Dân Việt

“Bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương là người tạo ra không gian sáng tạo đầu tiên ở đất Thăng Long?

Tuệ Lâm 09/11/2024 16:00 GMT+7
Thời của "bà chúa thơ Nôm" Hồ Xuân Hương thì đất Thăng Long có Cổ Nguyệt đường. Cổ Nguyệt đường được xem là không gian sáng tạo đúng nghĩa khi chủ thể sáng tạo là những tầng lớp trí thức, văn sĩ...

Hồ Xuân Hương là người tạo ra không gian sáng tạo đầu tiên ở Thăng Long?

Tại buổi tọa đàm "Truyền thống - Văn hiến - Mạch dẫn không gian sáng tạo đương đại" ở Bảo tàng Hà Nội, khi chia sẻ về không gian sáng tạo, Thạc sĩ Phạm Minh Quân - Giảng viên Khoa Nghệ thuật và Thiết kế, trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội), Phó Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa bày tỏ rằng, nhìn trên bản đồ không gian văn hóa của Hà Nội thì trong bề dày lịch sử có rất nhiều mô hình cũng có thể coi là không gian sáng tạo.

“Bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương là người tạo ra không gian sáng tạo đầu tiên ở đất Thăng Long? - Ảnh 1.

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu tại buổi tọa đàm "Truyền thống - Văn hiến - Mạch dẫn không gian sáng tạo đương đại". Ảnh: VKT

Ví dụ như thời của "bà chúa thơ Nôm" Hồ Xuân Hương (giai đoạn cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX) thì đất Thăng Long có Cổ Nguyệt đường. Cổ Nguyệt đường gắn với "bà chúa thơ Nôm" Hồ Xuân Hương như một không gian dạy học, giao lưu và sáng tạo văn chương với các tao nhân, mặc khắc thời bấy giờ. Đây được xem là không gian sáng tạo đúng nghĩa khi chủ thể sáng tạo là những tầng lớp trí thức, văn sĩ… những tầng lớp hưởng thụ và thấu hiểu giá trị của văn chương nghệ thuật.

Theo nhiều tài liệu, Cổ Nguyệt đường có chữ Cổ Nguyệt ghép lại thành chữ Hồ. Cổ Nguyệt đường nhìn ra hồ Tây xanh bát ngát màu sen. Cổ Nguyệt đường thường đón các danh sĩ như: Phạm Quí Thích, Phạm Ðình Hổ (tác giả Vũ Trung tùy bút), Nguyễn Huy Tự (tác giả Hoa Tiên), Nguyễn Du, Mai Sơn Phủ, Tốn Phong, Cư Ðình, Trần Quang Tĩnh, và Trần Phúc Hiển... Có nhiều giai thoại về Hồ Xuân Hương ở Cổ Nguyệt đường khi xướng họa thơ và một đối thủ của bà là Chiêu Hổ, tương truyền chính là Phạm Đình Hổ (1768-1839). Một lần Chiêu Hổ đến thăm Hồ Xuân Hương có ý sỗ sàng liền bị Hồ Xuân Hương làm thơ "vặn" lại.

“Bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương là người tạo ra không gian sáng tạo đầu tiên ở đất Thăng Long? - Ảnh 2.

Tranh họa nữ sĩ Hồ Xuân Hương làm thơ tại Cổ Nguyệt đường. Ảnh: TL

TS. Phạm Trọng Chánh - người từng có nhiều nghiên cứu về Hồ Xuân Hương và Cổ Nguyệt đường cho rằng, Cổ Nguyệt đường là một ngôi nhà lớn do các học trò của cụ Hồ Phi Diễn (cha của Hồ Xuân Hương) chung góp tiền lại xây nhà mừng thọ thầy tròn 80 tuổi. Nhiều thuyết trùng nhau về quan điểm, cho rằng, Cổ Nguyệt đường của Hồ Xuân Hương ở cạnh chùa Kim Liên (nay thuộc Tây Hồ, Hà Nội). Và đó chính là không gian văn hóa sáng tạo của đất Thăng Long xưa, có các tiêu chí gần như trùng khớp với không gian văn hóa sáng tạo ngày nay.

"Rõ ràng, chúng ta thấy, không gian sáng tạo về mặt nội hàm, cao hơn một chức năng thông thường như không gian công cộng hay không gian tập thể. Không gian sáng tạo ở đây bao hàm của không gian về mặt địa hạt tinh thần", Thạc sĩ Phạm Minh Quân nói.

Hà Nội phải làm thế nào để phát huy được giá trị của các không gian sáng tạo?

Đề cập đến không gian văn hóa sáng tạo ở Hà Nội, TS. Nguyễn Quang – người có hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu và làm việc trong các lĩnh vực khác nhau cho rằng, mục tiêu của Hà Nội là xây dựng thành phố văn hiến, văn minh và hiện đại, trong đó, không thể chỉ nhắc đến sự giàu mạnh về tiềm lực kinh tế mà còn phải phát triển bền vững về văn hóa.

“Bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương là người tạo ra không gian sáng tạo đầu tiên ở đất Thăng Long? - Ảnh 3.

TS. Nguyễn Quang cho rằng, Hà Nội là nơi hội tụ rất nhiều tài nguyên văn hóa. Ảnh: VKT

"Hà Nội là nơi hội tụ rất nhiều tài nguyên văn hóa với bề dày lịch sử lên tới cả nghìn năm. Rất ít thủ đô trên thế giới có được những "lớp lang" lịch sử, thiên nhiên, con người phong phú và giàu có như vậy. Đây chính là những nguồn lực, tiềm năng mà Hà Nội cần khai thác để phát triển ngày càng vững mạnh" - TS. Nguyễn Quang nhấn mạnh.

Ngày 12/9/2024, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch về việc tổ chức các hoạt động Hà Nội tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2024 - 2025. Thực hiện kế hoạch này, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã ban hành văn bản về việc hình thành mạng lưới các không gian sáng tạo và triển khai tổ chức hoạt động trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo. Những động thái tích cực này cho thấy sự chuyển mình của thành phố đối với việc xây dựng và phát triển các không gian văn hóa nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của Thủ đô.

Buổi tọa đàm "Truyền thống - Văn hiến - Mạch dẫn không gian sáng tạo đương đại" tại Bảo tàng Hà Nội đã đóng góp nhiều ý kiến cho thấy được phần nào những giá trị độc đáo của văn hóa Hà Nội qua mạng lưới không gian sáng tạo đang được triển khai. Và thấy rõ hơn việc làm thế nào để các hoạt động trong không gian sáng tạo của bảo tàng giúp lan tỏa giá trị văn hóa Thủ đô ra các vùng miền khác và thậm chí là quốc tế.

Nói thêm về việc thu hút giới trẻ đến các không gian sáng tạo, TS. Nguyễn Quang cho rằng, muốn thu hút người trẻ phải nhìn văn hóa dưới lăng kính của họ. Chẳng hạn, các ca khúc mang đậm nét văn hóa dân gian đã được các ca sĩ trẻ hòa trộn trong tiết tấu mới mẻ, hiện đại, có khả năng lan truyền lớn không chỉ ở Việt Nam mà cả trên toàn cầu.

Hiện nay, cũng có nhiều nghệ sĩ ở các lĩnh vực kết hợp với nhau để sáng tạo ra những tác phẩm mang tính khác biệt. Bởi vậy, các không gian sáng tạo cần tạo cơ hội để nghệ sĩ trong nước cũng như nghệ sĩ quốc tế ở nhiều lĩnh vực có cơ hội gặp gỡ, từ đó có các sáng tạo mới đậm bản sắc, nhưng cũng mang tính toàn cầu và hội nhập…

"Tôi nghe See tình của Hoàng Thùy Linh thấy rất hấp dẫn vì nó truyền tải được nhiều nét dân ca của Việt Nam nhưng lại được trộn trong một tiết tấu sôi động, toàn cầu nên có khả năng lan truyền rất rộng.

Một nghệ sĩ cải lương được ví "ngọc bảo" của cải lương Việt Nam là bà Bạch Tuyết, gần 80 tuổi vẫn tạo lên những MV hàng triệu view nhờ kết hợp cải lương với hiphop, tạo nên giá trị văn hóa mới vừa dân tộc nhưng cũng rất đương đại. Nghệ thuật sáng tạo chính là tạo nên những khác biệt như vậy.

“Bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương là người tạo ra không gian sáng tạo đầu tiên ở đất Thăng Long? - Ảnh 4.

GS. Viện sĩ Ngô Xuân Bính. Ảnh: VKT

GS. Ngô Xuân Bính từng sống ở nước ngoài nhiều nhưng bằng tâm hồn dân tộc, sự thấu hiểu sâu sắc ở bên trong của văn hóa tri thức, văn hóa Việt và hội thức toàn cầu, ông đã có sự sáng tạo riêng biệt để đưa ra sản phẩm văn hóa vừa có tính thời đại, vừa có dấu ấn truyền thống dân tộc", TS Nguyễn Quang nhấn mạnh.

Theo TS. Nguyễn Quang: "Trong thế giới toàn cầu hóa, các lĩnh vực đan xen vào nhau, người nghệ sĩ nên thoát khỏi góc nhìn chuyên ngành chuyên biệt. Bảo tàng chính là nơi để nhiều không gian, lĩnh vực khác nhau gặp gỡ, rồi từ sự gặp gỡ đó sẽ tạo nên nhiều sự sáng tạo mới. Không gian đó không chỉ dành cho người Việt mà phải hướng đến toàn cầu".

Ở góc nhìn của người sáng tạo, GS. Viện sĩ Ngô Xuân Bính cho rằng, những gì ông làm trong suốt cuộc đời lao động nghệ thuật đều xuất phát từ khát vọng "làm sống lại giá trị của lịch sử" và "đưa một phần giá trị thực đến với cộng đồng".

Và trong thế giới phẳng hiện nay, sự khác biệt của một quốc gia là văn hóa. Không có những bài học nghìn năm về tinh thần dân tộc, đất nước sẽ rất bất ổn. Những câu chuyện lịch sử, huyền thoại của bà, của mẹ, nằm trong tiềm thức mỗi con người chính là dòng chảy kết nối.

"Sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại chính là tâm linh, hồn thức của dân tộc (thần phật, linh vật). Dân tộc chúng ta sống bằng huyền thoại nhiều. Nếu mất đi những câu chuyện, lời ru của mẹ thì chúng ta không còn gì", GS. Ngô Xuân Bính bày tỏ.

Theo GS. Viện sĩ Ngô Xuân Bính, cá nhân một người không thể tạo được dòng chảy văn hóa mà phải cả một thế hệ chung tay. Kiến trúc đô thị phải gắn với con người, không gian văn hóa phải đến từ những giá trị thực cụ thể là thị giác.

"Đi dạo trong một công viên, ngồi ngắm một bức tượng, tưởng là hư vô nhưng lại kích thích con người liên tưởng tới những câu chuyện, những ước mơ. Không gian đô thị tưởng đơn giản nhưng lại thắp lên trí tưởng tượng, tạo nền tảng tương lai cho thế hệ sau. Do vậy, Thủ đô Hà Nội cần có những định hướng đổi mới sáng tạo trong quy hoạch xây dựng không gian đô thị mà câu chuyện bắt nguồn từ văn hóa dân tộc", GS. Ngô Xuân Bính nói thêm.