Mẹ là NSND Thái Bảo, bố là NSƯT Anh Tuấn. Cả hai đều là những nghệ sĩ lớn của làng nhạc. Bảo Anh Taruki có cảm thấy áp lực khi bố mẹ là những hình tượng quá lớn khiến mình luôn phải nỗ lực, không ngừng khẳng định bản thân để xứng đáng là con của bố mẹ?
- Hồi bé tôi cũng áp lực lắm vì gần như làm gì, nhất là những thứ liên quan đến nghệ thuật đều bị soi. Ai cũng bảo: "Con trai NSND Thái Bảo đấy, để xem nó thế nào, thổi kèn ra sao". Những lần đi thi mọi người cũng để ý đến tôi nhiều hơn những thí sinh khác. Chính những điều đó khiến tôi vô cùng áp lực. Tuy nhiên, chưa bao giờ tôi cảm thấy tự ti mà biến nó thành sự tự tin. Tôi luôn cố gắng để toàn vẹn hơn, chỉn chu hơn. Chính vì là con của hai nghệ sĩ lớn nên có thể không quá xuất sắc nhưng luôn cố gắng hết sức mình để học tập hoặc biểu diễn. Sự cố gắng đó một phần là để bố mẹ không xấu hổ về mình.
Đến bây giờ, tôi ý thức được, việc được làm con của hai nghệ sĩ lớn là một sự hãnh diện. Và tôi luôn cảm thấy vui khi ai đó gọi tôi là con trai NSND Thái Bảo, con trai NSƯT Anh Tuấn dù tôi đã có con đường, phong cách âm nhạc riêng. Tôi không sợ mọi người so sánh tôi với bố hay với mẹ.
NSND Thái Bảo, NSƯT Anh Tuấn có phải là những người đã định hướng cho Bảo Anh theo con học Saxophone từ bé?
- Bố mẹ đúng là những đã ảnh rất nhiều đến định hướng nghề nghiệp và con đường âm nhạc của tôi. Từ khi còn bé, bố mẹ đã định hướng cho tôi theo học kèn Clarinet cổ điển. Khi còn học lớp 6, tôi đã học kèn Clarinet trong Học viện Âm nhạc Quốc gia rồi. Lúc đó, tôi rất thích nhạc cổ điển. Nhưng đến một ngày, khi kiến thức được mở mang thêm, tôi lại rất thích nhạc của Kenny G. Thời điểm biết đến nhạc của Kenny G, tôi đã nghĩ đến chuyện một ngày nào đó mình sẽ chuyển qua chơi nhạc nhẹ dù vẫn rất yêu nhạc cổ điển.
Thời điểm đã học xong hệ Trung cấp, tôi vẫn rất mông lung. Tôi cứ phân vân không biết có nên học tiếp Clarinet hay chuyển qua Saxophone. Nếu theo tiếp Clarinet thì liệu có giỏi hơn các anh họ của mình hay không vì tôi có mấy người anh họ đều rất thành công với dòng nhạc cổ điển.
Một lần, tôi thấy mẹ dọn nhà với chồng đĩa nhạc cao ngất ngưởng, trong chồng đĩa đó tôi vô tình nhìn thấy đĩa nhạc của Kenny G. Trước đó, tôi từng được nghe nhạc của huyền thoại Saxophone này nhưng âm nhạc của ông lúc đó chưa thực sự "đánh thức" những cảm quan âm nhạc trong tôi.
Lúc cầm đĩa nhạc lên gác nghe, chìm đắm trong không gian âm nhạc của Kenny G thì tôi đã ồ lên: "Ôi, con đường của mình đây rồi. Mình nhất định sẽ phải theo con đường Saxophone này". Tôi cảm giác như mình được khai sáng và mở ra con đường mình mình phải đi khi những bản nhạc của Kenny G chạm sâu vào tâm hồn tôi. Tôi quyết tâm theo học Saxophone từ ngày đó.
Theo đuổi nghệ thuật là một quá trình khó khăn nhưng theo học kèn Saxophone thì sự khổ luyện là gấp bội. Bảo Anh đã gặp những khó khăn gì trong quá trình học?
- Tôi nghĩ, trong tất cả các môn nghệ thuật đều có những khó khăn và môn kèn Saxophone cũng không phải là ngoại lệ. Tôi cảm thấy rất khó khăn khi chuyển từ người chơi cổ điển sang chơi nhạc nhẹ, từ kèn Clarinet sang Saxophone. Tôi phải thay đổi từ lối chơi, chất chơi, cả kèn pháp. Đã có lúc tôi bị ảnh hưởng và lẫn hai cái vào với nhau. Tôi cũng đã phải rất kiên trì mới tách được chúng ra.
Ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, tôi được thầy Quốc Bảo dạy kèn Clarinet. Nhưng khi chuyển qua học Saxophone thì tôi học từ rất nhiều người thầy như: Trần Mạnh Tuấn, Quyền Thiện Đắc, Hồng Kiên, Tùng Sax…
Tôi tự hỏi, trong một gia đình toàn nghệ sĩ, cái tôi rất cao… mọi người gắn kết với nhau như thế nào?
- Gia đình tôi thường gắn kết với nhau bằng những bữa ăn, trong bữa ăn đó, âm nhạc vẫn là những chủ đề được bàn luận rôm rả và vui vẻ nhất. Trong những câu chuyện bên bữa ăn, chúng tôi sẽ kể về những người nghệ sĩ, những điều mình thích. Mẹ tôi thường kể cho vợ tôi nghe những người nghệ sĩ mà tôi thích và vợ tôi sẽ tìm hiểu về những nghệ sĩ đó để cùng trao đổi với tôi mỗi khi chỉ có hai vợ chồng.
Hiểu theo nghĩa nào đó thì có vẻ như tình yêu và hạnh phúc hôn nhân giữa Bảo Anh và vợ được xây đắp bằng âm nhạc?
- Đúng thế. Chúng tôi gặp nhau là nhờ âm nhạc. Vợ tôi cũng tốt nghiệp ngành thanh nhạc và giờ đang làm giáo viên giảng dạy về thanh nhạc. Chúng tôi mới cưới nhau chưa lâu nên hàng ngày vẫn đang cố gắng vun đắp tình cảm, hạnh phúc hôn nhân. Nhờ có âm nhạc mà chúng tôi hiểu nhau, gần nhau và chia sẻ với nhau được nhiều điều hơn.
Tối nào chúng tôi cũng bật các MV hoặc liveshow của các ca sĩ nổi tiếng, ca sĩ mà cả hai cùng thích để xem rồi bàn luận với nhau. Có khi chỉ một bài hát của Celine Dion thôi nhưng hai vợ chồng sẵn sàng thức đến tận đêm để xem hết liveshow của cô ấy.
Vì sao Bảo Anh lại quyết định đầu quân cho Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam – nơi bố mẹ mình đang công tác?
- Khi bắt đầu cầm kèn Saxophone, tôi cũng đã nghĩ đến chuyện sẽ xin về công tác ở một nhà hát nào đó. Tuy nhiên, lúc đó tôi còn quá non, nghĩ mình còn phải học hỏi nhiều. Điều khiến tôi thích nhất đó là anh họ (cũng chính là người chơi trống trong album "Thanh âm thời gian" của tôi) đang cộng tác ở Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Anh ấy cùng một số thành viên đã lập nên một ban nhạc rất mạnh và rất giỏi. Tôi đến nhìn ban nhạc chơi mà cứ ước mơ không biết bao giờ mình mới được đứng biểu diễn cùng họ. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ mình cần nhiều thời gian để trau dồi và phải đi xem nhiều chương trình để có những trải nghiệm. Từ đó đến sau này, mọi sự nỗ lực đã được đền đáp khi cuối cùng tôi cũng đã được nhận vào Nhà hát của bố mẹ công tác.
Vượt qua cái bóng của bố mẹ, nỗ lực khẳng định bản thân
Lí do gì Bảo Anh bắt tay vào thực hiện album "Thanh âm thời gian"?
- Tôi ấp ủ làm album từ khi theo đuổi học kèn Saxophone. Lúc đó, tôi đã ấp ủ sau này mình sẽ có một sân chơi riêng, sẽ đi theo một dòng nhạc riêng. Các anh lớn đã thành công rồi thì mình phải cố gắng làm thế nào để mình tìm được cho mình một bản sắc riêng và con đường riêng của mình. Tôi đã nuôi rất nhiều hoài bão và ước mơ từ lúc đó rồi.
Một lần, anh Tùng Sax đến nhà mượn cây kèn của tôi để đi thu âm cho album của anh ấy. Hôm đó, anh ấy đã nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại rằng, tôi phải làm album. Anh Tùng Sax bảo: "Nếu em muốn có thương hiệu Bảo Anh sax, muốn mọi người biết đến mình và ghi nhận mình thì phải làm album, nếu không thì mãi mãi sẽ không ai biết em là ai đâu". Chính sự động viên đó đã khiến tôi quyết tâm thực hiện album "Thanh âm thời gian".
Album "Thanh âm thời gian" mang màu sắc âm nhạc Việt – Nhật, gồm 7 bản hòa tấu: Melodies of life (Nobuo Uematsu), Giấc mơ trưa (Giáng Son), Laputa (Joe Hisaishi), Cơn mưa tháng 5 (Trần Lập – Trần Tuấn Hùng), A town with an ocean view (Joe Hisaishi), Dù chẳng phải anh (Đinh Mạnh Ninh) và Trong lành những giấc mơ (Lan Phạm). Ngoài ra, kèm theo album này là MV Giấc mơ trưa, A town with an ocean view và Sora mo toberu hzu (Tôi có thể bay lên tới bầu trời). Album do nhạc sĩ Lưu Hà An, Thành Vương và Nguyễn Việt Hùng phối khí.
Vì sao Bảo Anh lại lựa chọn 7 bản nhạc kể trên đưa vào album của mình?
- Sở dĩ tôi chọn 7 bản nhạc kể trên để đưa vào album bởi tất cả đều gắn liền với những sự kiện lớn trong đời sống của mình. Từ bản nhạc thứ nhất cho đến bản nhạc thứ bảy đều được sắp xếp có chủ ý theo tuyến tính thời gian như một dòng tự sự, dòng hoài niệm về những gì đã xảy đến, đã đi qua trong cuộc đời mình. Vì lẽ đó mà Bảo Anh đã quyết định đặt tên cho sản phẩm âm nhạc đầu tay của mình là "Thanh âm thời gian".
Cái tên "Thanh âm thời gian" có ý nghĩa là những âm thanh đã đi theo thời gian, những bản nhạc đã sống cùng năm tháng. Thông qua album này, Bảo Anh cũng mong muốn tiếng kèn của mình, âm nhạc của mình sẽ sống mãi trong lòng mọi người, trở thành thứ thanh âm vượt thời gian, đi cùng năm tháng.
Trong 7 bản nhạc, Melodies of life (Giai điệu cuộc sống) là một bài hát mà tôi rất thích khi đang là cậu học sinh lớp 6. Tôi biết đến bài hát này thông qua game. Trước đó, tôi vẫn là một cậu nhóc ham chơi, lúc nào cũng vô tư, lúc nào cũng chỉ thích nghịch ngợm, chưa thực sự cảm thụ được những điều tuyệt vời của âm nhạc… thì chính Melodies of life đã thay đổi con người tôi. Từng lời của bài hát đã giúp tôi hiểu sâu hơn về âm nhạc, đúng như cái tên "Giai điệu cuộc sống".
Bài Giấc mơ trưa của nhạc sĩ Giáng Son lại gắn với một kỷ niệm khi tôi đang học lớp 10. Tôi đã mê mẩn bài hát này khi nghe ca sĩ Thùy Chi hát trực tiếp sân khấu. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được âm nhạc đồng quê của nước mình hay đến như thế nào. Và lúc đó tôi cứ nghĩ, những bài hát như thế này sau này kiểu gì cũng phải nằm trong album của mình.
Bài kết trong album là Trong lành những giấc mơ cũng gắn với sự kiện gần đây nhất của tôi. Bài này do người chị Lan Phạm (hiện sống ở TP.HCM) của tôi sáng tác. Chúng tôi quen biết nhau đã 10 năm nay và bài này của Lan Phạm từng được đưa lên Bài hát Việt. Bài hát này khiến tôi mê không kém gì Giấc mơ trưa là do được nghe từ chính Thùy Chi hát. Khi tôi nói với Lan Phạm rằng muốn đưa bài hát này vào album đầu tay của mình thì chị ấy đã rất vui mừng và trao toàn quyền cho tôi "muốn làm gì thì làm". Bài hát này là minh chứng cho tình bạn 10 năm giữa chúng tôi.
Bảo Anh phải vượt qua khó khăn như thế nào để thực hiện album này?
Trước khi làm album tôi đã nghĩ kiểu gì cũng sẽ gặp khó khăn. Nhưng khi bắt tay vào làm album rồi tôi mới thấy có cả một núi việc cần giải quyết. Nhưng tôi tự nhủ rằng, đây là sản phẩm của mình, chỉ vì những khó khăn trước mắt mà mình không giải quyết được thì sau này sẽ không làm được gì hết. Vì thế mà dù đương đầu với rất nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn kiên trì đến cùng.
