Sở Khoa học và Công nghệ TP cho biết, đã triển khai tuyên truyền, vận động thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới đến với các tổ chức, cá nhân để thực hiện.
Theo đó, tính đến nay về công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai và nghiệm thu 6 nhiệm vụ phục vụ Chương trình nghiên cứu phát triển, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; chuyển giao 3 mô hình và triển khai 3 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ nông nghiệp cho các hộ nông dân, hợp tác xã.
Đồng thời, tổ chức Techmart chuyên ngành Công nghệ sinh học trong lĩnh vực chế biến thực phẩm và nông nghiệp công nghệ cao bằng hình thức trưng bày gian hàng trực tuyến kết hợp với nền tảng triển lãm trực tuyến thu hút 582 đại biểu tham dự và 19.374 lượt truy cập nền tảng triển lãm trực tuyến; tổ chức 13 hội thảo về giới thiệu công nghệ về nông nghiệp, chế biến thực phẩm thu hút 347 lượt người tham dự trực tiếp và 4.160 lượt theo dõi trực tuyến trên fanpage Sàn giao dịch công nghệ.
Sở cũng đã triển khai vận hành trang phổ biến kiến thức trực tuyến về nông nghiệp, năng suất chất lượng, sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; trong đó cung cấp hơn 40 tài liệu chuyên đề đã thu hút trên 20.000 lượt truy cập.
Tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quyết định số 1383/QĐ-UBND ngày 12 tháng 4 năm 2023 về việc phê duyệt Danh mục sản phẩm, hàng hóa ưu tiên truy xuất nguồn gốc trên địa bàn TP. Trên cơ sở đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức 6 lớp tập huấn, phổ biến, hướng dẫn về các tiêu chuẩn quốc gia liên quan truy xuất nguồn gốc với sự tham dự của hơn 150 tổ chức, doanh nghiệp.
Để thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới, tại các địa phương đã chủ động, tích cực ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể và chủ động rà soát, đề xuất xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện cung cấp dữ liệu thông tin về các sản phẩm nông nghiệp của huyện; xây dựng các phần mềm chuyển đổi số, công nghệ số trong hoạt động thu thập thông tin, phân tích, dự báo tình hình thị trường nông sản trên địa bàn huyện đảm bảo yêu cầu thống nhất, chính xác, kịp thời.
Ngoài ra, thực hiện công tác truy xuất nguồn gốc, thực hiện thí điểm đánh giá chợ an toàn thực phẩm góp phần thực hiện theo tiêu chí chất lượng môi trường sống trong xây dựng nông thôn mới.
Các địa phương cũng cử cán bộ, công chức tham dự các lớp tập huấn về phổ biến áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia về định dạng các mã dùng cho truy vết (Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13274:2020 về truy xuất nguồn gốc - Hướng dẫn định dạng các mã dùng cho truy vết), ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Tập huấn, phổ biến tiêu chuẩn quốc gia - Yêu cầu chung đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc (Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12850:2019 - Truy xuất nguồn gốc - Yêu cầu chung đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc). Tập huấn, phổ biến tiêu chuẩn quốc gia - Yêu cầu chung đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc (Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12850:2019 - Truy xuất nguồn gốc - Yêu cầu chung đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc).
Trước đó, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch số 985/KH-UBND với mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu tối thiểu 70% các mô hình triển khai trong Kế hoạch triển khai Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới được tiếp tục triển khai và nhân rộng; phấn đấu tối thiểu 80% các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn được triển khai trong kế hoạch có sự liên kết đa ngành, liên kết theo chuỗi giá trị và hợp tác công tư.