Sáng 11/11, buổi họp mặt nhà giáo đi B, nhà giáo Nội đô đã được tổ chức tại TP.HCM. Tại đây, những câu chuyện chiến tranh một thời gian khổ đã được chia sẻ lại từ những nhân chứng là nhà giáo đi B, nhà giáo Nội đô.
Đối tượng đi B lúc đầu là lực lượng vũ trang, nhưng sau khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam được thành lập (tháng 12/1960) và phong trào cách mạng chuyển sang một giai đoạn mới thì đối tượng đi B được mở rộng, từ kỹ sư, bác sĩ, đến nhà giáo, văn nghệ sĩ, phóng viên báo chí…. đều được huy động vào Nam chiến đấu và công tác. Việc đi B hoàn toàn bí mật, do Ủy ban Thống nhất Trung ương quản lý và cán bộ đi B phải gửi lại tư trang, hồ sơ, kỷ vật và toàn bộ sơ yếu lý lịch, phiếu cán bộ, thẻ Đảng, thẻ Đoàn, ảnh gia đình, nhật ký.
"Nhà giáo Nội đô" không phải là người cầm súng chiến đấu mà là những thầy giáo, cô giáo hoạt động âm thầm trong các đô thị miền Nam, một lực lượng đã góp phần rất quan trọng vào việc truyền bá tư tưởng cách mạng, khích lệ lòng yêu nước và đấu tranh bảo vệ văn hóa dân tộc ngay giữa lòng địch, một bộ phận tham gia phát triển nền giáo dục giải phóng ở các căn cứ lõm và vùng địch hậu.
Tại buổi họp mặt, ông Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư thường trực Thành uỷ TP.HCM chia sẻ: "Tôi xin bày tỏ sự kính trọng và lòng tri ân sâu sắc đối với quý thầy cô - những người đã sống một thời hoa lửa, hiến dâng tuổi thanh xuân tươi đẹp cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước và cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp trồng người cao quý".
Có mặt tại buổi gặp mặt, lớp cao tuổi nhất là quý thầy cô đã bước qua tuổi 90; phần lớn là trên dưới 80; chỉ có một số ít thầy cô trên dưới 70 tuổi. Tất cả đều có chung tình yêu Tổ quốc, khát vọng hòa bình, thống nhất non sông và sự cống hiến tận tụy đối với sự nghiệp trồng người cao quý, thực sự là những tấm gương sáng về phẩm chất nhà giáo cách mạng, góp phần làm nên trang sử vẻ vang cho nền giáo dục nước nhà.
Ông Hải bày tỏ, ngày nay, nhắc đến cụm từ "Nhà giáo đi B" hay "Nhà giáo Nội đô" thì nhiều người không hiểu, nhất là các bạn trẻ, nhưng thực sự đó là những người có một thời đầy hy sinh gian khổ và hết sức vẻ vang.
Ông Hải thông tin, trong giai đoạn từ năm 1961 đến 1973, đã có 10 chuyến đi B với hơn 2.700 thầy cô giáo rời bục giảng các trường phổ thông và đại học ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố miền Bắc vượt Trường Sơn vào miền Nam, được phân công về các chiến trường trọng yếu, từ miền Trung - Tây Nguyên đến Đông - Tây Nam Bộ và đã trở thành những "nhà giáo cầm súng".
Là nhân chứng sống, nhà giáo đi B Trịnh Hồng Sơn năm nay đã 90 tuổi vẫn còn nhớ như in những năm tháng gian khổ đó. Ông Sơn bày tỏ: "Đoàn chúng tôi đi B năm 1964, đây là đoàn đi B đông nhất. Ngày 22/12/1964, chúng tôi làm lễ xuất quân. Tại đây, chúng tôi rất vinh dự được đồng chí TBT Lê Duẩn lên thăm. Đồng thời, đồng chí Lê Duẩn cũng căn dặn chúng tôi phải hành quân thật nhanh. Chính vì thế, đoàn chúng tôi chỉ mất hơn 2 tháng thì vào đến chiến trường".
Ông Sơn chia sẻ, đoàn đi B phải vượt qua khó khăn, gian khổ, hiểm nguy rình rập trên mọi bước đi. Trên dọc đường đi, có những đồng chí đã hy sinh, thế nhưng, tất cả mọi người đều sẵn sàng vượt qua để đi vào miền Nam chiến đấu. "Chúng tôi đi vượt Trường Sơn được vì lúc đó chúng tôi chỉ có một suy nghĩ là làm sao phải vào miền Nam, giải phóng miền nam thống nhất đất nước" - ông Sơn nói.
Khác với sự gian khó của những giáo viên đi B, những giáo viên Nội đô dù không trực tiếp cầm súng nhưng lại chiến đấu theo một cách khác, không kém phần nguy hiểm. Ông Nguyễn Hồ Hải cho biết, phần lớn phong trào đấu tranh của nhân dân, học sinh, sinh viên Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đều có sự tham gia tích cực của các nhà giáo Nội đô.
Nhiều người bị địch phát hiện, khủng bố gắt gao buộc phải thay tên đổi họ, sống dưới nhiều vỏ bọc khác nhau để kiên trì bám trụ hoạt động và tiếp tục giảng dạy; nhiều người bị địch bắt, bị tù đày nhưng vẫn giữ vững khí tiết của người trí thức cách mạng, không hề nao núng.
Cô Ngô Ngọc Dung - một nhà giáo Nội đô chia sẻ: "Riêng nhóm Nội đô của chúng tôi là một dạng gian khổ khác. Chúng tôi phải sống trong lòng địch, hoạt động tại khu vực Sài Gòn - Gia Định (TP.HCM bây giờ). Ta và địch cài xen với nhau, phải sống như thế nào đây. Giảng dạy cho học trò như thế nào, truyền tải lòng yêu nước cho học trò như thế nào, đấy là những điều mà chúng tôi trăn trở. Để làm được điều đó, ngoài những điều mà chúng tôi tâm huyết, thì chúng tôi còn có rất nhiều khó khăn. Mặc dù môi trường dù không khốc liệt như anh chị đi B, nhưng rất thâm hiểm và dễ bị địch bắt, tù đày".
“Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng, nếu là hoa tôi sẽ là một đoá hướng dương, nếu là mây tôi sẽ là một vầng mây trắng, là người tôi sẽ chết cho quê hương” - lời bài hát chính là tâm niệm của cô Dung trong thời gian hoạt động, truyền tải lòng yêu nước cho học sinh.
Là giáo viên từng dạy học tại chiến trường gian khổ, nhà giáo Nguyễn Thị Yến Thu tự hào khoe với đồng nghiệp về những học trò thành danh của mình.
Cô Thu nhớ lại, hồi đó, sau khi tốt nghiệp đại học, cô làm đơn tình nguyện vào Nam và được phân công nhiều nhiệm vụ như về chiến khu D dạy bổ túc văn hóa, rồi dạy ở các đoàn thể như MTTQ, Phụ nữ, Công đoàn... Lúc đó, cô Thu cũng như những người đồng đội của mình đều là những người chưa có kinh nghiệm trong chiến đấu.
"Thời điểm đó toàn ở trong rừng, thấy giặc vô phải đánh để bảo vệ cơ quan, mọi người. Có những lúc nấu cơm, khói toả ra, sau mấy anh bộ đội mới nhắc múc một ca nước để bên bếp, nếu thấy máy bay địch thì lấy nước phun vào để lửa tắt...", cô Thu kể lại những ký ức thời chiến trận.
Tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM bày tỏ: " Cho phép tôi thay mặt các thế hệ nhà giáo trưởng thành sau ngày miền Nam giải phóng 30/4/1975 và đại diện ngành giáo dục Thành phố tri ân các thầy cô đã vượt Trường Sơn để đến với miền Nam và các nhà giáo Nội đô yêu nước, hoạt động trong lòng địch. Không chỉ xây dựng phong trào giáo dục, cầm súng chiến đấu bảo vệ trường lớp học; thầy cô đã góp sức mình cùng viết nên trang sử oanh liệt trong công cuộc chống Mỹ cứu nước, thống nhất non sông".
Theo ông Hiếu, tinh thần, ý chí, phẩm chất và sức cống hiến bền bỉ của thầy cô đã truyền cảm hứng cho thế hệ nhà giáo trẻ hôm nay có thêm được sức mạnh, niềm tin để nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn trong công tác, làm tròn sứ mệnh "trồng người" mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin tưởng giao phó cho ngành GDĐT.