Anh nông dân Đậu Thanh Tùng (ngụ xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP.HCM) nổi tiếng vài năm trở lại đây vì sở hữu vườn bonsai dừa độc lạ. Những chậu bonsai 12 con giáp của anh Tùng luôn được khách trầm trồ, thích thú.
Anh Tùng vừa trình làng sản phẩm dừa bonsai với tạo hình linh vật "rắn ngậm ngọc" độc đáo cho dịp Tết Ất Tỵ 2025.
Chậu dừa bonsai cao khoảng 40cm. Phần gáo dừa nằm nổi bật trên chiếc chậu, tỏa tàu xanh um. Điểm độc đáo của sản phẩm bonsai này là có thêm linh vật rắn của năm Tỵ.
Theo đó, linh vật rắn cũng được làm từ gáo dừa khô. Lớp vảy sừng sắc nét nhờ độ bóng của nước sơn. Toàn thân rắn uốn cong mềm mại, ôm lấy phần gáo bonsai. Đầu rắn ngóc lên cao, miệng ngậm viên ngọc trắng.
"Đây là điểm nhấn 'ăn tiền' của sản phẩm Tết Ất Tỵ năm nay. Tôi cho ra mắt sản phẩm dừa bonsai với linh vật rắn ngậm viên ngọc, ngụ ý mang đến tài lộc, may mắn cho gia đình", anh Tùng nói với chúng tôi.
Giá bán lẻ của chậu bonsai dừa rắn ngậm ngọc này là 450.000 đồng. Anh Tùng tiết lộ dù mới trình làng nhưng sản phẩm đã được nhiều khách, nhất là khách quen để ý và quan tâm.
Sản phẩm độc đáo này đang được anh Tùng giới thiệu tại Tuần lễ đặc sản OCOP đang diễn ra tại Công viên Lê Thị Riêng, quận 10. Sản phẩm được nhiều khách trầm trồ thích thú vì sự lạ mắt, độc đáo và sáng tạo.
Với chậu dừa bonsai tạo dáng rắn ngậm ngọc - sản phẩm chủ lực cho mùa Tết 2025, anh Tùng dự kiến đây sẽ là sản phẩm sẽ tiếp tục "làm mưa làm gió", thu hút đông đảo người dân mua về chơi Tết và biếu tặng. Năm ngoái, chậu bonsai dừa tạo rồng tương ứng năm Thìn của anh cũng tạo nên cơn sốt.
Ngoài ra, bộ sưu tập bonsai dừa 12 con giáp năm nay cũng được anh nông dân này đầu tư từ số lượng đến chất lượng. Để đáp ứng thị trường cuối năm và Tết Nguyên Đán 2025, anh Tùng đã chuẩn bị sẵn sàng tại vườn khoảng 700 - 800 chậu dừa bonsai.
"Để tạo một chậu cây hoàn chỉnh cần 8 - 12 tháng cho giai đoạn ươm mầm", anh Tùng cho biết.
Để sản phẩm đủ tiêu chuẩn bán ra thị trường là chuyện không dễ. Theo anh Tùng, một bonsai dừa đẹp phải có bộ lá nhỏ tròn, rễ khỏe, không có rễ nối. Rễ và gáo phải lộ lên mặt chậu 5 - 7cm.
Các sản phẩm dừa bonsai của anh Tùng hiện đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao huyện Bình Chánh và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của TP.HCM.
Mô hình trồng dừa bonsai của anh Đậu Thanh Tùng là một trong những mô hình nông nghiệp đô thị tiêu biểu của huyện Bình Chánh và TP.HCM, đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới tại vùng nông thôn của thành phố.
Theo đó, các sản phẩm nông nghiệp của TP.HCM hiện nay được xác định phù hợp với nhu cầu của thị trường, từ đó, mới có thể tạo ra giá trị lợi nhuận cao.
Anh Tùng đánh giá nhu cầu chơi kiểng của người dân hiện nay khá cao. Nhờ nắm bắt đúng nhu cầu, thường xuyên đổi mới và tiếp cận những trào lưu mới mà sản phẩm bonsai dừa của anh được nhiều người đón nhận, không chỉ bán tại TP.HCM mà còn ship đi khắp nơi trong cả nước.
Bà Hoàng Thị Mai - Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NNPTNT TP.HCM) cho biết để tái cơ cấu sản xuất, phát triển nông nghiệp đô thị gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân địa phương, ngành nông nghiệp TP đang tập trung vào 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực là rau, hoa - cây kiểng, bò sữa, heo, tôm nước lợ và cá cảnh.
Riêng về cây kiểng, nhóm sản phẩm nông nghiệp này có khả năng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, có tiềm năng mở rộng thị trường. Cây kiểng cũng thuận lợi về mặt tham gia chuỗi liên kết và cung ứng, cho lợi nhuận cao, đồng thời, có thuận lợi trong việc ứng dụng các giải pháp giảm ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp.
Vì vậy, nhóm cây kiểng và sinh vật cảnh là nhóm sản phẩm đang được ngành nông nghiệp TP.HCM khuyến khích nông dân, HTX đầu tư sản xuất.