Năm 2024, Hội Nông dân Hương Mai, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang được chọn là 1 trong 18 xã triển khai dự án về kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường của Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang với sự tài trợ của tổ chức EarthCare Foundation và các đối tác.
Bà Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Mai cho biết: Tiếp nối thành công từ năm 2023, mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường tại xã Hương Mai năm 2024 được xã thực hiện tại 2 mô hình điểm ở thôn Xuân Lạn và thôn Xuân Hòa với diện tích 4 sào/mô hình, trong đó có 2 sào sản xuất theo phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường, 2 sào đối chứng sản xuất theo phương pháp truyền thống. Đồng thời, nhân rộng mô hình tại 4 thôn: Mai Thượng, Mai Hạ, Xuân Lạn và Xuân Hòa với diện tích 50ha.
"Ngay sau khi được tiếp nhận dự án, Hội Nông dân xã Hương Mai đã xây dựng kế hoạch thực hiện dự án và báo cáo với Thường trực Đảng ủy, UBND xã. Đảng ủy đã thống nhất chủ trương ra nghị quyết chỉ đạo Hội Nông dân xã thực hiện theo đúng kế hoạch của dự án. Tiếp đó, Hội Nông dân xã Hương Mai cũng thành lập 4 tổ nông dân để tuyên truyền về dự án nhằm giúp các hộ gia đình trên địa bàn toàn xã hiểu rõ hơn về dự án.
Đặc biệt, để thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án đối với vụ đầu tiên năm 2023 tham gia dự án UBND xã đã trích ngân sách nguồn phục vụ nông nghiệp hỗ trợ nhân dân mua chế phẩm xử lý rơm rạ ở thôn Xuân Lạn và thôn Xuân Hòa được 30,7 ha, trong đó UBND xã hỗ trợ 70%, người dân nộp đối ứng 30% tổng số tiền là 35 triệu đồng"- bà Hương chia sẻ.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Mai cho biết: Phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường chú trọng vào các kỹ thuật canh tác mới, hiệu quả. Các hộ tham gia mô hình được tập huấn 3 kỹ thuật trong canh tác lúa thân thiện với môi trường là xử lý rơm rạ đúng cách, bón phân hợp lý và tưới ướt - khô xen kẽ.
Cụ thể: các hộ tham mô hình thực hiện nghiêm túc các biện pháp kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường như cấy mạ non 2-2,5 lá; cấy thưa, cấy ít rảnh và áp dụng đồng thời 3 kỹ thuật: sử dụng hợp lý phân bón (sử dụng 20kg phân bón vi sinh thay thế 50% phân bón NPK); xử dụng rơm rạ đúng cách (100% các hộ tham gia mô hình xử dụng chế phẩm xử lý rơm rạ làm phân bón; không đốt rơm rạ sau thu hoạch); tưới nước cho lúa theo nhu cầu phát triển của cây lúa (ướt, khô xen kẽ).
Để hội viên nông dân nâng cao nhận thức và hiểu rõ kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường, các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường cho hội viên và nhân dân toàn xã với tổng số buổi tập huấn là 16 buổi cho hơn 1.100 lượt người tham gia.
Kết quả sau 3 vụ tham gia dự án canh tác lúa thân thiện với môi trường, xã Hương Mai đã đã có 258 hộ áp dụng được 1 kỹ thuật với tổng diện tích cả 3 vụ là 550ha; có 205 hộ áp dụng được 2 kỹ thuật với diện tích tổng 3 vụ là 385 ha; có 275 hộ áp dụng được cả 3 kỹ thuật với tổng diện tích là 330ha.
Là nông dân được lựa chọn tham gia mô hình mẫu trong Dự án cấy lúa thân thiện với môi trường, bà Phạm Thị Tính, thôn Xuân Hòa, xã Hương Mai cho hay: Được trực tiếp tham gia lớp tập huấn do Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang tổ chức, chúng tôi cũng đã hiểu về quy trình sản xuất mới này. Đặc biệt gia đình tôi lại được Hội Nông dân xã Hương Mai và địa phương lựa chọn tham gia mô hình mẫu. Gia đình tôi đã rất phấn khởi, chủ động triển khai và áp dụng.
Trong vụ lúa mùa 2024 này, ở mô hình mẫu gia đình bà Tính đã cấy 2 sào giống lúa J02 theo kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường và 2 sào ruộng lúa đối chứng. Qua thực tế vụ lúa vừa rồi, bà Tính nhận thấy việc áp dụng kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường đã sử dụng phân bón giảm đáng kể, năng suất tăng. Đồng thời, còn giảm số lần đi lấy nước vào ruộng, cũng như giảm lượng nước tưới để sử dụng trong quá trình canh tác…
"Như kết quả của vụ mùa năm 2024 đã thu hoạch xong, năng suất bình quân đạt 250 kg thóc khô/sào cao hơn ruộng đối chứng 225kg/sào. Đối với người nông dân trồng lúa chúng tôi, vốn chỉ lấy công làm lãi, chính vì vậy việc áp dụng cấy lúa theo phương pháp thân thiện với môi trường do Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang hướng dẫn giờ đây đang là giải pháp tối ưu nhất để chúng tôi tiếp tục trồng lúa"- bà Tính phấn khởi cho biết.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Mai Nguyễn Thị Hương đánh giá hiệu quả, ruộng áp dụng phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường, cây lúa có thân chắc khỏe, đẻ nhánh tốt, ít sâu bệnh, ít bị đổ, giảm chi phí canh tác, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ môi trường và năng suất lúa tăng từ 10-20% so với sản xuất theo phương pháp truyền thống.
Mô hình sử dụng giống J02 trong canh tác lúa thân thiện với môi trường đã giúp cho nông dân có một vụ mùa bội thu và đặc biệt, giúp nông dân xã Hương Mai từng bước thay đổi nhận thức và hành vi trong canh tác lúa thân thiện với môi trường.
Để mô tiếp tục được nhân rộng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Mai đề nghị các cấp chính quyền, Hội Nông dân có nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa về giống, phân bón, kỹ thuật mới cho các hộ tham gia mô hình và mở rộng các mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường trên địa bàn tỉnh. Làm tốt công tác đào tạo, tuyên truyền, cử các chuyên gia kỹ thuật hỗ trợ nông dân từng bước làm thay đổi hành vi trong nhận thức từ đó thay đổi phương pháp canh tác lúa truyền thống sang canh tác lúa thân thiện với môi trường.
Ông Lã Văn Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh việc áp dụng mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường nhằm giúp giảm thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, tăng hiệu quả kinh tế, góp phần phát triển nền nông nghiệp sinh thái, bền vững, nông dân hiện đại, nông thôn văn minh. Đồng thời, góp phần chuyển đổi hành vi của người nông dân từ phương pháp canh tác lúa truyền thống sang canh tác lúa thân thiện với môi trường.
Ông Lã Văn Đoàn cho biết các mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường của xã Hương Mai vụ Mùa năm 2024 đã cho kết quả tốt. Ông Đoàn đề nghị thời gian tới xã Hương Mai tiếp tục tuyên truyền vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường làm tiền đề để nhân rộng diện tích canh tác lúa thân thiện với môi trường trên toàn tỉnh.