Trong 2 ngày 12 - 13/11, Ban Quản lý xử lý rác thải thân thiện với môi trường Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức thực hành và học tập rút kinh nghiệm, trao đổi, chia sẻ phương pháp xử lý rác thải cho Hội Nông dân huyện Thiệu Hóa tại huyện Yên Định và Quảng Xương.
Sau hơn 2 năm (từ 2022 đến nay) triển khai, "Dự án Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế", Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức nhiều hoạt động về các khâu kỹ thuật.
Từ những kiến thức cơ bản ban đầu, các giảng viên của các địa phương đã nắm bắt và thực hiện có hiệu quả cách xử lý rác thải thân thiện với môi trường. Tại 11 xã của 3 huyện Quảng Xương, Thiệu Hóa và Yên Định, hàng trăm mô hình cúa tất cả các khâu kỹ thuật đều được triển khai. Các đơn vị đã đồng thời áp dụng vào đời sống và sản xuất.
Các mô hình của Dự án được nhân dân và chính quyền các địa phương hưởng ứng tích cực và đánh giá cao về hiệu quả thực tế. Theo đó, tuy các khâu kỹ thuật của dự án còn mới với nông dân các địa phương, nhưng bằng phương pháp truyền đạt kết hợp với hướng dẫn thực hành tại chỗ, nhất là nâng cao kỹ năng ứng dụng cho các Giảng viên nguồn trong các hộ gia đình.
Vì vậy người thực hiện dễ dàng nắm bắt và áp dụng đem lại hiệu quả thiết thực. Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông tại các địa phương ngoài dự án nên đông đảo nhân dân trên địa bàn tỉnh nắm bắt và thực hiện rộng rãi.
Tại huyện Quảng Xương, đoàn sẽ đến trải nghiệm tại trang trại nuôi trùn quế xử lý chất thải chăn nuôi và lấy phân trùn quế trồng rau, trồng dưa kim hoàng hậu, lấy trùn quế thương phẩm làm thức ăn chăn nuôi; tại huyện Yên Định, đoàn rút kinh nghiệm tại các trang trại nuôi gà trên nền đệm lót sinh học dày.
Hoạt động thăm quan, học tập, rút kinh nghiệm chéo tại các địa phương thụ hưởng là hoạt động cuối cùng của dự án, các hộ tham gia sẽ được trao đổi, cung cấp thêm các kỹ năng ứng dựng thực tiễn, kinh nghiệm xử lý rác thải để tiếp tục áp dụng, thực hiện tại địa phương mình và hộ gia đình. Dự án được thực hiện nhằm cung cấp kiến thức xử lý rác theo phương pháp sản xuất tần hoàn, coi rác thải là nguồn tài nguyên và biết cách biến chất thải thành của cải, phục vụ sản xuất và đời sống.