Dân Việt

Võ tướng quê Quảng Ngãi, theo phò Nguyễn Ánh, ra trấn thủ trấn Hải Dương và được thờ phụng, ông là ai?

Nhật Minh 11/11/2024 21:30 GMT+7
Trần Công Hiến để lại cho Hải Dương nhiều kỳ tích trong việc an dân trị nước, phát triển kinh tế - văn hóa, khoa học giáo dục cho đến tận cuối đời...

Vì sử cũ của triều Nguyễn ghi chép không đầy đủ hoặc bị thất lạc nên cho đến ngày nay, không ai biết chính xác Trần Công Hiến sinh vào năm nào mà chỉ biết rằng ông mất năm Đinh Sửu (1827). Trong sách Đại Nam chính biên liệt truyện phần sơ tập có đoạn viết về ông như sau:

Trần Công Hiến là người Quảng Ngãi, lúc trẻ thường theo phò chúa Nguyễn Phúc Ánh, đến khi Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua tức Hoàng đế Gia Long, ông được bổ làm quan và về sau được thăng đến chức trấn thủ trấn Hải Dương. Khi trấn nhậm ở Hải Dương, ông là người đưa ra chủ trương đắp đê ngăn nước mặn, tạo ra được hơn 800 mẫu đất cho nhân dân trong vùng làm ruộng, khiến cho nhân dân được cậy nhờ.

img

Ghi nhớ công ơn trấn thủ Trần Công Hiến, nhân dân lập miếu thờ ông tại thôn Đôn Thư, xã Đồng Quang (Gia Lộc). Ảnh: Báo Hải Dương.

Cũng từ đó, người dân Hải Dương tưởng nhớ công lao của ông bằng cách gọi con đê ngăn nước mặn ấy là đê Trần Công (con đê do ông quan họ Trần chủ trương đắp nên). Đồng thời, trong thời gian trấn nhậm ở Hải Dương, Trần Công Hiến cũng là người tổ chức biên soạn nhiều bộ sách khá lớn. Ông đã tự mình nghiên cứu và viết cuốn Hải Dương phong vật kí rất có giá trị.

Ngoài ra, ông còn đứng ra tổ chức việc khắc in những sách quý của các triều đại trước. Công việc này của ông đã đóng góp rất lớn vào việc bảo vệ kho tàng cổ thư của nước nhà. Trần Công Hiến mất tại Hải Dương năm Đinh Sửu (1827). Do chưa rõ năm sinh nên không biết ông thọ bao nhiêu tuổi.

Sinh thời, Trần Công Hiến nổi tiếng là người công minh và thanh liêm. Tuy nhiên, việc khiến cho người đời nhớ tới ông nhiều nhất lại là chuyện ông xét án. Cũng trong sách trên đã chép rằng:

Trần Công Hiến là người công bằng và thanh liêm, xét xử được nhiều vụ kiện còn ứ đọng, trừ được mối hại cho dân. Có một vụ án mạng để đã khá lâu mà chưa tra xét được, triều đình đốc thúc rất nghiêm ngặt. Trần Công Hiến rất lấy làm lo. Một hôm đang ở giữa công đường, ông mệt quá đành tựa lưng vào ghế mà ngủ tạm. Trong cơn mơ màng, chợt ông nghe tiếng nói văng vẳng bên tai: - Con rết đánh bạc!

Tỉnh dậy, ông nghĩ rằng, kẻ tội phạm có lẽ họ Ngô tên Công chăng (âm Hán Việt, ngô công là con rết. Và ông cho rằng kẻ gây án chỉ vì hơn thua cờ bạc mà đã giết người. Vì vậy, ông chỉ tra khảo một lần là hắn nhận ngay. Mọi người đều cho là ông xét án tài như thần.

Lại có chuyện kể rằng: ở phía Tây thành của trấn Hải Dương có một cây cổ thụ loài chuột đến đó làm hang rồi lâu ngày hóa thành yêu tinh, ai cũng thấy làm lo. Trần Công Hiến vừa mới tới nhậm chức đã sai chặt ngay cây ấy. Một đêm, ông đang nằm trong màn và chợt thấy một vật gì sáng như bó đuốc bay quanh, bèn đưa tay bắt lấy nhưng khi đó vật sáng cũng biến mất. Trần Công Hiến liền thắp đèn lên xem thì thấy một con chuột chết ở trong tay. Yêu quái từ đó không còn nữa.

Lời bàn về Trần Công Hiến

Làm quan không những hoàn thành xuất sắc trọng trách được nhà vua giao phó, mà còn biết lo cho trăm họ có ruộng để cấy cày, có việc để làm, có cơm để ăn thì làm sao người dân không kính trọng cho được. Và từ thượng cổ cho tới nay, những người làm quan như vậy bao giờ cũng được người dân tôn vinh và không bao giờ quên ơn. Vì thế, con đê ở vùng Hải Dương ngày ấy tuy mang tên Trần Công Hiến, nhưng thực ra nó mang nặng tấm lòng không gì so được của người dân trăm họ trong vùng đối với ông. Và không những biết lo cho dân, Trần Công Hiến còn canh cánh nỗi lòng bảo tồn vốn cổ của tổ tiên, ông cho khắc chữ để in sách quý của các bậc tiền bối để truyền bá cho đương thời và hậu thế. Cũng nhờ vào công lao ấy của ông mà ngày nay hậu thế biết và hiểu về một vùng đất địa linh nhân kiệt này.

Từ xưa cho tới nay, người làm quan trong thiên hạ nhiều không thể kể xiết, nhưng những người có tài lo việc nước, lại có tâm, có đức và sống nhân nghĩa với dân như Trần Công Hiến thì chẳng có mấy ai. Ngược lại, những kẻ chỉ biết đến mình và chẳng bao giờ giúp ai điều gì song lúc nào cũng cứ muốn người khác phải vì mình thì lại không hiếm. Song, lẽ đời đâu phải như vậy, vì ai tốt, ai xấu, ai biết vì mọi người thì thiên hạ đều biết cả và họ chỉ nói ra đúng lúc, đúng chỗ cần phải nói.