Sáng nay (9/1), tại hội thảo Phát triển sản xuất phim đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học, đề cập đến những khó khăn mà các nhà làm phim về lịch sử vấp phải, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành có nhắc đến câu chuyện ồn ào đã qua của phim Đất rừng phương Nam.
Theo đó, vì những tranh cãi liên quan đến một số chi tiết có yếu tố lịch sử trong phim, đặc biệt là những lời thoại nhắc đến "Nghĩa Hòa đoàn" và "Thiên Địa hội" mà Cục Điện ảnh đã phải 3 lần lên báo cáo Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội. Trong đó, ở lần báo cáo cuối cùng, không khí rất căng thẳng.
Nguyên Cục trưởng Vi Kiến Thành trải lòng: "Câu chuyện Đất rất phương Nam là một câu chuyện kéo dài. Và lần thứ 3 thì không khí rất căng thẳng vì người ta muốn tìm ra một đơn vị hoặc một người nào đó nhận tội vì đã cho phép phim Đất rừng phương Nam được phát hành, phổ biến. Lúc đó, tôi đã nói rằng, nếu chúng ta phải tìm một ai để nhận trách nhiệm về chuyện phát hành phim để giải quyết khủng hoảng truyền thông thì không nên quy kết tội cho đoàn phim Đất rừng phương Nam vì tôi thấy họ không sai gì cả. Nếu việc đó là cần thiết để giải quyết khủng hoảng truyền thông thì cách tốt nhất là cách chức Cục trưởng Cục Điện ảnh, tức là tôi", ông Vi Kiến Thành nói.
Trước đó, lãnh đạo Cục Điện ảnh từng lý giải bộ phim Đất rừng phương Nam không đề cao, ca ngợi một hội nhóm nào mà chỉ ca ngợi lòng yêu nước chống lại ngoại xâm của người dân Nam Bộ trong thời kỳ đó bao gồm cả người Việt, người Hoa, người Khmer…
Nguyên Cục trưởng Vi Kiến Thành cũng nói thêm, trong lúc những ồn ào xoay quanh bộ phim Đất rừng phương Nam đang khiến không khí trở nên ngột ngạt, căng thẳng... có một Nghệ sĩ Nhân dân nổi tiếng đã nói với ông rằng: "Khi bộ phim Đất rừng phương Nam đang rộ lên, các nhà làm phim, các nghệ sĩ điện ảnh như là người nông dân đang cày cuốc dưới ruộng, còn trên bờ ruộng thì cường hào ác bá rất nghiệt, chửi mắng rất dữ dội. Tôi xin trích lại câu nói của một Nghệ sĩ Nhân dân như một bài học rất đáng nhớ của bản thân".
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng tiết lộ, cách đây 10 năm, Hội Nhà văn Việt Nam từng phải họp rất căng thẳng về một truyện ngắn của nhà văn Trần Quỳnh Nga liên quan đến nhân vật Thoát Hoan. Nhiều người cho nữ nhà văn là "gián điệp", "phản bội dân tộc" khi dám tả kẻ thù của đất nước là một chàng trai khôi ngô, tuấn tú… Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao lại tả về kẻ thù đẹp trai như vậy. Kẻ thù phải rất xấu xí, răng nanh, mắt đỏ. Đó là sự "phản bội nhân dân, phản bội tổ quốc, phản bội lịch sử".
"Tôi cho rằng, sự sáng tạo của nhà văn Trần Quỳnh Nga trong việc tả nhân vật Thoát Hoan là vô cùng có lý, chạm vào sự cốt lõi của văn học nghệ thuật. Đó là trong mỗi một kẻ thù, mỗi một con người đều có nhân tính nằm trong đó. Và nhiệm vụ của các nhà làm phim, các nhà văn là phải phát hiện ra nhân tính đó. Không phải một người xấu là tất cả đều xấu và không phải người tốt là cái gì cũng tốt cả. Cho nên, sự sáng tạo ở đây chứa đựng cả những tư tưởng nhân văn. Tôi cho rằng, sự sáng tạo rất mênh mông và vô cùng phong phú nhưng cuối cùng nó phải làm nhân tính con người được đẩy lên và được lan tỏa".
Chia sẻ tại hội thảo, nhà làm phim Trinh Hoan bày tỏ, khi bắt tay làm các bộ phim về đề tài lịch sử, các nhà làm phim thường phải đối diện với rất nhiều thách thức. Thách thức đầu tiên là phải đầu tư rất tiền nhiều quá nhưng làm sao để hòa vốn được.
Khó khăn thứ hai là sự nhìn nhận của công chúng đối với tác phẩm như thế nào. Số đông công chúng vẫn xem phim lịch sử là lịch sử hoặc như một phim tài liệu về lịch sử. Trong khi làm phim điện ảnh có quyền được sáng tạo một số chi tiết để bộ phim thêm hấp dẫn.
"Với vai trò và trách nhiệm của người làm phim về lịch sử là phải tôn trọng tính xác thực của lịch sử, không được xuyên tạc lịch sử. Để tránh được tâm lý bất ổn, bất an… khi làm phim lịch sử, đòi hỏi đạo diễn và biên kịch phải nghiên cứu lịch sử thật sâu.
Chúng ta phải biết về câu chuyện lịch sử mình sẽ đưa vào phim nhiều hơn tất cả những người biết về sự kiện đó. Tôi nghĩ đó chính là đạo đức nghề nghiệp khi chúng ta bắt tay vào sáng tạo một tác phẩm điện ảnh. Như PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội nói đó là đạo đức, văn hóa của những người làm phim.
Thứ nữa là chúng ta có một sự thật về tinh thần của những nhân vật đó. Chẳng hạn, chúng ta muốn làm một bộ phim về nhân vật lịch sử Trần Bình Trọng thì chúng ta muốn nêu cao tinh thần yêu nước và sự hy sinh của nhân vật này thì chúng ta phải làm sao đây? Trong tinh thần đó chúng ta làm nổi bật, bỏ qua hết các chi tiết không toát lên được tinh thần đó để kể ra bằng được con người bên trong của họ. Chúng ta cho khán giả thấy họ cũng là con người chứ không phải bậc thần thánh gì đó mà khán giả đương đại không thể kết nối được với họ".