Khó khăn đầu tiên là gặp anh Thành Vương để thuyết phục anh ấy có thể phối khí cho tôi 4 bài nhạc Việt trong album của mình. Lúc gặp, anh Thành Vương có nói là sẽ chỉ làm việc với ban nhạc mà anh ấy chọn vì làm việc với những cộng sự thân quen sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Cuối cùng, sau nhiều lần trao đổi, anh Thành Vương đã đồng ý làm việc với ban nhạc của tôi. Lúc nhận được cái gật đầu của anh Thành Vương tôi mừng lắm. Trong quá trình làm việc, anh em chúng tôi đã trao đổi với nhau rất ăn ý.
MV "Sora mo toberu hzu" do Bảo Anh chơi kèn Saxophone. Clip: BA
Sau anh Thành Vương là chú Lưu Hà An. Tôi rất mừng vì được mẹ giới thiệu với chú Lưu Hà An và chú rất quý nên đã nhận lời phối cho tôi hai bài. Riêng với anh Nguyễn Việt Hùng là anh em chúng tôi đã chơi với nhau hơn 10 năm nay. Anh em chúng tôi đều thích văn hóa Việt – Nhật và có rất nhiều nét tương đồng trong sở thích, tính cách và gu âm nhạc.
Tôi cảm thấy rất vui mừng và hạnh phúc vì trong sản phẩm âm nhạc đầu tay lại được người thầy lớn và hai người anh nhận lời hỗ trợ và hợp tác.
NSND Thái Bảo và NSƯT Anh Tuấn đã phản hồi như thế nào khi được con trai cho nghe album?
Khi tôi đưa album "Thanh âm thời gian" về cho bố mẹ nghe, bố mẹ bảo rất thích. Bố mẹ động viên tôi rằng, sản phẩm âm nhạc này sẽ là bước khởi đầu, là viên gạch đầu tiên để tôi có thêm động lực tiến những bước xa hơn, ghi nhiều dấu ấn hơn trong con đường âm nhạc của mình. Hướng tới hình tượng của một Saxophonist mang phong cách riêng, con đường âm nhạc riêng.
Cảm ơn Bảo Anh đã chia sẻ thông tin.
NSND Thái Bảo tâm sự với Dân Việt rằng, từ nhỏ, Bảo Anh đã được gia đình xếp vào đội con ngoan. Tuy là con một nhưng ít khi làm bố mẹ phiền lòng. Bảo Anh giống bố ở sự hiền lành, chân thành và điềm đạm. Giống mẹ ở sự yêu nghề, say nghề và không ngừng đam mê.
Năm 10 tuổi, Bảo Anh trúng tuyển vào Học viện Âm nhạc Quốc gia với chuyên ngành Clarinet. Bảo Anh còn học thêm Piano và rất thích nhảy Michael Jackson. Thời điểm đó, Bảo Anh cũng làm cho bố mẹ mông lung không biết "thuyền sẽ đi đâu về đâu?". Nhưng bố mẹ vẫn để mọi thứ diễn ra tự nhiên, không ngăn cản vì đó cũng là một trong những sở thích lành mạnh của con.
Bỗng một ngày, Bảo Anh mượn đĩa CD của Kenny G để nghe. Âm nhạc của người nghệ sĩ tài hoa ấy đã làm cho trái tim con rung động và đã tạo cảm hứng cho con thích thú Saxophone. Bảo Anh mê mẩn tiếng kèn của Kenny G và xem huyền thoại âm nhạc này như một hình mẫu để học tập.
Năm 2015, hai mẹ sang London tìm trường để học. Được gia đình một người bạn giúp đỡ tận tình, mẹ đã đưa Bảo Anh đến trường LCCM tuyển sinh. Bảo Anh bình tĩnh thổi bài tự chọn "Ánh trăng nói hộ lòng tôi" và một bài thị tấu. Các thầy quá đỗi ngạc nhiên khen ngợi tiếng kèn cảm xúc của con. Bất ngờ vài tháng sau con nhận được giấy gọi nhập học ở trường LCCM - London. Tuy nhiên, sau khi đã đắn đo rất kỹ, cuối cùng con quyết định ở Việt Nam học thêm với các thầy Trần Mạnh Tuấn, Quyền Thiện Đắc, Hồng Kiên, Tùng Sax… Càng ngày, con càng yêu Saxophone hơn mọi thứ bởi tiếng kèn ấy đã đánh thức niềm đam mê trong con…
Năm 2016, như một giấc mơ mà có thật, con được tận mắt xem Kenny G biểu diễn, được chụp hình cùng thần tượng ở Trung tâm Hội nghị Quốc Gia. Từ đó, Bảo Anh quyết định gắn bó, nuôi dưỡng và theo đuổi niềm đam mê Saxophone.