Chiều 9/11, chia sẻ tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án Tham ô tài sản, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ xảy ra tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) và các đơn vị có liên quan.
Đến nay, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 6 bị can với tội danh tham ô tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ.
Theo kết quả điều tra ban đầu, các bị can đã lợi dụng việc mua bán vàng bạc, vàng bình ổn giá để lập khống chứng từ sổ sách từ đó chiếm đoạt tài sản, thu lợi bất chính.
Đến nay, cơ quan công an, cảnh sát điều tra đang tập trung củng cố tài liệu với các bị can, mở rộng điều tra, rà soát xác minh thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt.
SJC là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, trực thuộc UBND TP.HCM. Nhiều năm qua, doanh nghiệp này đóng góp hàng chục tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. SJC nằm trong nhóm 27 doanh nghiệp mà Nhà nước sẽ nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không sở hữu sau cổ phần hóa.
Công ty là đơn vị duy nhất được Ngân hàng Nhà nước cho phép độc quyền sản xuất vàng miếng từ năm 2014 đến nay. Những năm gần đây, giá vàng SJC chênh lệch cao so với quốc tế, cũng như các loại vàng miếng khác, trang sức, mỹ nghệ.
Từ cuối năm 2023, thị trường vàng biến động mạnh đã khiến Ngân hàng Nhà nước đề xuất thay đổi phương án sản xuất, bỏ tình trạng độc quyền.
Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết, tội tham ô tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ là những tội danh rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Chủ thể của hai tội danh là những người có chức vụ quyền hạn nhưng đã có hành vi chiếm đoạt tài sản do mình quản lý và hành vi làm trái công vụ gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.
Tham ô tài sản là một trong các hành vi phạm tội về tham nhũng và chức vụ. Tội tham ô tài sản được quy định tại Điều 353 Bộ luật hình sự, trong đó mức hình phạt thấp nhất của tội danh này là 2 năm tù, mức cao nhất là 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 1 tỷ đồng trở lên.
Bởi vậy, trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy, người có chức vụ quyền hạn được giao quản lý tài sản của Nhà nước (quản lý vàng) nhưng lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản này có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội tham ô tài sản.
Tùy thuộc vào giá trị tài sản chiếm đoạt mà người thực hiện hành vi sẽ chịu mức hình phạt khác nhau như đã phân tích ở trên.
Ngoài ra, với những người có chức vụ quyền hạn không chiếm đoạt tài sản do mình quản lý nhưng đã có hành vi làm trái công vụ gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước cũng sẽ bị xử lý hình sự.
Điều 356 Bộ luật hình sự quy định, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10 đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sẽ bị xử lý hình sự.
Tội danh này có mức hình phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù với mức thấp nhất là 1 năm, mức cao nhất là 15 năm tù.
Theo ông Cường, để chứng minh các bị can phạm tội, cơ quan điều tra sẽ thu thập các tài liệu, chứng cứ để chứng minh các bị can là người có chức vụ quyền hạn nhưng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản do mình quản lý và lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm trái công vụ, gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.
Ngoài ra, đối với hai tội danh trên, bên cạnh việc bị xử lý hình sự, người phạm tội còn phải bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi của mình gây ra. Việc bồi thường, khắc phục hậu quả là tình tiết giảm nhẹ đáng kể khi tòa án lượng hình.
Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, làm rõ nguyên nhân, điều kiện phạm tội, diễn biến hành vi của các bị can, đánh giá hậu quả gây ra đối với xã hội để xử lý triệt để vụ án, góp phần quản lý chặt chẽ hơn nữa thị trường vàng trong nước.