Sáng 10/11, tại phòng họp tầng 9 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã diễn ra tọa đàm thuế VAT cho phân bón - vì lợi ích của nông dân và sự phát triển ngành phân bón trong nước.
Tham gia tọa đàm, đại biểu Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban kinh tế Quốc hội cho hay, quan điểm của ông đã thay đổi từ kỳ họp Quốc hội thứ 7 so với kỳ họp Quốc hội thứ 8.
Theo đại biểu Hiếu, hiện mặt hàng phân bón không chịu thuế GTGT. Hiện có hai phương án: một là có đưa mặt hàng này vào diện chịu thuế GTGT hay không; hai là nếu đưa vào chịu thuế GTGT, mức thuế suất là bao nhiêu sẽ phù hợp? Hai phương án đều có sự tác động khác nhau.
Việc thứ nhất, mặt hàng phân bón không thuộc diện đối tượng chịu thuế GTGT. Các đại biểu cũng thảo luận với nhau là có nên đưa phân bón từ diện không chịu thuế GTGT vào diện chịu thuế GTGT hay không?
Thứ hai là khi đã đưa vào rồi nếu mà quyết định mức thuế GTGT áp dụng với phân bón là bao nhiêu. Và hiện có hai kịch bản để lựa chọn khi áp dụng thuế GTGT là 0% hay 5%, đây là hai kịch bản được nhiều người có ý kiến. Như vậy, chúng ta phải phân biệt hai phương án.
"So sánh 2 phương án là 5% hay 0%, đầu tiên chúng ta phải khẳng định là mỗi một kịch bản đều có điểm lợi và điểm bất lợi khác nhau. Không có một kịch bản nào là toàn diện và phải nói là rất khó để so sánh", đại biểu Hiếu bày tỏ.
Ông cho rằng chỉ quyết định chọn được phương án nào nếu như đưa ra được câu trả lời là lấy đối tượng nào làm trọng tâm đó là Nhà nước, doanh nghiệp hay người tiêu dùng, ở đây là người nông dân. "Chúng ta muốn lợi ích của ai là lớn nhất đây là câu chuyện cần phải bàn kỹ", ông Phan Đức Hiếu nói.
Với kịch bản áp thuế GTGT 0%, có ba đối tượng bị tác động là Nhà nước, doanh nghiệp sản xuất phân bón và người tiêu dùng phân bón. Đầu tiên là Nhà nước không thu được lại khoản gì cả, như vậy là chắc chắn là bị tác động về ngân sách. Thứ 2 là doanh nghiệp trong nước, chi phí sản xuất sẽ được giảm do được hoàn thuế đầu vào trong một số vật tư, hàng hóa ban đầu. Nhưng đối với người tiêu dùng thì sao, doanh nghiệp có thể có được cái chi phí sản xuất tốt hơn, nhưng việc người ta có giảm giá bán hay không là hai câu chuyện hoàn toàn khác.
"Tôi nói nhấn mạnh lại không đương nhiên là doanh nghiệp có giảm được chi phí sản xuất thì họ giảm giá bán. Giảm giá bán hay không đó là câu chuyện cạnh tranh, còn do chiến lược dài hạn của họ, rồi do lòng tốt của doanh nghiệp", Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu đặt vấn đề.
Theo ông Hiếu, cần đặt ra câu hỏi, nếu doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, họ có sẵn sàng giảm giá bán cho nông dân hay không? Bởi khi áp thuế 5% chắc chắn giá thành sản phẩm sẽ tăng lên. Còn trong trường hợp thuế suất VAT 0%, ít nhất giá thành phân bón không tăng.
Với kịch bản áp thuế GTGT 5%, doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế đầu vào, có điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước, gia tăng cạnh tranh. Trong cả hai kịch bản này thì doanh nghiệp đều có lợi ích như nhau, đây là cơ hội giảm chi phí. Sản xuất trong nước sẽ lợi hơn nhập khẩu vì sản phẩm nhập khẩu cộng thêm 5%, sản xuất trong nước sẽ được gia tăng lợi thế cạnh tranh.
Nhưng ở góc độ người tiêu dùng, họ phải trả thêm 5%. Việc doanh nghiệp có sẵn sàng giảm giá bán hay không mới chỉ là kỳ vọng? Ông Hiếu nêu quan điểm nhìn ở góc độ người tiêu dùng và một Đại biểu Quốc hội đại diện cho cử tri.
"Tôi đề xuất nên lấy ý kiến riêng về vấn đề thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón, trước khi thông qua trình toàn văn dự thảo Luật Thuế GTGT", ông Hiếu đề xuất.
Cần nhìn tổng thể lợi ích
Cũng có những thay đổi trong quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa – Uỷ viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho hay, trước đây đại biểu cho rằng nếu áp dụng thuế suất 5% đối với phân bón thì nông dân sẽ là người thiệt thòi. Tuy nhiên, qua giải trình của Thường vụ Quốc hội, ông Hòa nhận thấy thuế GTGT đối với phân bón được sửa đổi năm 2014 và chuyển từ việc chịu thuế suất 5% sang không chịu thuế, chính sách này đã gây ảnh hưởng, bất lợi rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước suốt thời gian qua.
Vì thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào của các doanh nghiệp này không được khấu trừ, phải hạch toán vào chi phí, bao gồm cả thuế đầu vào. Ảnh hưởng rất lớn đối với đầu tư, mua sắm sản phẩm cố định làm giá thành sản phẩm trong nước tăng cao, không thể cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu nên không công bằng đối với những sản phẩm phân bón sản xuất trong nước.
"Quan điểm của tôi là đồng tình với giải trình của Thường vụ Quốc hội. Đó là phải áp thuế suất GTGT 5% đối với mặt hàng phân bón. Phân bón hiện nay là loại hàng hóa trong diện bình ổn giá. Nhà nước sẽ điều tiết để đảm bảo phân bón không tăng cao", ông Hòa nêu quan điểm.
Nếu không áp thuế GTGT, doanh nghiệp sản xuất phân bón không chỉ mất lợi thế cạnh tranh riêng trong ngành hàng, mà cả các mặt hàng khác liên quan đến các yếu tố đầu vào, ông Hòa cho hay. "Về lâu dài, lo ngại sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành phân bón. Vì không áp thuế GTGT là ta bảo hộ cho mặt hàng của nước ngoài, hàng nhập khẩu", Đại biểu Hòa cho hay.
Ông Hòa cho hay, bản thân ông ủng hộ sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân, ngoài tiêu thụ trong nước, người nông dân còn hướng đến việc xuất khẩu. Do vậy, ngoài việc bình ổn giá phân bón, các chính sách Nhà nước phải tốt, nông dân sẽ được hưởng lợi.
Ông Hòa cũng nhìn nhận khả năng áp thuế GTGT 5%, sẽ làm tăng giá bán đến tay người nông dân. Ở đây, cần bàn tay điều tiết của Chính phủ để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tăng giá phân bón đến người nông dân. Bởi phân bón hiện là mặt hàng bình ổn giá, do đó cần kiểm tra sát sao việc phân phối, kinh doanh hàng nhập khẩu không để tư thương "té nước theo thuế VAT". Đồng thời, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước khi giảm được chi phí sản xuất cũng phải có trách nhiệm giảm giá thành sản phẩm cho người nông dân.
Trước đó, quốc hội đã trình dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi. Một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm là đề xuất áp thuế 5% đối với mặt hàng phân bón hoặc giữ nguyên 0% như hiện nay.
Quy định được cho là sẽ có tác động đến thị trường phân bón, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón và đặc biệt là người nông dân – những người sử dụng mặt hàng này.