Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2024, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HoSE: KBC) ghi nhận doanh thu thuần đạt 950 tỷ đồng, gấp 3,8 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn lại tăng mạnh hơn mức tăng của doanh thu (gấp 4,3 lần) kéo theo biên lợi nhuận gộp giảm từ 44,8% xuống còn 37,8%.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính gấp gần 2 lần lên gần 116,4 tỷ đồng. Đồng thời, chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng ghi nhận tăng bằng lần so với cùng kỳ năm trước.
Cuối cùng, Kinh Bắc báo lãi trước và sau thuế đạt 250,2 tỷ đồng và 201,4 tỷ đồng, lần lượt gấp 6 lần và gấp gần 11 lần so với quý 3/2023. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 196 tỷ đồng, gấp 39 lần cùng kỳ. EPS tăng từ 8 đồng lên 256 đồng.
Theo biên bản giải trình, lãnh đạo Kinh Bắc cho biết: Lợi nhuận quý 3 tăng là do trong kỳ Công ty ghi nhận doanh thu từ hoạt động kinh doanh khu công nghiệp (hơn 580 tỷ đồng).
Lũy kế 9 tháng, Kinh Bắc ghi nhận đạt 1.994 tỷ đồng doanh thu và 397,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng giảm 58% và 81% so với cùng kỳ. Với kế hoạch tham vọng năm 2024, doanh thu dự kiến đạt 9.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 4.000 tỷ đồng thì Kinh Bắc mới chỉ hoàn thành lần lượt 22% và 10% kế hoạch năm.
Tại thời điểm 30/9, tổng tài sản đạt 42.345 tỷ đồng, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, hàng tồn kho chiếm phần lớn nhất trong cơ cấu tài sản (31%) ở mức 13.236 tỷ đồng. Đây là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại các dự án của công ty này.
Cụ thể, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại dự án khu công nghiệp và khu đô thị Tràng Cát gần 8.381 tỷ đồng, khu đô thị Phúc Ninh có 1.117 tỷ đồng, khu công nghiệp và dân cư Tân Phú Trung gần 987 tỷ đồng, nhà ở xã hội thị trấn Nếnh gần 860 tỷ đồng, khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh có 575 tỷ đồng...
Các khoản phải thu ngắn và dài hạn là hơn 12.000 tỷ đồng. Công ty cũng đang sở hữu hơn 9.500 tỷ tiền mặt và tiền gửi, tăng gần 7.000 tỷ so với đầu năm. Số tiền này giúp Đô thị Kinh Bắc kiếm được hơn 1 tỷ tiền lãi mỗi ngày.
Vốn chủ sở hữu đạt 20.618 tỷ đồng, trong đó có gần 5.300 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Nợ vay tài chính ở mức gần 6.000 tỷ đồng trong đó hơn 90% là nợ dài hạn.
Trong báo cáo mới nhất của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá, Kinh Bắc sẽ cần thêm thời gian để tháo gỡ các vướng mắc pháp lý trước khi tiếp tục bàn giao thêm được đất đến khách hàng tại một số dự án khu công nghiệp lớn.
Chính vì vậy, Chứng khoán Vietcombank dự báo lãi ròng cả năm 2024 của Kinh Bắc đạt 535 tỷ đồng, giảm 74% so với năm 2023, tương ứng hoàn thành 14% mục tiêu lãi cả năm.
Đối với năm 2025, VCBS dự báo doanh thu Kinh Bắc có thể tăng lên 4.748 tỷ đồng, với lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 1.662 tỷ đồng, gấp 3 lần so với năm 2024. Động lực chính cho tăng trưởng này đến từ các dự án khu công nghiệp quy mô lớn mà Kinh Bắc đang triển khai.
Không chỉ dừng lại ở bất động sản công nghiệp, Kinh Bắc còn mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua hợp tác với các đối tác quốc tế trong lĩnh vực bất động sản du lịch.
Cuối tháng 9/2024, Kinh Bắc và Trump Organization công bố hợp tác chiến lược phát triển tổ hợp khách sạn 5 sao, sân golf quốc tế tại Hưng Yên, Việt Nam. Dự án này có tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 1,5 tỷ USD, với các tiêu chuẩn quốc tế hàng đầu.
UBND tỉnh Hưng Yên đã ký Biên bản ghi nhớ với các nhà đầu tư do Trump Organization lựa chọn, bao gồm Tập đoàn Phát triển Hưng Yên, Quỹ Đầu tư IDG và Horitus. Dự án này được kỳ vọng sẽ trở thành điểm nhấn trong hệ sinh thái bất động sản du lịch cao cấp của Kinh Bắc, đồng thời tạo cú hích cho kết quả kinh doanh của tập đoàn trong tương lai.
Vào ngày ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ (6/11), cổ phiếu KBC "nổi sóng", nhuộm sắc tím khi tăng 6,85% lên 28.850 đồng/cổ phiếu. Không chỉ giá bật tăng mà thanh khoản của KBC đạt hơn 20 triệu đơn vị, vượt xa mức bình quân trong vòng một tháng trở lại đây là 2,9 triệu đơn vị mỗi phiên.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/11, cổ phiếu KBC ghi nhận có hơn 10,5 triệu đơn vị thực hiện giao dịch, giá ở mức 28.000 đồng/cổ phiếu.