Ngày 11/11, nguồn tin cho biết, Công an tỉnh Bạc Liêu đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với Lê Trí Hải và Lưu Minh Chiến (cả hai cùng ngụ phường 3, TP.Bạc Liêu) để điều tra, làm rõ về hành vi "Cố ý gây thương tích" dẫn đến chết người.
Theo hồ sơ, vào khoảng 23h ngày 4/11, Chiến ngồi uống rượu cùng với Nguyễn Viết Thống (43 tuổi) dưới dốc cầu Võ Thị Sáu, thuộc khóm 1, phường 3, TP.Bạc Liêu.
Đến khoảng 0h ngày 5/11, Hải cũng đến cùng uống rượu. 3 người sau đó ngủ tại chỗ khi say.
Tuy nhiên, đến khoảng 2h sáng cùng ngày, Hải thức dậy và phát hiện 2 điện thoại di động của mình để trên bụng khi ngủ bị mất.
Nghi ngờ Thống là người lấy trộm nên Hải và Chiến dùng tay, chân đánh nhiều cái vào vùng đầu, mặt của Thống. Riêng Hải còn dùng bật lửa đốt vào người Thống. Khi thấy nạn nhân nằm bất động, Hải và Chiến tiếp tục nằm ngủ.
Đến khoảng 8h sáng, Hải và Chiến thức dậy và gọi Thống cùng dậy, nhưng phát hiện người này không còn cử động nên cả hai chở Thống đến Công an phường 3, TP.Bạc Liêu trình báo.
Dù nạn nhân được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu cấp cứu nhưng đã tử vong sau đó.
Vụ việc đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.
Ngày 11/11, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) cho biết đang tạm giữ hình sự Nguyễn Thanh Long (SN 1985, ngụ xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) về hành vi đe doạ giết người.
Trước đây, giữa Long và chị N.T.N.T. (ngụ xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức, Quảng Nam) có quan hệ tình cảm, chung sống như vợ chồng. Tháng 6/2024, hai người xảy ra mâu thuẫn tình cảm, tiền bạc nên chị T. tránh mặt, cự tuyệt tình cảm của Long.
Tối 3/11, Long nhắn tin yêu cầu chị T. gặp mặt nói chuyện, nếu không gã sẽ giết hai mẹ con. Hôm 4/11, sau nhiều lần gọi điện cho chị T. nhưng không được nên Long đi tìm. Đến khu vực thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, Long gặp chị T. trên đường nên cả hai đến quán cà phê nói chuyện. Tại đây, chị T. tiếp tục từ chối, đòi cắt đứt tình cảm với Long. Sau đó, chị T. gọi điện cho bạn đến chở đi.
Biết chị T. đang làm việc cho một công ty ở xã Bình Quý (huyện Thăng Bình), Long đến trước cổng công ty và nhiều lần gọi điện yêu cầu chị ra gặp mặt. Bị tình cũ từ chối, Long bực tức đi mua 5 lít xăng rồi tiếp tục nhắn tin đe doạ giết chị T. và gia đình.
Không những thế, gã còn dùng điện thoại quay lại cảnh đổ xăng châm lửa đốt rồi gửi video cho chị T. xem. Long nói nếu chị T. không ra gặp thì Long sẽ đốt và chạy vào công ty nơi chị làm việc để chết chung. Thấy Long có biểu hiện bất thường, bảo vệ công ty đã trình báo cảnh sát. Quá trình làm việc với công an, chị T. rất hoang mang, lo sợ khi bị Long dọa giết, dọa tìm và dùng xăng đốt chết chung.
Ngày 11/11, Công an quận 12 (TP.HCM) đang xác minh, làm rõ vụ người đàn ông bị còng tay, bị đánh ở khu vực ngã tư An Sương (phường Trung Mỹ Tây, quận 12).
Trước đó, mạng xã hội lan truyền clip dài hơn 1 phút ghi cảnh một người đàn ông bị giữ và còng tay. Do bị còng tay người đàn ông này tỏ ra bức xúc luôn miệng hô lớn.
Lúc này, người đàn ông mặc áo đỏ đang cố gắng mở còng cho người đàn ông. Người bị còng tỏ ra rất bức xúc luôn miệng lớn tiếng với người đàn ông áo đỏ này.
Sau khi được mở còng, người đàn ông tiếp tục chỉ tay về phía người áo đỏ và xảy ra xô xát giữa 2 người này. Tiếp đó, người đàn ông áo đỏ tiếp tục xông vào định đánh người đàn ông kia.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sự việc xảy ra khoảng 23 giờ ngày 10/11, ở khu vực ngã tư An Sương (phường Trung Mỹ Tây, quận 12). Anh T., người quay clip cho biết, người đàn ông bị còng tay trước đó đi xe máy biển kiểm soát TP.HCM lưu thông qua khu vực ngã tư An Sương thì có xảy ra va chạm với xe tải.
Sau đó, 2 bên nảy sinh cự cãi với nhau. Cùng lúc này, có 4 người đi trên 3 xe máy tới. Một người trong số này được cho đã dùng còng số tám còng tay người đàn ông lại.
Anh T. cho biết, người đàn ông có biểu hiện say xỉn, bị khống chế, đưa lên vỉa hè.
Ngày 11/11, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã bắt giữ Nguyễn Thị Linh (SN 1972, ngụ tỉnh Bến Tre) và Lý Thị Ngọc Bích (SN 1979, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM), cả 2 có liên quan đến vụ án vận chuyển trái phép kim cương do đối tượng Prajapati Shaileshkumar Hareshbhai (quốc tịch Ấn Độ) thực hiện.
Theo cơ quan điều tra, trong quán trình điều tra, mở rộng vụ án trên, cảnh sát đã mời Linh làm việc nhưng Linh không đến làm việc theo giấy triệu tập mà bỏ trốn khỏi nơi cư trú.
Sau đó, Linh liên hệ với Lý Thị Ngọc Nga (SN 1977, ngụ quận Gò Vấp) để nhờ Nga "lo" giúp để không bị xử lý hình sự. Nga đã gọi điện thoại báo cho em ruột là Bích để can thiệp giú.
Bích đã liên hệ với một số cá nhân quen biết ngoài xã hội để trao đổi về việc "chạy án" cho Linh và đối tượng Shaileshkumar.
Sau đó, người này đã gặp mặt, trao đổi với Linh về việc hứa hẹn sẽ kiếm người liên hệ với cán bộ thụ lý vụ án, lo cho Linh để không bị xử lý hình sự hoặc giảm nhẹ hình phạt.
Đồng thời sẽ tìm luật sư để đi cùng với Linh đến trình diện cơ quan công an. Bích có yêu cầu Linh chuẩn bị tiền để lo việc "chạy án".
Linh đồng ý và mượn của người quen số tiền 1,2 tỷ đồng đưa cho Bích lo việc này. Sau khi nhận số tiền trên, Bích có sử dụng 150 triệu đồng để trả phí thuê luật sư cho Linh, ngoài ra không thực hiện bất kỳ nội dung nào khác, số tiền còn lại Bích cất giữ tại nhà.
Cảnh sát đã khám xét và thu giữ số tiền trên.
Hiện Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đang củng cố hồ sơ, mở rộng điều tra. Những ai đã mua kim cương của Linh và Prajapati Shaileshkumar Hareshbhai hãy đến công an trình diện để hưởng sự khoan hồng.
Liên quan đến vụ việc trên, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Prajapati Shaileshkumar Hareshbhai (quốc tịch Ấn Độ) để điều tra về hành vi vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.
Trước đó, lúc 9h ngày 23/10, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.HCM chủ trì, phối hợp với Đội thủ tục hành lý nhập khẩu - Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Công an quận Tân Bình bắt giữ Prajapati Shaileshkumar Hareshbhai khi người này nhập cảnh từ Ấn Độ vào Việt Nam.
Qua kiểm tra soi chiếu bên trong valy của đối tượng có nhiều tập giấy nhỏ có in chữ IGI và 10 gói nylon chứa nhiều hạt nhỏ nghi vấn là kim cương được cất trong ví để lẫn cùng quần áo tư trang.
Làm việc với cảnh sát, đối tượng thừa nhận số tang vật trên là kim cương được vận chuyển từ Ấn Độ vào Việt Nam để giao cho khách nhưng không khai báo hải quan.
Kết quả kiểm tra ban đầu, Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJP) xác định 716 hạt mà Prajapati Shaileshkumar Hareshbhai mang theo bên mình là kim cương tự nhiên và nhân tạo, trị giá ước tính hàng chục tỷ đồng.
Ngày 11/11, Xí nghiệp Lưới điện cao thế (LĐCT) Hòa Bình cho hay, đơn vị đề nghị cơ quan công an xử lý nghiêm vụ việc vi phạm của Đội Dù lượn thành phố Hà Nội và cá nhân vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp.
Vụ việc xảy ra vào lúc 15h05 ngày 9/11, Xí nghiệp LĐCT Hòa Bình nhận được tin báo có người nhảy dù lượn vướng vào đường dây 110kV lộ 172 E10.9 Xuân Mai - 172 E19.5 tại khoảng cột số 54 đến 55.
Sau khi nhận được tin báo, Xí nghiệp LĐCT Hòa Bình đã cử Đội Quản lý vận hành đường dây xuống hiện trường và phối hợp với UBND xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội và Công an xã để xử lý, cứu hộ đưa nạn nhân xuống đất đảm bảo an toàn lúc 16h50.
"Vụ việc này đã làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến việc cấp điện và an toàn vận hành lưới điện, làm mất trật tự an ninh trên địa bàn", đại diện Xí nghiệp LĐCT Hòa Bình nêu quan điểm.
Xí nghiệp LĐCT Hòa Bình đã báo cáo Công ty Điện lực Hòa Bình và xin cắt điện khẩn cấp đường dây 172 E10.9 Xuân Mai - 172 E19.5 từ 16h46 đến 17h12 để thực hiện công tác cứu nạn.
Người nhảy dù lượn là anh N.C.T, sinh năm 1996, địa chỉ thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Anh N.C.T cho biết, khoảng 15h ngày 9/11 đã nhảy dù từ đỉnh đồi Bù 833, với độ cao 800m xuống cánh đồng ở xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Sau khi dù bay lượn được khoảng 2km thì mắc lại trên đường điện cao thế 110kV.
Vụ việc dù lượn vướng vào đường dây lộ 172 E10.9 Xuân Mai - 172 E19.5 tại khoảng cột số 54 đến 55 đã vi phạm mục 3 điều 4 của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/2/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện.