Dân Việt

Hội viên, nông dân khá giả lên nhờ vay vốn Ngân hàng CSXH làm đá mỹ nghệ ở Ninh Bình

Vũ Thượng 10/11/2024 15:14 GMT+7
Nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp nhiều hội viên, nông dân xã Ninh Vân (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) mạnh dạn đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập. Ưu điểm của vốn tín dụng ưu đãi lãi suất thấp, thời hạn kéo dài, hội viên nông dân vay vốn không phải thế chấp nên rất thuận lợi.

Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi

Những năm qua, Hội Nông dân xã Ninh Vân (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) đã tích cực phối hợp cùng với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện trong việc giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi và đạt nhiều hiệu quả.

Tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi, nhiều hội viên nông dân của một xã nổi tiếng làm đá ở Ninh Bình khấm khá - Ảnh 1.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện giải ngân vốn vay cho hội viên nông dân tại xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: VT

Trao đổi đối với Báo điện tử Dân Việt, bà Lã Thị Hạnh-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Vân cho biết: "Hiện nay, toàn xã có 1.200 hội viên nông dân. Cùng với việc tiếp cận các nguồn vốn khác, nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp nhiều hội viên nông dân có thêm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất…".

"Để nguồn vốn vay phát huy hiệu quả, chúng tôi đã mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề và định hướng cho các hội viên, nông dân xây dựng các mô hình sản xuất. Từ đó, đã góp thêm phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động", bà Hạnh cho biết thêm.

Tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi, nhiều hội viên nông dân của một xã nổi tiếng làm đá ở Ninh Bình khấm khá - Ảnh 2.

Làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân nổi tiếng ở tỉnh Ninh Bình. Ảnh: VT

Tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi, nhiều hội viên nông dân của một xã nổi tiếng làm đá ở Ninh Bình khấm khá - Ảnh 3.

Nhờ vốn tín dụng ưu đãi giúp tạo việc, nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân ở xã Ninh Vân. Ảnh: VT

Theo bà Hạnh, thực hiện chương trình phối hợp giữa Ngân hàng Chính sách xã hội với các tổ chức chính trị xã hội tại địa phương, đến nay xã Ninh Vân (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) có tổng dư nợ đạt 60 tỷ đồng, cho gần 1.500 khách hàng vay vốn.

Trong đó, Hội nông dân xã Ninh Vân tổng dư nợ là 21 tỷ đồng, cho 450 khách hàng. Các chương trình vay ưu đãi được áp dụng như: Cho vay cải tạo các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; vay hỗ trợ tạo việc làm; vay các đối tượng chính sách nghèo, cận nghèo và thoát nghèo...

Tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi, nhiều hội viên nông dân của một xã nổi tiếng làm đá ở Ninh Bình khấm khá - Ảnh 4.

Ông Hoàng Ngọc Chinh-Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình tặng hóa chúc mừng Ban chấp hành Chi hội nông dân nghề nghiệp đá mỹ nghệ Ninh Vân. Ảnh: VT

Tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi, nhiều hội viên nông dân của một xã nổi tiếng làm đá ở Ninh Bình khấm khá - Ảnh 5.

Đại diện Chi hội nông dân nghề nghiệp đá mỹ nghệ Ninh Vân tặng quà cho con em học sinh nghèo trên địa bàn. Ảnh: VT

Bà Lã Thị Hạnh cho cho biết, thông qua hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn đã quy tụ, tập hợp hội viên tham gia vào tổ chức Hội, góp phần xây dựng cơ sở Hội ngày càng vững mạnh. Đặc biệt, củng cố niềm tin, tình đoàn kết, tích cực hỗ trợ nhau trong cuộc sống, giúp hội viên, nông dân thêm gắn bó với tổ chức Hội.

Thuận lợi tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi

Với nguồn vốn tín dụng ưu đãi, lãi suất thấp, thời gian cho vay vốn phù hợp từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã hỗ trợ rất thiết thực giúp nhiều hội viên, nông dân xã Ninh Vân (huyện Hoa Lư) có điều kiện phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.

Tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi, nhiều hội viên nông dân của một xã nổi tiếng làm đá ở Ninh Bình khấm khá - Ảnh 6.

Tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi, hội viên nông dân Ninh Vân đầu tư máy móc sản xuất đá mỹ nghệ. Ảnh: VT

Tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi, nhiều hội viên nông dân của một xã nổi tiếng làm đá ở Ninh Bình khấm khá - Ảnh 7.

Một trong những sản phẩm làm từ đá tại xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: VT

Ông Vũ Huy Huấn (xã Ninh Vân) vui mừng: "Thông qua kênh của Hội, gia đình tôi đã tiếp cận hai chương ưu đãi gồm cho vay hỗ trợ tạo việc làm; vay cải tạo công trình nước sạch với tổng số tiền 120 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Tuy nguồn vốn vay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, nhưng cũng góp một phần "chắp cánh" cho gia đình tôi trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo sức khỏe".

Được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Lương Xuân Nghĩa, hội viên nông dân xã Ninh Vân nói: "Đầu năm 2024, gia đình tôi được vay 100 triệu đồng để mua vật liệu sản xuất đá mỹ nghệ. Tôi thấy, người dân thuận lợi tiếp cận nguồn vốn, lãi suất thấp, thời gian vay kéo dài 3 năm. Gia đình tôi mong trong thời gian tới sẽ được vay thêm nguồn vốn để giải quyết việc làm, mở rộng cơ sở".

Tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi, nhiều hội viên nông dân của một xã nổi tiếng làm đá ở Ninh Bình khấm khá - Ảnh 8.

Cán bộ, hội viên, nông dân xã Ninh Vân thuận lợi tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: VT

Tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi, nhiều hội viên nông dân của một xã nổi tiếng làm đá ở Ninh Bình khấm khá - Ảnh 9.

Đảng ủy xã Ninh Vân (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) thành lập Chi bộ Hội nghề nghiệp đá mỹ nghệ Ninh Vân gồm 5 đảng viên (là cán bộ, hội viên, nông dân). Ảnh: VT

Được biết, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo điều kiện và động lực khích lệ hội viên, nông dân xã Ninh Vân (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) mạnh dạn đầu tư, tích cực lao động sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

Bà Lã Thị Hạnh-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Vân thông tin: "Hiện nay, xã Ninh Vân có 31 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động hiệu quả, toàn xã không phát sinh nợ xấu nợ quá hạn. Nguồn vốn tín dụng chính sách được cho vay đúng đối tượng thụ hưởng, vốn vay được sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả thiết thực.

Thời gian tới, ngoài việc kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả vốn vay, chung tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của nguồn vốn tín dụng ưu đãi để hội viên, nông dân trên địa bàn xã tiếp cận, phát huy tối đa hiệu quả trong việc hỗ trợ phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu".