Dân Việt

Lý do "Ngày xưa có một chuyện tình" được giới chuyên môn khen hết lời nhưng không bứt phá doanh thu

Hà Thúy Phương 11/11/2024 19:00 GMT+7
"Ngày xưa có một chuyện tình" được “cầm trịch” bởi đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, là tác phẩm điện ảnh thứ 4 được chuyển thể từ các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh. Doanh thu của bộ phim sau hơn 10 ngày ra rạp khiến khán giả tò mò.

Ngày xưa có một chuyện tình được giới chuyên môn khen ngợi hết lời

Ra rạp chính thức từ ngày 1/11, Ngày xưa có một chuyện tình nhận phản hồi khá tích cực từ khán giả và giới chuyên môn sau các buổi chiếu đầu tiên. Nội dung phim được nhận xét dung dị nhưng đầy cảm xúc, phần hình ảnh mang tính hoài niệm, giàu thẩm mỹ. Nhiều người xem đánh giá Ngày xưa có một chuyện tình có chất lượng nổi bật so với mặt bằng phim Việt năm 2024.

Đạo diễn Trấn Thành dành nhiều cảm xúc và mỹ từ cho bộ phim: "Đã xem và xác nhận Ngày xưa có một chuyện tình hay, xứng đáng có được nhiều khán giả hơn. Phim tình cảm, nghệ thuật và rất lãng mạn, đặc biệt cú twist (ngoặt – PV) cực kỳ thú vị. Mood (cảm xúc – PV) phim tình lãng mạn hơi chậm một chút nhưng thật sự rất ổn.

Lý do "Ngày xưa có một chuyện tình" được giới chuyên môn khen hết lời nhưng không bứt phá doanh thu - Ảnh 1.

Ngày xưa có một chuyện tình đang có doanh thu hơn 38 tỷ đồng. Ảnh: NSX

Thành vốn dĩ rất khó tính khi đi xem phim vì đó là nghề của mình, nhưng rất lâu rồi mình mới có thể thả lỏng cơ thể để xem một bộ phim Việt một mạch từ đầu đến cuối mà không thấy khó chịu, lợn cợn, lăn tăn hay phải ngồi bắt lỗi logic chỗ nào cả.

Đạo diễn kể chuyện khéo, xem thấy được tình cảm của nhân vật rất rõ ràng. Ba diễn viên mới rất đẹp và diễn rất dễ chịu.

Bối cảnh và DOP (đạo diễn hình ảnh – PV) đỉnh, quay đẹp lắm, chỉnh màu cũng đẹp. Rất Việt Nam, rất thơ".

"Đạo diễn nghìn tỷ" cũng cho hay, anh nói những lời này là hoàn toàn từ trái tim và không nhận từ ai một đồng nào.

Trước đó, nhà phê bình phim Lê Hồng Lâm cũng dành lời có cánh cho Ngày xưa có một chuyện tình.

Anh bày tỏ: "Tôi thích cả tình bạn và tình người trong bộ phim này. Một bộ phim dịu dàng, dung dị nhưng đủ gây cảm động và thương nhớ một thời chưa xa của chúng ta".

Lý do "Ngày xưa có một chuyện tình" được giới chuyên môn khen hết lời nhưng không bứt phá doanh thu - Ảnh 2.

Ngày xưa có một chuyện tình dung dị, giàu cảm xúc. Ảnh: NSX

Vợ chồng đạo diễn Lý Hải – Minh Hà cũng dành tình cảm cho Ngày xưa có một chuyện tình bằng những dòng chia sẻ: "Lâu rồi mình mới xem một bộ phim tình cảm nhẹ nhàng thật trọn vẹn. Khung cảnh đẹp, lãng mạn và nên thơ. Câu chuyện không ồn ào, không đao to búa lớn nhưng chạm vào cảm xúc".

Biên kịch Nguyễn Thủy (đứng tên các phim Về nhà đi con, Hoa hồng trên ngực trái, Quỳnh búp bê ...) chia sẻ: "Cảnh quay đẹp. Không gian làng quê trữ tình làm mình nhớ những tháng ngày lang thang chạy xe dọc cung Phú Yên Quy Nhơn. Dàn diễn viên sáng bừng. Mình nghĩ Ngày xưa có một chuyện tình là một phim tốt, tạo nhiều cảm tình, nhưng nó còn có thể tốt hơn nữa. Đặc biệt trong việc phát triển nhân vật Miền, nữ chính, nhân vật có tính lựa chọn và làm nên trục chính câu chuyện thì với mình đây lại là nhân vật bị chênh vênh, dù bạn nữ chính thì xinh và thơ vô cùng".

Phần lớn, các trang giới thiệu, review phim cũng dành nhiều lời khen cho Ngày xưa có một chuyện tình dù vẫn còn có một số ý kiến đánh giá về chất lượng tác phẩm chưa được như kỳ vọng.

Lý do "Ngày xưa có một chuyện tình" được giới chuyên môn khen hết lời nhưng không bứt phá doanh thu - Ảnh 3.

4 diễn viên của Ngày xưa có một chuyện tình. Ảnh: NSX

Một trang bình luận điện ảnh cho phim 5,5 điểm, cộng riêng 1 điểm vì nữ chính Ngọc Xuân xinh là 6,5 điểm và đưa ra quan điểm: "Khách quan thì phim này cũng dạng khá nhưng Ngày xưa có một chuyện tình có khá nhiều điểm yếu, trong đó nổi bật là dài dòng, diễn dở và cảnh quay set up (công tác chuẩn bị bối cảnh) không tốt, nhạc cũng không hay.

Phim dài 135 phút, nhưng nội dung lại không có quá nhiều điều, khá nhiều chi tiết thừa, cảnh thừa không để làm gì. Nó làm giảm đi sức hấp dẫn và sự tập trung của khán giả dành cho phim, cắt xuống 100 phút là vừa.

Các diễn viên chính đều là những gương mặt mới nên hạn chế về diễn xuất. Avin Lu thì cũng không mới lắm (trước đó đóng phim Em và Trịnh), qua phim này diễn vẫn dở. Cảm giác như anh này đang diễn vai yếu đuối, chứ không phải thư sinh hiền lành. Diễn như Avin Lu thì có khi đổi kịch bản cho yêu anh Phúc kia luôn cho hợp với cảnh anh Phúc nhảy xuống hồ sen hái sen cho Vinh.

Nữ chính đóng vai Miền rất xinh, xinh một cách rất Hong Kong thập niên 90, đóng cũng tròn vai dù đôi chỗ diễn chưa ra, hy vọng sẽ là ngọc nữ mới của màn ảnh Việt.

Không biết kinh phí cho phim này thế nào, nhưng các cảnh quay khá thường và mức độ set up chỉn chu, đánh đèn nghệ thuật cho các cảnh quay đều rất hạn chế. Thậm chí, có cảnh không đánh đèn khiến mắt nữ chính bị bóng nhìn như gấu trúc. Còn các cảnh flycam ổn, dù nó là dạng ai quay cũng được, không quá khó, quan trọng là nhẫn nại. Nhưng các cảnh chính của phim về bố cục, màu sắc, ánh sáng, đều chưa thỏa mãn thị giác lắm, so với Mắt biếc là không bằng".

Lý do "Ngày xưa có một chuyện tình" được giới chuyên môn khen hết lời nhưng không bứt phá doanh thu - Ảnh 4.

Ngày xưa có một chuyện tình được khen ngợi nhiều hơn chê. Ảnh: NSX

Tuy nhận về nhiều nhận xét tích cực về chất lượng, song thành tích phòng vé của phim lại chưa thật sự bùng nổ. Cho tới hiện tại, sau 11 ngày ra rạp chính thức, tổng doanh thu phim đạt hơn 38 tỷ đồng.

Chia sẻ với truyền thông, đạo diễn cho biết, doanh thu hiện tại chưa đạt kỳ vọng ban đầu, nhưng anh cùng ê-kíp muốn hành trình phòng vé của phim "đi chậm mà chắc". Anh hy vọng tác phẩm có thể chiếu lâu dài và khán giả thưởng thức với tâm thế bình thản, sau đó lan truyền, chia sẻ giúp phim tiến xa hơn.

Vì sao Ngày xưa có một chuyện tình không tạo được sự đột phá về doanh thu?

Ngày xưa có một chuyện tình là một tác phẩm mang phong cách lãng mạn thuần túy, không pha trộn các thể loại khác. Cũng vì thế, tác phẩm không có nhiều cao trào trong tâm lý, ít có những kịch tính trong mạch truyện, phim đơn thuần tập trung vào những tương tác giữa các nhân vật.

Đây là điểm có thể được cho là khiến bộ phim kém đi sức hút đối với phần đông khán giả ra rạp tìm kiếm những cảm xúc mạnh mẽ.

Tại Việt Nam phim lãng mạn thuần túy tương đối kén khán giả. Tác phẩm gần nhất là Sài Gòn trong cơn mưa (2020) cũng từng lỗ nặng và nhanh chóng rời rạp.

Lý giải về doanh thu không như kỳ vọng của Ngày xưa có một chuyện tình, chuyên gia truyền thông phim Châu Quang Phước nêu quan điểm: "Ngày xưa có một chuyện tình bị rớt doanh thu phòng vé hiện tại. Phim có lúc đứng đầu bảng xếp hạng phòng vé là một phần do giai đoạn này phòng vé phim Việt đang trầm lắng trong tình hình chung.

Còn riêng Ngày xưa có một chuyện tình, có lẽ lỗi lớn thuộc về truyền thông phim, ở cả giai đoạn trước khi ra rạp và sau khi vừa ra rạp, cho đến hiện tại. Bởi, về cơ bản hầu như giới quan sát không thấy phim này thực sự có chương trình/chiến dịch truyền thông gì mang dấu ấn đặc biệt hoặc đủ sức gây ấn tượng với đại chúng nói chung và cả với khán giả mục tiêu (nếu có) nói riêng.

Như thể nhà phát hành phim "ỷ lại "vào sức hút sẵn có trong việc chuyển thể phim từ sách của Nguyễn Nhật Ánh, trong khi không khéo thì khuynh hướng này hiện tại đã có phần bão hòa ở thị trường Việt (bao gồm về phía tác giả văn học cho đến phim chuyển thể)".

Lý do "Ngày xưa có một chuyện tình" được giới chuyên môn khen hết lời nhưng không bứt phá doanh thu - Ảnh 5.
Lý do "Ngày xưa có một chuyện tình" được giới chuyên môn khen hết lời nhưng không bứt phá doanh thu - Ảnh 6.

Ê-kíp Ngày xưa có một chuyện tình giao lưu với khán giả. Ảnh: NSX

Trước câu hỏi cho rằng, tại sao tác phẩm của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh được giới chuyên môn khen ngợi khá nhiều nhưng vẫn chưa thu hút được đông đảo khán giả, ông Châu Quang Phước nói: "Khen - chê phim Ngày xưa có một chuyện tình dĩ nhiên đều có, nhưng phần nhiều là khen phim. Tuy nhiên, cả khen lẫn chê đều không thực sự quá mạnh hoặc quá gắt. Có lẽ vì bản thân phim cũng hơi "hiền", dù khá chỉn chu về chất lượng với đội ngũ thực hiện đều có bề dày kinh nghiệm trong nghề. Thành ra tình thế này khiến cho mọi thứ liên quan đến phim như thể bị nhạt nhòa ít nhiều, hoàn toàn không đủ liều lượng kích hoạt mạnh cho sự quan tâm của nhiều đối tượng khán giả ở thị trường nước ta.

Điều này cũng dẫn đến hiệu ứng truyền miệng không cao, từ đó khiến doanh thu phòng vé gần như dậm chân tại chỗ, ngay cả khi phim vượt lên đứng đầu bảng xếp hạng phòng vé. Bên cạnh suất chiếu cũng chỉ ở tầm trung ngay từ giai đoạn đầu ra rạp, là yếu tố quyết định không nhỏ đến sự thành bại phòng vé phim Việt.

Ông Châu Quang Phước nhận xét vui rằng: "Trong tình thế hiện có, đúng là có khi cần phải chỉnh lại cái chuẩn, vì (phim) chuẩn quá đôi khi mất vui với thói quen ra rạp của khán giả nước ta. "Thanh niên nghiêm túc"có khi lại thiệt thòi".

Một điểm bất lợi nữa là "đứa con tinh thần" của Trịnh Đình Lê Minh cũng ra mắt trong một thời điểm chưa thật sự phù hợp, khi phải cạnh tranh với những bộ phim Việt Nam lẫn những bom tấn Hollywood.

Ra mắt cùng thời điểm với Ngày xưa có một chuyện tìnhVenom: Kèo Cuối - thương hiệu siêu anh hùng rất được yêu thích ở Việt Nam. Thực tế, tác phẩm của đạo diễn Kelly Marcel đang áp đảo "cuộc đua" phòng vé với hơn 81 tỷ đồng.

Ngoài ra, Ngày xưa có một chuyện tình còn phải cạnh tranh với Cô dâu hào mônTee Yod: Quỷ Ăn Tạng 2.

Hiện tại, Ngày xưa có một chuyện tình vẫn còn khá nhiều các suất chiếu trong ngày. Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh chia sẻ với PV Dân Việt anh hoàn toàn tin tưởng vào các nhà phát hành và rạp chiếu phim: "Bộ phim nào có hiệu ứng tốt, không có lẽ gì rạp chiếu phim lại không ưu tiên và xếp cho các suất chiếu tốt để bộ phim đến được đông đảo khán giả hơn".