Người dân mong được tạo điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất
Trong ý kiến, kiến nghị gửi đến Diễn đàn Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói, nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam có những chủ trương để tạo điều kiện cho người dân chuyển mục đích sử dụng đất.
Theo bà con, để phù hợp với tái cơ cấu ngành nông nghiệp bằng nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có một số diện tích trồng rừng kém hiệu quả nên địa phương xây dựng phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ trồng rừng sang trồng cây ăn quả và một số loại cây trồng khác có hiệu quả cao hơn nhưng chí phí phải nộp để trồng rừng thay thế (Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ NNPTNT về việc quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác).
Trên cơ sở định mức quy định của Bộ NNPTNT, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1308/QĐ-UBND ngày 21/5/2024, mức thu trồng rừng thay thế là 156.436.000 đồng/ha (quá cao đối với người dân, rất khó khăn về tài chính để thực hiện theo nhu cầu thực tế".
Theo đó, bà con rất mong và kiến nghị sớm có những chủ trương tạo điều kiện cho người dân chuyển mục đích sử dụng đất để chuyển đổi sang trồng cây ăn quả và một số cây trồng có hiệu quả cao hơn.
Cũng theo Hội Nông dân Thừa Thiên - Huế, hiện các HTX trên địa bàn tỉnh đang có nhu cầu thuê đất tại các địa phương để tổ chức sản xuất kinh doanh nhưng vẫn vướng cơ chế đất đai nên không thuê được đất tại các vùng nguyên liệu để xây dựng cơ sở chế biến nhằm hạn chế chi phí.
Bên cạnh đó HTX không thể đủ kinh phí để thuê đất đầu tư xây dựng cơ sở chế biến trong các khu quy hoạch tập trung và khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đây là một trở ngại rất lớn ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của các HTX.
Để tháo gỡ vướng mắc trên, nông dân đề nghị có cơ chế đặc thù cho HTX, đặc biệt là HTX nông nghiệp thuê đất để xây dựng cơ sở chế biến sản phẩm sau thu hoạch, nhằm tăng giá trị và nâng cao thu nhập cho người dân.
Cần đầu tư nguồn vốn để nông dân sản xuất xanh, hữu cơ, tuần hoàn
Cùng gửi kiến nghị đến Diễn đàn, ông Đặng Tiến Giang - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng cho hay: Để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, nông dân kiến nghị có những chính sách hỗ trợ nông dân tại các vùng chuyên canh tham gia chương trình đào tạo có chứng chỉ để sản xuất ra sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và các yêu cầu mới của thị trường.
Việc ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế do nông dân thiếu vốn, thiếu kỹ thuật và chưa thật sự mạnh dạn đầu tư vì đầu ra chưa đảm bảo.
Nông dân cũng đề xuất ngành chức năng đầu tư nguồn vốn cho địa phương để hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình thí điểm và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch nông thôn phù hợp với điều kiện, lợi thế của địa phương, vùng miền; đẩy mạnh, phát huy hiệu quả các mô hình hợp tác, liên kết giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo hướng phát triển các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, áp dụng các quy trình kỹ thuật sản xuất tiên tiến, nông nghiệp sạch, hữu cơ, công nghệ cao.
Có chính sách đối với những hộ nông dân thực hiện quy trình sản xuất theo hướng nông nghiệp thuận thiên
Theo Hội Nông dân tỉnh Cà Mau, hiện nay tình trạng mua bán thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, bệnh trên lúa, cây trồng vật nuôi qua Zalo, Tiktok,... rất phổ biến mà chất lượng không tốt, làm ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân, được biết đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện mà bán trôi nổi trên thị trường. Nông dân kiến nghị ngành chức năng có biện pháp quản lý để người nông dân an tâm sản xuất, bảo vệ môi trường sống.
Bên cạnh đó, tình trạng biến đổi khí hậu ĐBSCL nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng đã và đang diễn ra ngày càng phức tạp ảnh hưởng lớn đến sản xuất, nông dân mong muốn ngành chức năng kiến nghị Chính phủ có chính sách đối với những hộ nông dân thực hiện quy trình sản xuất theo hướng nông nghiệp thuận thiên thích ứng biến đổi khí hậu, sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Châu Âu, chứng nhận theo tiêu chuẩn Quốc tế (ASC).
Cụ thể như chính sách hỗ trợ chi phí mẫu xét nghiệm cho nông dân; chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người sản xuất theo diện tích. Mục tiêu thay đổi thói quen sản xuất truyền thống sang áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất; đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động và người tiêu dùng; sản xuất bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm.