Dân Việt

Bài phát biểu của Bộ trưởng GDĐT: "Không có trường công - trường tư, chỉ có tầm nhìn và sự dấn thân"

Tào Nga 10/11/2024 16:13 GMT+7
"Suy cho cùng, khát vọng lớn cho cộng đồng không có công có tư, những điều thiện lương tốt lành cũng không có công có tư, chỉ có tầm nhìn và sự dấn thân với các mức độ khác nhau mà thôi", Bộ trưởng GDĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.

Sáng 10/11, nhân lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập Trường Đại học Duy Tân và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chuyển Trường Đại học Duy Tân thành Đại học Duy Tân, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã có bài phát biểu về chủ trương, định hướng, kỳ vọng với khối đại học ngoài công lập.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, thực hiện chủ trương đổi mới giáo dục và đào tạo của Đảng và Nhà nước, năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Trường Đại học Duy Tân là 1 trong 5 trường Đại học ngoài công lập đầu tiên của cả nước trong thời kỳ mới. 

Bài phát biểu của Bộ trưởng GDĐT: "Không có trường công-trường tư, chỉ có tầm nhìn và sự dấn thân" - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã có bài phát biểu về chủ trương, định hướng, kỳ vọng với khối đại học ngoài công lập. Ảnh: Bộ GDĐT

Nhân sự kiện này, Bộ trưởng nêu quan điểm: "Đảng và Nhà nước ta coi việc phát triển khối các cơ sở giáo dục đại học công và khối các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập là bình đẳng. Chính sách và cơ chế quản lý hai khối này đang theo hướng tới tập trung vào quản lý chất lượng kết hợp với kiểm tra, giám sát, gia tăng tự chủ, tự giải trình và tự chịu trách nhiệm xã hội. 

Đối với khối các cơ sở giáo dục đại học công lập, cần ưu tiên tăng cường hỗ trợ nguồn lực đầu tư phát triển, trong khi đối với khối các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập, cần ưu tiên tăng cường các chính sách tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện, khuyến khích phát triển và hội nhập với các đại học tiên tiến trên thế giới. 

Kỳ vọng vào khối các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ngày càng có vai trò lớn hơn trong nền giáo dục và phát huy những lợi thế để phát triển nhanh chóng, trở thành đại học thuộc nhóm các đại học hàng đầu khu vực Châu Á, từng bước đạt được vị thế cao trên thế giới. Hiện nay, trong số các đại học hàng đầu thế giới, một tỷ lệ rất lớn là các đại học tư".

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Suy cho cùng, khát vọng lớn cho cộng đồng không có công có tư, những điều thiện lương tốt lành cũng không có công có tư, chỉ có tầm nhìn và sự dấn thân với các mức độ khác nhau mà thôi. Với trường công, có những việc là đương nhiên bởi đó là trách nhiệm trong hệ thống công, nhưng với trường tư, sự tự nhiệm, sự gánh vác với việc phát triển con người, phát triển đất nước phụ thuộc vào sự lựa chọn và cái tâm của những người chủ sở hữu và của tập thể lãnh đạo nhà trường". 

Như vậy, sau khi Trường Đại học Duy Tân trở thành Đại học Duy Tân, Việt Nam có 8 đại học. Trước đó, cả nước có 7 đại học là:

- Đại học Quốc gia Hà Nội: Thành lập từ ngày 10/12/1993 theo Nghị định 97-CP ngày 10/12/1993.

- Đại học Quốc Gia TP.HCM: Thành lập từ ngày 27/1/1995 theo Nghị định 16-CP năm 1995.

- Đại học Đà Nẵng: Thành lập từ ngày 4/4/1994 theo Nghị định 31-CP năm 1994

- Đại học Huế: Thành lập từ ngày 4/4/1994 theo Nghị định 30-CP năm 1994

- Đại học Thái Nguyên: Thành lập từ ngày 4/4/1994 theo Nghị định 32-CP năm 1994.

- Đại học Bách khoa Hà Nội: Thành lập từ ngày 5/12/2022. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1512/QĐ-TTg đưa Bách khoa Hà Nội trở thành đại học đa thành viên thứ 6 của Việt Nam.

- Đại học Kinh tế TP.HCM: Thành lập từ ngày 4/10/2023 theo Quyết định 1146/QĐ-TTg năm 2023.

Theo Luật Giáo dục đại học quy định: Trường đại học, học viện là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này. Đại học là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này; các đơn vị cấu thành đại học cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung.