Dân Việt

Thực hư đề thi môn Văn tốt nghiệp THPT chương trình mới sẽ "gây áp lực và thiệt thòi cho học sinh"

Tào Nga 12/11/2024 06:44 GMT+7
Học sinh cho rằng môn Văn có nhiều tác phẩm hay nhưng lại không có trong chương trình học, còn cách chấm điểm trắc nghiệm đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đang khiến học sinh khó đạt trọn điểm.

Đề thi tốt nghiệp THPT môn Văn từ năm 2025 gây khó khăn cho học sinh?

Hơn một nửa học kỳ của năm học đã trôi qua, chỉ còn vài tháng nữa lứa học sinh đầu tiên học chương trình giáo dục phổ thông 2018 chính thức tốt nghiệp. Đề thi tham khảo các môn và cấu trúc đề thi cũng đã được Bộ GDĐT công bố. Tuy nhiên, do năm đầu tiên triển khai nên hiện tại có nhiều học sinh thắc mắc đề thi, thậm chí có em cho biết cảm thấy bị áp lực. 

Thực hư đề thi môn Văn tốt nghiệp THPT chương trình mới sẽ "gây áp lực và thiệt thòi cho học sinh"- Ảnh 1.

Một học sinh nêu suy nghĩ của mình trước chương trình học và đề thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Ảnh: CMH

Một học sinh đã nêu suy nghĩ về chương trình học, đề thi năm nay và được nhiều người chia sẻ. Nội dung như sau: "Em có thắc mắc muốn hỏi là sao lại đổi chương trình học hiện nay và cấu trúc đề thi vậy ạ? Học sinh chúng em hiện nay khá áp lực về việc học khi tiếp xúc với chương trình mới vì lượng kiến thức từ lớp lớn đem xuống cực kỳ khó. Đối với em, chương trình cũ rất hay và dễ tiếp thu. Trong đó môn Văn lại có những tác phẩm rất hay và được nhiều học sinh biết đến nhưng mà em không hiểu sao Bộ lại gạt bỏ những tác phẩm hay và mang giá trị tinh thần của các tác giả mang đến cho người đọc.

Không chỉ vậy mà cấu trúc đề thi còn được đổi mới. Phần đúng sai chúng em rất khó để đạt trọn điểm vì sai 1 câu đã trừ 0,5 điểm và đúng 1 câu chỉ được 0,1 điểm thôi. Làm vậy như chống chúng em đậu tốt nghiệp. Chúng em mong Bộ GDĐT sẽ xem xét lại việc chấm điểm phần đúng sai để học sinh chúng giảm 1 phần áp lực khi tiếp thu chương trình mới".

Giáo viên nói gì?

Trước thông tin gây hoang mang dư luận nêu trên, trao đổi với PV báo Dân Việt, Ths Hà Văn Vụ, giáo viên dạy Văn tại Trường THPT Lê Thánh Tôn, quận 7, TP.HCM, cho biết: "Tôi đang băn khoăn không biết có phải em học sinh này là học sinh học chương trình 2006 hay không. Vì chưa được tiếp xúc từ đầu cấp học THPT với chương trình THPT 2018 nên em chưa hiểu được cách học và cách ra đề của chương trình mới.

Thực tế, chương trình GDPT 2006 là học gì thì đó. Có nghĩa là học tác phẩm nào thi tác phẩm đó, tính khuôn mẫu cao, thuộc lòng bài viết và hạn chế đi sự sáng tạo trong cảm nhận tác phẩm từ học sinh. Vì thế đáp án, hướng dẫn chấm nghiêng về cảm tính nhiều hơn lý tính.

Còn ở chương trình GDPT 2018, học theo đặc trưng thể loại. Khi nắm chắc được đặc trưng thể loại các em có thể dễ dàng làm được tác phẩm mới, cùng thể loại mà các em đã được học. Vì thế mà đề kiểm tra Ngữ văn với ngữ liệu hoàn toàn không có trong sách giáo khoa".

Thực hư đề thi môn Văn tốt nghiệp THPT chương trình mới sẽ "gây áp lực và thiệt thòi cho học sinh"- Ảnh 2.

Ths Hà Văn Vụ, giáo viên dạy Văn tại Trường THPT Lê Thánh Tôn, quận 7, TP.HCM. Ảnh: NVCC

Nói về các tác phẩm trong sách giáo khoa mới, Ths Vụ đánh giá: "Sách giáo khoa Ngữ văn của chương trình 2018 được xây dựng từ Chương trình tổng thể và chương trình Ngữ văn. Vì vậy sách giáo khoa là chỉ là tư liệu để làm rõ cho chương trình. Để chọn lọc các tác phẩm cho sách giáo khoa mới phải trải qua nhiều công đoạn nghiêm ngặt trong phản biện, vừa có tính kế thừa vừa tính mới, đặc biệt là phải tuân thủ yêu cầu cần đạt của Chương trình tổng thể và chương trình Ngữ văn. 

Vì thế các em sẽ thấy trong sách giáo khoa mới bên cạnh các tác phẩm mới thì vẫn có một số tác phẩm của chương trình 2006. Tuy nhiên nếu có tác phẩm cũ xuất hiện, thì tác phẩm đó cũng được dạy và học theo phương pháp mới chứ không học theo phương pháp của chương trình 2006 nặng về nội dung. Bên cạnh đó, có thể một số tác phẩm mà em tâm đắc và cho là hay nhưng có thể nó chưa thực sự phù hợp với yêu cầu cần đạt của chương trình 2018 và triết lý biên soạn của những tác giả sách giáo khoa".

Về phiếu trả lời trắc nghiệm, thầy Vụ lý giải: "Chương trình GDPT 2006, phần trắc nghiệm với đáp án ABCD, 100% dễ dẫn tới khoanh bừa, không học mà vẫn có điểm, không học vẫn làm bài bình thường. Nếu hên, khoanh bừa có thể điểm vẫn cao mà không cần học.

Chương trình GDPT 2018, các câu hỏi trắc nghiệm thiết kế hoàn toàn khác, gồm 3 phần:

Phần 1: Trắc nghiệm ABCD (Toán 3 điểm – 12 câu, mỗi câu đúng 0,25 điểm; Các môn khác 4,5 điểm – 18 câu, mỗi câu đúng 0,25 điểm)

Phần 2. Đúng sai 4 điểm với 4 câu trả lời ngắn, 1 câu có 4 ý. Đúng 1 ý được 0,1 điểm, đúng 2 ý được 0,25 điểm, đúng 3 ý được 0,5 điểm, đúng 4 ý được 1 điểm – sai 1 ý trừ 0,5 điểm).

Phần 3. Trả lời ngắn (Toán 3 điểm – 6 câu, mỗi câu đúng 0,5 điểm; Các môn khác 1,5 điểm – 6 câu, mỗi câu đúng 0,25 điểm).

Ở cách thiết kế câu hỏi như thế hạn chế trường hợp khoanh lụi khoanh bừa, không học mà vẫn có thể làm bài điểm cao ở chương trình 2006. Bộ đã hạn chế việc chọn đáp án ABCD từ 10 điểm xuống còn 3 điểm. Riêng phần chọn đúng-sai và trả lời ngắn nếu các em không thực sự học bài, tiếp thu bài tốt trong quá trình học thì không thể làm được. Do đó, đề và phiếu trả lời của các môn trắc nghiệm khá hay, khắc phục được nhược điểm lớn của phiếu dạng cũ.

Đồng quan điểm, Ths Phan Thế Hoài, giáo viên Văn tại Trường THPT Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM cho biết: "Học sinh phản ánh không đúng. Thứ nhất, cấu trú đề thi tốt nghiệp THPT vẫn kế thừa chương trình cũ là Đọc hiểu và Viết. Chỉ có điều, phần Viết (nghị luận văn học) ra tác phẩm ngoài sách giáo khoa so với chương trình cũ.

Thứ hai, chương trình cũ đúng là có một số tác phẩm hay nhưng lại không có mặt trong sách giáo khoa chương trình mới. Tuy vậy, học sinh học theo đặc trưng thể loại nên tác phẩm cũng chỉ sử dụng để minh họa.

Thứ ba, đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn ra 100% tự luận. Có những phạm vi kiến thức đòi hỏi học sinh phải làm đúng thì mới có điểm, ví dụ câu nhận biết phần Đọc hiểu hỏi về thể thơ. Tuy vậy, cả phần Đọc hiểu và phần Viết có độ mở rất rộng, học sinh có thể trả lời theo quan điểm, miễn sao không vi phạm các chuẩn mực đạo đức, pháp luật,... 

Tóm lại, muốn làm bài đạt điểm cao môn Ngữ văn thì học sinh phải nắm chắc đặc trưng thể loại; chịu khó đọc sách báo; luyện tập viết đoạn, viết bài văn...".

Trước đó, ngày 18/10, Bộ GDĐT đã công bố đề minh họa thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Đề thi tham khảo bảo đảm đúng quy định về cấu trúc, định dạng đề thi kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã được Bộ GDĐT công bố, đồng thời bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chủ yếu là lớp 12.

So với những năm trước, năm nay đề thi tham khảo được công bố sớm hơn gần 5 tháng; qua đó, giúp nhà trường, giáo viên, học sinh chủ động trong quá trình dạy, học và ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi để đạt nhiều mục tiêu đề ra như phướng án Bộ GDĐT.

Link đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: TẠI ĐÂY