận hưởng những trải nghiệm thú vị thông qua việc câu cá trên lòng hồ, mà còn có thể tìm hiểu đời sống cùng với những nét văn hóa đặc sắc của người dân bản địa. Các nhà bè nổi trên mặt hồ là nơi nuôi và chế biến cá tươi để phục vụ du khách, tạo nên làng cá Thẩm Phé nổi tiếng xa gần. Đặc biệt, cùng với trải nghiệm câu cá bên các nhà bè, du khách còn có thể thưởng thức các món ăn đặc sản đậm chất Tây Bắc được chế biến từ cá như: Cá nướng trui, cá kho tộ, cá chưng tương…
Bên trên làng cá Thẩm Phé là đồi tình yêu. Đứng ở nơi này, du khách có thể ngắm toàn cảnh làng cá cũng như cảnh sắc núi non hùng vĩ, sông nước hữu tình. Ngắm cảnh sắc thiên nhiên nơi đây, ắt hẳn du khách sẽ mau chóng quên đi bao muộn phiền, mệt mỏi trong cuộc sống vốn nhiều ồn ào, tấp nập.
Cùng với làng cá Thẩm Phé, vài năm gần đây, Vịnh Pá Khôm cũng đã trở thành điểm đến lý tưởng của du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ, thiên nhiên hùng vĩ. Cách trung tâm huyện Than Uyên chừng 30km, thuộc xã Pha Mu, bên lòng hồ Thủy điện Bản Chát, Vịnh Pá Khôm được ví như "Vịnh Hạ Long" thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc. Sở hữu cảnh sắc sơn thủy hữu tình, Vịnh Pá Khôm đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách gần xa. Đến với Vinh Pá Khôm, du khách không chỉ được hòa mình vào cảnh sắc hoang sơ tuyệt đẹp, mà còn được chiêm ngưỡng những điệu múa, điệu xòe của các cô gái Mông, cô gái Thái nơi đây.
Vịnh Pá Khôm khiến nhiều du khách mê đắm bởi sự kết hợp hài hòa giữa những ngọn núi đá vôi cùng thảm thực vật phong phú sừng sững bên mặt hồ, tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp giữa núi rừng Tây Bắc. Cùng với vẻ đẹp hoang sơ, Vịnh Pá Khôm còn sở hữu khí hậu mát mẻ, trong lành, phong cảnh hữu tình, không gian yên tĩnh.
Ông Hoàng Phi Hùng - Chủ tịch UBND xã Pha Mu cho hay, với định hướng của huyện trong phát triển du lịch, xã đã thực hiện khảo sát các địa điểm có đặc trưng về văn hóa dân tộc gắn với du lịch trên địa bàn xã. Pha Mu tập trung phát triển điểm du lịch có các sản phẩm đặc trưng về văn hoá dân tộc gắn với du lịch sinh thái lòng hồ thủy điện, trải nghiệm đời sống sinh hoạt hàng ngày ngay tại bản. Với hướng đi đúng, Pha Mu đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách gần xa.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Trần Quang Chiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết: Những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với du lịch cộng đồng giai đoạn 2020-2025, huyện Than Uyên đã triển khai đồng bộ các giải pháp trong việc bảo tồn văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Việc nâng cao chất lượng, quy mô tổ chức các lễ hội như: Lễ hội Xòe chiêng, Lễ hội Lùng Tùng của dân tộc Thái gắn với phát triển du lịch, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, hội xòe giao lưu giữa các xã trong huyện và các bản trong xã cũng được huyện Than Uyên chú trọng. Huyện Than Uyên cũng đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu, sưu tầm nghệ thuật ẩm thực của dân tộc Thái tại Khu 9 (thị trấn Than Uyên); duy trì chế biến ẩm thực dân tộc phục vụ khách du lịch như: Ẩm thực dân tộc Khơ Mú tại bản Thẩm Phé, phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Bên cạnh đó, huyện Than Uyên thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chức năng, các xã, thị trấn khảo sát, đánh giá thực trạng bảo tồn và phát triển nghệ thuật "dân ca, dân vũ" của các dân tộc: Thái, Khơ Mú, Mông, Dao để làm cơ sở lựa chọn nội dung, địa điểm hỗ trợ truyền dạy. Các cơ quan chức năng của huyện cũng đã tổ chức nhiều lớp truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian (dân ca, dân vũ, dân nhạc) gắn với phát triển đội văn nghệ quần chúng, các câu lạc bộ văn hóa dân gian như nghệ thuật "Hát then - Đàn tính" dân tộc Thái (xã Mường Cang, xã Hua Nà) và nghệ thuật dân vũ dân tộc Khơ Mú (bản Thẩm Phé, xã Mường Kim).
Mặt khác, huyện Than Uyên cũng đặc biệt quan tâm đến công tác sưu tầm, phục dựng các mô hình kiến trúc nhà ở tại những điểm du lịch cộng đồng như: Nhà văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Than Uyên; không gian văn hóa dân tộc Thái tại trung tâm thị trấn Than Uyên, không gian văn hóa dân tộc Mông tại bản Nậm Pắt (Tà Mung, Than Uyên) phục vụ cho việc sinh hoạt văn hóa và quảng bá hình ảnh văn hóa và con người Than Uyên đến với đông đảo du khách gần xa.
Nhờ chọn đúng hướng đi cũng như có sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn và sự đồng tình hưởng ứng của người dân, du lịch Than Uyên ngày càng khởi sắc. Mỗi năm, Than Uyên đón cả trăm nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm.