Trong lịch sử, chuyện những mỹ nhân là chị em ruột cùng trở thành phi tần của một đế vương không phải là hiếm, nhưng việc tuyển lựa, sắc phong không đồng thời mà có người trước kẻ sau.
Riêng với Việt vương Triệu Quang Phục, ông chính là vị vua đầu tiên trong lịch sử lấy cùng một lúc ba chị em làm vợ, và chuyện này không chỉ xảy ra một lần.
Sách Thái Bình tỉnh thần tích có viết về sự tích Triệu Việt Vương lập cùng lúc ba phi tần, theo đó tại trang Nam Đường, huyện Chân Định (nay thuộc xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, Thái Bình), có vợ chồng ông Cao Thanh, vốn nhà lương thiện, người vợ sinh một lần được ba người con gái lớn lên tất cả đều xinh đẹp.
Cha mẹ đặt tên cho con gái lớn là Huệ Nương, gái thứ là Thục Nương, gái út là Tân Nương. Khi “Quang Phục lên ngôi Hoàng đế, đã có Hoàng hậu mà chưa có phi, vua bèn xa giá chu du thiên hạ gặp ba chị em Huệ Nương đưa về lập làm đệ nhất, đệ nhị và đệ tam cung phi”.
Bản thần tích làng Khúc Lộng (xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang, Hưng Yên) cũng cho biết thông tin về ba phi tần khác của vua.
Chuyện rằng xưa kia Khúc Lộng có tên là trang Cổ Lộng, ở đây có gia đình ông Bạch Sùng Công và bà Trần Thị Loan tính tình nhân hậu, thích làm việc thiện.
Hai vợ chồng sinh được ba người con gái da trắng như ngọc, mắt sáng như sao, mặt đẹp như hoa, đặt tên con là Châu Nương, Bảo Nương và Bạch Nương. Ba người con gái ấy trưởng thành, là những thiếu nữ đoan trang xinh đẹp, thùy mị nết na, hiếu thảo.
Một năm, ba chị em rủ nhau đi chơi hội chùa Phật Tích, tình cờ lúc ấy Triệu Việt Vương cũng ngự giá đi chùa lễ Phật, du xuân.
Trông thấy dung mạo ba cô gái, hỏi chuyện mới biết họ vẫn chưa thành gia thất, vua liền sai người đem sính lễ đến hỏi cưới. Khi ba nàng nhập cung, Triệu Việt Vương phong Châu Nương là Hoàng Bà Châu thái Quý phi, Bảo Nương là Bảo Thọ Bà Quý phi, Bạch Nương là Bạch Sam Hộ Quý phi.
Theo truyền tụng tại thôn Lộc Điền thuộc vùng Sơn Nam Hạ (nay là xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư, Thái Bình), một lần Bố Cái Đại vương Phùng Hưng ngự giá đến thôn Lộc Điền, nghe đồn trong vùng có gia đình họ Nguyễn sinh được hai con gái là Nguyễn Thị Hồng Loan và Nguyễn Thị Ngọc Nhị, đều là người thông minh, hiền thục, dung mạo đoan trang, phẩm hạnh đứng đắn, tài hoa đa nghệ nên lấy làm yêu mến.
Phùng Hưng bèn cho xa giá đến tận nhà, mang theo lễ vật hỏi cưới rồi phong cô chị làm Đệ nhất vương phi, cô em làm Đệ nhị vương phi.
Ông còn lập cho mỗi nàng một phủ đệ riêng tại quê hương, Đệ nhất vương phi phủ đệ ở thôn Lộc Điền, Đệ nhị vương phi phủ đệ ở làng Phú Chử. Thật là:
Duyên kim phận cải xe vương,
Những mừng dây sắn được nương bóng tùng.
Các đế vương xưa không chỉ “năm thê bảy thiếp là thường” mà có người có tới cả nghìn mỹ nữ trong hậu cung, nhưng một đế vương đến trực tiếp xin hỏi cưới và lấy cùng lúc hai chị em về làm vợ thì có lẽ trong lịch sử chỉ có một người, đó là Bố Cái Đại vương Phùng Hưng.
Vị hoàng đế này là Đinh Tiên Hoàng, người sáng lập ra triều Đinh, sách Đại Việt sử lược viết rằng vào năm Canh Ngọ (970) vua “lập 5 bà Hoàng hậu”. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho biết về hiệu của các hoàng hậu này là Đan Gia, Trinh Minh, Kiểu Quốc, Cồ Quốc và Ca Ông.
Vì lập quá nhiều hoàng hậu nên sử sách có chê trách Đinh Tiên Hoàng; trong sách Đại Việt sử ký toàn thư dẫn lời nhà sử học thời Trần là Lê Văn Hưu bàn rằng: “Trời đất cùng che chở, mặt trời, mặt trăng cùng sáng soi, cho nên mới sinh thành muôn vật, nuôi dưỡng muôn loài cũng như hoàng hậu sánh với ngôi vua, cho nên mới đứng đầu làm tiêu biểu cho trong cung và giáo hóa cho thiên hạ.
Từ xưa chỉ lập hoàng hậu một người để chủ việc nội trị mà thôi, chưa từng nghe thấy có năm hoàng hậu. Tiên Hoàng không có học vấn kê cứu đời xưa, mà bề tôi lúc bấy giờ lại không có người nào biết giúp sửa cho đúng, để đến nỗi lòng riêng đắm đuối mà lập năm hoàng hậu ngang nhau. Sau đến hai triều Lê, Lý cũng nhiều khi bắt chước làm thế, chính là do Tiên Hoàng khơi đầu mối loạn vậy”.
Về chuyện này, sử thần Ngô Thì Sĩ trong sách Đại Việt sử ký tiền biên còn viết thêm lời chê rằng: “Tiên Hoàng thì không biết sách vở, xướng xuất càn những việc nhàm cả lễ nghĩa, loạn phép luân thường…. Triều Lý, triều Lê đều noi theo việc trước, không biết cái sai của nó.
Nhà Đinh cố nhiên là đầu têu cho hai đời sau rồi, nhưng cái gương xấu ở ngay nhà Đinh mà nhà Lê, nhà Lý vẫn điềm nhiên làm theo không hề biết sợ, huống hồ đối với Đinh Tiên Hoàng thì trách làm gì!”.
Bộ sử lớn thời Nguyễn là Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng viết: “Đinh Tiên Hoàng đã không kê cứu cổ học, bầy tôi lại không ai biết sửa chữa cho, đến nỗi say đắm tình riêng, lập nên một loạt cả năm Hoàng hậu! Sau này, Lê, Lý, nhiều vua cũng bắt chước, làm theo, là do Đinh Tiên Hoàng đầu têu ra đó”.
Lý Thái Tổ là vị vua lập nhiều hoàng hậu nhất trong lịch sử, sau khi lên ngôi ông theo lệ của triều trước cũng lập nhiều hoàng hậu, sử chép: “Lập 6 hoàng hậu, duy có đích phu nhân gọi là hoàng hậu Lập Giáo, quy chế xe kiệu và y phục khác hẳn với các cung khác” (Đại Việt sử ký toàn thư). Đến tháng 3 năm Bính Thìn (1016) Lý Thái Tổ lại lập thêm 3 hoàng hậu nữa, như vậy tổng cộng ông có đến 9 hoàng hậu.
Nếu lần lập hoàng hậu trước, sử sách không bình luận gì, thì đến lần lập hoàng hậu lần thứ hai, trong sách Đại Việt sử ký tiền biên có chê rằng: “ Lý Thái Tổ năm mới lên ngôi đã lập 6 hoàng hậu, đến nay lại lập 3 hoàng hậu, tất cả là 9 hoàng hậu; nếu không phải thế thì bỏ các hoàng hậu trước mà lại lập các hoàng hậu này, tự ý làm càn, không theo điển lễ, so với nhà Đinh nhà Lê, sự lầm lỗi lại càng quá lắm, người gây dựng kỷ cương mà sắp đặt như vậy thì con cháu còn bắt chước vào đâu!”.
Vua nối tiếp là Lý Thái Tông cũng là một trong những vị vua lập nhiều hoàng hậu nhất, tháng 5 năm Mậu Thìn (1028) ông lập cùng lúc 7 hoàng hậu. Đến tháng 7 năm Ất Hợi (1035) vua lập thêm một người thiếp làm hoàng hậu Thiên Cảm đồng thời sắc lập các thứ bậc trong hậu cung đông tới 131 người.
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho biết: “Tháng 7, mùa thu. Làm lễ sách lập bà Thiên Cảm hoàng hậu. Hoàng hậu này là người vợ lẽ yêu của nhà vua, không rõ họ gì. Bấy giờ phong 13 người làm hậu phi, 18 người làm ngự nữ, hơn 100 người làm ca nữ”.
Còn Lý Thánh Tông lại là vị vua lập một lần nhiều hoàng hậu nhất, sách Đại Việt sử lược cho biết tháng 10 năm Giáp Ngọ (1054) sau khi lên ngôi kế vị, ông lập một lúc 8 hoàng hậu.
Đời Lý Nhân Tông, lên ngôi khi còn bé thơ mà đã lập 2 hoàng hậu, vị vua này được quần thần tôn làm hoàng đế vào tháng giêng năm Nhâm Tý (1072) khi mới 6 tuổi. Chính sử không nhắc đến việc tuyển mỹ nhân để vào cung trong năm Nhâm Tý (1072), riêng có sách Đại Việt sử lược cho hay cuối năm đó, Lý Nhân Tông “lập hai bà Hoàng hậu”.
Không rõ hai người con gái này xuất thân từ chốn dân gian hay con cháu các đại thần trong triều, nhưng chuyện một vị vua trẻ con mà đã lấy vợ, lại lập liền một lúc hai người làm Hoàng hậu thì xét trong lịch sử, Lý Nhân Tông là hoàng đế lấy vợ sớm nhất và là vị vua sắc lập hoàng hậu cũng sớm nhất.
Đến tháng giêng năm Ất Mùi (1115) Lý Nhân Tông ban chiếu lập một lúc 39 người gồm 3 hoàng hậu là Lan Anh, Khâm Thiên, Chấn Bảo và 36 cung nhân. Sử sách không bình luận gì về chuyện ấy mà chỉ cho hay, vì không có con trai nên vua mới phong tước hậu phi đông đến thế.
Dù ít được nhắc đến nhưng những ghi chép tản mạn trong chính sử, những truyền tụng dân gian và dã sử về việc sắc lập thứ bậc ở hậu cung cũng phần nào cho thấy những điều đặc biệt, khác lạ ở chốn cung môn, nơi chứa đựng rất nhiều bí mật về đời tư của các vị vua Việt Nam, và những chuyện trên đây chỉ là một phần trong số đó…